Tết vắng ông

Tết của bạn có mùi vị gì?

Là mùi bếp lửa bập bùng cùng tiếng than nổ tý tách.

Là mùi đồ mới làm dậy lên cảm giác nôn nao háo hức trong lòng.

Hay là mùi hương trầm, mùi nhang khói thoang thoảng trong không khí.

Mùi bưởi chín ngọt ngào, mùi khoai ngô sắn bùi ngọt chốn ruộng đồng.

Mùi nem rán, chả giò, gà luộc,… những món ăn quen thuộc của mùa tết.

Còn với tôi, tết nay là mùi vị cay cay bên khóe mắt. Khi giờ đây, thiếu vắng hình bóng của ông tôi.

Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn quen với những cái tết có ông, có một người chờ đợi sau một năm đi xa trở về. Căn bếp nhỏ luôn ấm cúng vì bập bùng ánh lửa, gian nhà trên có nồi than đỏ hồng đợi con cháu về hơ tay sưởi ấm ngày đông.

Nhưng năm nay, những thứ ấy chừng như chỉ thuộc về ký ức.

Tết vẫn thế, vẫn đến trong sự hân hoan của trẻ thơ và bộn bề lo lắng của người lớn. Đi ngoài đường, mai đào quất được bày bán khắp nơi, thêm một số loài hoa khác như tuyết mai, mận trắng. Mỗi năm mỗi khác, tùy theo thú vui cây kiểng của mỗi nhà.

Tiếng nhạc tết vang lên rộn ràng. Mỗi nơi đều đông hơn một chút.

Quần áo, giày dép, đồ tết, nhìn đâu cũng thấy không khí của mùa xuân đang đến.

Tết là của muôn nhà, tết chẳng của mình ai, nên có lẽ vì thế mà sẽ chẳng vì sự thiếu vắng của một người mà bớt rộn ràng hân hoan.

Nhưng nhìn vào đó, lòng tôi lại có chút buồn bã.

picture2-3893.jpg

Như theo một cách nói khác, tết không thể thiếu bánh mứt, dưa cà, bánh chưng bánh tét. Còn tết của tôi thì không thể thiếu người thân, thiếu ông, người tôi đã từng nghĩ rằng, mãi mãi sẽ không bao giờ rời xa tôi.

Bố mẹ tôi ly hôn khi tôi còn rất nhỏ, từ đó tôi được một tay ông chăm bẵm, không thiếu một ngày.

Trong ký ức của tôi từ ngày còn thưở ấu thơ, ông vừa làm cha, vừa làm mẹ, dịu dàng, săn sóc, sẵn sàng bảo vệ tôi mỗi lúc tôi bị bắt nạt, khi tôi bị người khác lôi chuyện gia đình ra phỉ báng, dèm pha.

Những cái tết còn có ông, có năm, bố tôi đi làm đến gần giao thừa mới về, tôi với ông ở nhà luộc bánh, cùng nhau ở bên bếp lửa, cùng nhau khiêng nồi bánh vào nhà, cùng nhau mở nồi, nhìn ngắm những chiếc bánh đầu tiên.

Những cái tết còn có ông, đồ tết của tôi đều do một tay ông chuẩn bị, từ chiếc áo, chiếc quần, đều được ông chính tay chọn lựa, tỉ mỉ, đơn giản mà gói trọn cả tấm lòng yêu thương.

Những ngày tết ấy, ngồi bên mâm cỗ, ông lúc nào cũng gắp đồ ăn cho tôi. Tính cách tôi vốn dĩ hướng nội, rụt rè, hay ngại ngùng, nên hồi nhỏ dù là với họ hàng, cô dì chú bác trong nhà, tôi cũng không thoải mái được. Nên ông luôn sợ tôi ăn không no, sợ tôi không dám ăn cái này cái kia, nên luôn gắp đồ ăn cho tôi. Câu ông hay nói nhất đó chính là “Cái này ngon này, ăn đi con”. Và bát của tôi được chất thành một hòn núi nhỏ bao giờ không hay.

Ở bên ông là ở bên sự ấm áp, ở bên chậu than đỏ rực như tấm lòng ông dành cho tôi.

Những năm trước, tết rét cắt da cắt thịt, ông không thể nào thiếu một chậu than bên mình. Nói là chậu than, nhưng thực chất nó là một cái nồi cũ, cũ đến độ móp méo khắp nơi, có chỗ còn phình ra rồi rách một đường ở giữa như một chiếc áo bị hỏng.

Cái nồi hỏng đó còn được đựng trong một chiếc chậu nữa, cũng móp méo không kém, nhưng nhìn thoạt qua, nó thật không khác gì một tác phẩm nghệ thuật được tạo ra từ một người nghệ nhân mang tên ông mà chỉ những người có “đôi mắt tinh tường” mới có thể nhận ra được.

Nhưng hiện tại, những thứ ấy đã thuộc về quá khứ, mọi thứ đều đã không còn ở đây nữa.

Ông từng nói: “Trông trời cho ông khỏe mạnh, cho đến khi A. nó học xong đại học, có chồng có con. Nhỡ có chuyện gì, nó về đây lại không có chỗ dựa, lủi thủi một mình”.

Mỗi khi nghe ông nói câu đó, tôi lại nặng lòng.

Năm nay, có thể là một năm thành công với nhiều người. Nhưng với tôi, năm nay, tôi mất đi một người mà tôi yêu thương.

Những năm trước mỗi lần được mẹ hỏi lịch về nhà, tôi đều cố gắng nán lại ngoài thành phố một vài ngày để chơi. Tuổi trẻ ham vui và ít suy nghĩ. Thấy tết là thấy vui, mà không biết ở nhà, mình nán lại thêm một ngày là có người chờ đợi mình thêm một ngày.

picture1-7886.jpg

Nay đây dưới hiên nhà thiếu vắng đi bóng hình của ông, chiếc chậu than nguội lạnh không người sưởi ấm, căn bếp quạnh hiu không đỏ lửa. Nhìn qua, thấy chạnh lòng, mà rơi nước mắt.

VŨ THỊ QUỲNH ANH

Quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục