“Ma trận” phí bủa vây đầu năm học - Bài 2: Cần minh bạch và trách nhiệm

Phụ huynh sẽ không tiếc tiền đầu tư cho con, nhưng phải thay đổi cách làm để phụ huynh thấy được sự minh bạch, hiệu quả của việc đóng góp. Khi đó phụ huynh sẽ trở thành sức mạnh hỗ trợ nhà trường phát triển giáo dục, thay vì bức xúc phản ánh như hiện nay.  
Phụ huynh Trường TH-THCS-THPT Hoàng Gia (quận 7) đóng học phí và phí đầu năm cho con
Phụ huynh Trường TH-THCS-THPT Hoàng Gia (quận 7) đóng học phí và phí đầu năm cho con

Phụ huynh đồng thuận nếu làm hợp lý

Hoàn thành nghĩa vụ học phí, các khoản phí theo quy định là quyền và nghĩa vụ của người học. Trường ngoài công lập vẫn tồn tại những khoản thu này, thậm chí số tiền đóng cao hơn rất nhiều so với trường công nhưng thường không có tình trạng bức xúc, thiếu đồng tình. Sự khác biệt có lẽ không nằm ở loại hình trường công hay trường tư mà nằm ở cách làm. Thực tế, có nhiều trường công làm rất tốt.

Tại các trường tư thục, dân lập, quốc tế (gọi chung là trường ngoài công lập) đóng trên địa bàn TPHCM, ngoài học phí thì sẽ thu thêm các khoản phí (nếu có sử dụng) như: phí bán trú, nội trú, xe đưa đón thường dao động từ hơn 1 triệu đồng đến 14 triệu đồng/tháng. Số ít trường có thêm phí cơ sở vật chất, kiểm tra đầu vào (thường đóng duy nhất 1 lần khi bắt đầu theo học tại trường). Nếu tính ra trị giá, phí ở trường ngoài công lập cao hơn nhưng thường được công khai ngay từ đầu để phụ huynh lựa chọn, không đưa người học vào thế đã rồi.

Chị Trương Ngọc Bích, phụ huynh Trường dân lập quốc tế Việt Úc chia sẻ: “Tôi từng nhiều lần đóng tiền khi con học ở trường công và cảm nhận rất rõ phụ huynh đóng tiền với rất nhiều “sắc thái”: vui vẻ, đóng cho xong, khó chịu nhưng không muốn phiền phức…Trường hợp tôi thì không có nhiều thời gian nhưng cứ vài tuần sẽ có một khoản tiền gì đó phải vào trường để đóng nên thấy rất phiền phức. Sau khi con gái đầu hoàn tất lớp 3 thì tôi chuyển con sang học trường tư và đứa sau thì vào thẳng trường tư ngay từ lớp 1. Ở đấy, các số tiền đóng 1-2 đợt, sau đó không phát sinh gì trong suốt năm học, họ lo hết mọi thứ từ học chính khoá đến ngoại khoá hay buổi 2 ở trường, dã ngoại ngoài lớp học… Tôi nghĩ phụ huynh trường tư hay công đều vậy, không tiếc đóng cho con bao nhiêu tiền, mà mấu chốt nằm ở niềm tin. Năm nào cũng đóng mua này, trang bị kia nhưng phụ huynh đặt câu hỏi thì nhận được câu trả lời chưa thỏa đáng. Quỹ phụ huynh có thể tồn tại nhưng cần thay đổi cách làm để không gây khó chịu, tạo sự thoải mái và niềm tin là rất quan trọng vì không ai có thời gian nhớ năm qua đã đóng những gì, giám sát thu chi ra sao”.    

ThS Nguyễn Ngọc Diệp, Giám đốc tuyển sinh Trường TH-THCS-THPT Hoàng Gia (quận 7) cho biết: Cũng là phụ huynh nên tôi hiểu các khoản thu là vấn đề nhạy cảm, nên càng minh bạch, cụ thể càng tốt. Tại trường tôi công tác, ngoài học phí, khi đăng ký nhập học thì phụ huynh vẫn phải đóng các khoản phí khác như: Phí cơ sở vật chất, tiền ăn và chi phí bán trú, chi phí giáo trình và bảo hiểm y tế. Trong đó, có khoản đóng 1 lần duy nhất, có khoản đóng theo từng năm, tháng nhưng tất cả đều được công khai trước khi năm học mới bắt đầu. Ngoài các khoản đã niêm yết, trường sẽ không thu thêm bất kỳ 1 khoản phát sinh nào khác từ phụ huynh các lớp. “Ở các trường quốc tế, vẫn có ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) nhưng rất hiếm khi liên quan đến vận động kinh phí, họ chỉ hỗ trợ thầy cô trong việc dạy trẻ, hoạt động. Đôi lúc, CMHS còn là đối trọng góp ý những điều thầy cô, trường chưa làm tốt”, ThS Diệp nói.

Ban giám hiệu đã làm hết trách nhiệm?

Hầu hết các sự cố dự toán thu chi bị vỡ lở trên truyền thông đều vắng đi vai trò của những người lẽ ra phải có chức năng trong câu chuyện tiền nong đầy nhạy cảm này. Đa phần giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu khi đó đều cho rằng không biết những bản dự toán đó, do phụ huynh tự bàn bạc với nhau, chưa thông qua ban giám hiệu… Lý do có thể đúng nhưng thiếu sức thuyết phục bởi chuyện xảy ra trong trường học, người có trách nhiệm quản lý không thể... vô can.

“Ma trận” phí bủa vây đầu năm học - Bài 2: Cần minh bạch và trách nhiệm ảnh 1 Những khoản thu đối với học sinh tiểu học
Chính hiệu trưởng một trường THPT tại TPHCM cũng thừa nhận, không chỉ hiệu trưởng mà ban giám hiệu phải tự vấn đã làm tròn trách nhiệm chưa? Vị này lý giải, vấn đề người ta bức xúc không phải bao nhiêu tiền mà là niềm tin. Muốn tạo sự đồng thuận cao nơi phụ huynh đòi hỏi lãnh đạo nhà trường làm bằng cả cái tâm, thực hiện bằng một loạt các hành động để bảo vệ uy tín cho nhà trường và cả mình nữa. Khi thực hiện, hiệu trưởng phải nói được với phụ huynh, giáo viên của mình rằng mình là người có trách nhiệm cao nhất trong câu chuyện này, không thể “khoán” hết trách nhiệm cho Ban đại diện CMHS; đảm bảo tính pháp lý cho giáo viên chủ nhiệm khi vận động, tư vấn cho Ban đại diện CMHS những điểm nhạy cảm cần tránh … Khi đã làm đúng, minh bạch, chỉn chu thì dù có bị phụ huynh ý kiến (lúc này rất hiếm bị) hay cấp trên yêu cầu giải trình cũng đều tường minh.

ThS Trương Thị Bích Thuỷ, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (quận 1) cho biết: Ở trường công lập, kinh phí thường xuyên được cấp theo số lượng học sinh và quỹ lương cho giáo viên. Khi kế hoạch hàng năm thực hiện đến quý 3, đơn vị sẽ báo cáo Sở GD-ĐT, có thể được đề xuất cấp bù nếu hoạt động cần kíp, hợp lý. Sở có trách nhiệm tham mưu, tư vấn cấp nguồn kinh phí hợp lý cho hoạt động nhà trường. Nguồn ngân sách này dành phần lớn để trả lương cho người lao động, hoạt động sự nghiệp và trích lập các quỹ theo quy định. Như vậy nguồn kinh phí đủ để duy trì các hoạt động giáo dục cơ bản và đầu tư cơ sở vật chất cũng ở mức này, muốn tiện nghi hơn thì vẫn cần nguồn hỗ trợ khác. Vì thế, công văn của Sở hướng dẫn các nguồn thu khác theo quy định và theo thỏa thuận, Thông tư 16 cho phép các trường vận động là hợp lý. Đối với nguồn kinh phí vận động tài trợ, ví dụ như học sinh giỏi sẽ được khen nhưng không có thưởng thì cần có mạnh thường quân, phụ huynh hỗ trợ để thưởng cho học sinh. Hay như ấn phẩm, ngày trước viết đề lên bảng học sinh chép lại nhưng nay thì phải photo và phát cho từng học sinh vậy thì cần có khoản tiền chi phí… Mấu chốt là, chỉ nên thu mức đủ xài, hợp lý.

Theo ThS Trương Thị Bích Thuỷ, Sở đã hướng dẫn các đơn vị, vận động tài trợ phải do nhà trường làm kế hoạch, trong đó nói rõ trường có kinh phí bao nhiêu, cần thêm bao nhiêu, chi cho những hoạt động nào và vì sao phải thực hiện hoạt động đó. Hay khi cần lắp đặt thiết bị nghe nhìn phục vụ học tập của học sinh, trường có nhiệm vụ tìm hiểu thiết bị có thông số kỹ thuật phù hợp, đưa ra cùng bàn bạc với phụ huynh để mua được máy móc thiết bị phù hợp với chi phí hợp lý nhất…

Hoạt động vận động tài trợ phải do nhà trường đề xuất nhu cầu, Ban đại diện CMHS trở thành cầu nối giúp tìm sự đồng thuận nhiều hơn trong phụ huynh. Và khi không đạt được mục tiêu đã đề ra thì hãy xem việc đó là bình thường, có đến đâu làm đến đó. Đầu năm nhà trường đều có báo cáo công khai năm trước đã nhận được sự hỗ trợ ra sao và chi như thế nào để phụ huynh biết, hiểu và ủng hộ.

Trình bày: HỮU VI

Tin cùng chuyên mục