Chỉ trong mười năm trở lại đây, rất nhiều hộ sản xuất lò đất Phú Định đã đóng cửa, bỏ nghề. Theo quy luật của quá trình đô thị hóa, các cơ sở nặn ông lò cũ nhường chỗ cho những công trình giao thông, các khu đô thị mới mọc lên. Làng chỉ còn sót lại một cơ sở cuối cùng nằm lọt thỏm ngay khoảng đất dưới chân cầu Rạch Cây (quận 8 – TPHCM). Nơi đó, vẫn còn những người yêu nghề, ngày đêm gắn bó với công việc chân lấm tay bùn ngay ở Sài Gòn…
Trăn trở với nghề
Theo đường Nguyễn Văn Luông, chúng tôi đến làng nghề nằm giữa cầu Rạch Cây và cầu Phú Định tìm cơ sở sản xuất được xem là hậu duệ cuối cùng của làng nghề lò đất Sài Gòn xưa. Sau một hồi vòng vèo, chúng tôi cũng tìm được cơ sở của ông Trần Văn Tiếp, thường gọi là Năm Tiếp. Cơ sở này được đánh giá hoạt động hiệu quả, có diện tích khoảng 200m2 với hơn 30 thợ làm việc thường xuyên trong đó có 20 thợ chính. Dưới cái nắng gắt của buổi trưa, từng giọt mồ hôi nối tiếp nhau chảy ướt đẫm trên lưng nhưng các thợ chính vẫn làm việc hì hục, đều đặn. Các anh chị thợ phụ làm việc cật lực không kém bên các lò lửa đỏ rực.
Ông Năm Tiếp cho biết đã theo nghề hơn 30 năm nay: “Trước đây, khu này toàn là đồng quê. Mấy người lớn trong làng thấy vậy mới kiếm nghề này về làm. Từ đó, cả dân làng làm theo. Trước đây, Phú Định có trên 30 hộ theo nghề truyền thống của gia đình. Hơn 10 năm trước vẫn còn gần 1/3 số đó theo nghề. Vậy mà giờ chỉ còn mỗi hộ của tôi là còn giữ được nghề”.
Hiện tại, sản phẩm từ cơ sở Năm Tiếp đã phân phối đi rất nhiều tỉnh miền Đông, miền Tây, Tây Nguyên, Nam Trung bộ (nhiều nhất các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa…). Ngoài việc duy trì các mẫu sản phẩm truyền thống vì rất tiện dụng, phù hợp với nhiều gia đình, xưởng của ông còn chú trọng đến việc cải tiến mẫu mã, nâng tầm chất lượng của bếp.
Theo ông Năm, nguồn ra cho bếp lò hiện nay vẫn chưa đến nỗi bấp bênh lắm vì khắp vùng chỉ còn duy nhất cơ sở ông làm. “Dù cực nhưng hàng vẫn bán được, đó là niềm vui lớn nhất của người làm nghề. Cơ sở hiện cũng ổn định, vẫn còn nhiều thợ lành nghề lâu năm theo làm, không bỏ được. Nghề này như một cái nghiệp đeo bám chúng tôi vậy”, ông Năm chia sẻ.
Đang vui, giọng ông bỗng chùng xuống: “Không biết tôi còn trụ được bao lâu chứ giờ, nhu cầu sử dụng bếp gas, bếp điện ngày càng nhiều hơn. Xưởng cũng thiếu nhân công. Nguồn nguyên vật liệu thì đắt giá, khó tìm. Đặc biệt, chuyện thi công đập ngăn triều lại tác động lớn đến việc vận chuyển nguyên vật liệu vì hầu như toàn phải chuyển bằng đường sông. Tôi cảm thấy bơ vơ, không biết kêu ai giúp sức cùng giữ lại xưởng cuối cùng này, hổm rày suy nghĩ nhiều lắm. Tôi chỉ mong có điều kiện để phát triển nghề, mà nghĩ khó quá. Giờ thì vẫn làm được, nhưng còn những năm sau, năm sau nữa không biết làng nghề rồi ra sao…”.
Nghề lắm kỳ công
Lò bếp cơ sở Năm Tiếp được bán với giá thành khá rẻ, lò nhỏ từ 25.000 - 30.000 đồng/cái, lò lớn từ 50.000 - 60.000 đồng/cái. Nhưng để tạo ra được nó, người làm nghề phải qua rất nhiều bước công phu.
Ngoài đất sét, nguyên liệu làm bếp lò còn có than từ trấu hun thành. Việc hun trấu phải phụ thuộc vào vị trí đổ trấu và thời điểm hun trấu, sao cho không được cháy thành tro màu trắng vì không thể sử dụng được, còn trấu cháy chưa thành than, nếu trộn vào đất sét sẽ làm nứt bếp lò khi nung.
Đất sét sau khi ngâm trong nước làm tăng độ mịn dẻo, lắng bỏ tạp chất sẽ được trộn than trấu vào với tỉ lệ thường là 2/3 đất và 1/3 than trấu. Việc chọn mẫu đất và trộn đất không bắt buộc theo tỉ lệ đã định, mà có thể tăng giảm chút ít tùy vào kinh nghiệm nghề nghiệp của mỗi người thợ. Nhưng trộn than trấu vào đất sét không phải để giảm thiểu chi phí mà là nguyên tắc bắt buộc để làm tăng độ chịu nhiệt của bếp lò khi nung, nhất là trong quá trình sử dụng về sau.
Để làm ra một chiếc bếp lò hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn tạo dáng phức tạp: quay, nắn gù (nắn đầu lò), cắt gọt và tạo miếng chắn lò. Công đoạn quay lò tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại là khâu khó nhất trong quy trình tạo dáng bếp lò. Ông Lâm Thành Lợi, người có 30 năm kinh nghiệm trong nghề cho biết: “Ai qua được bước này mới được gọi là thợ. Nhiều người học rất lâu, nhưng không thể qua bước này, họ chỉ có thể nắn gù hoặc ngồi cắt gọt lò”. Theo ông Lợi, cái khó là làm sao để người thợ đi giật lùi quanh khuôn, dùng đôi tay khéo léo của mình ấn vuốt đất liên tục nhằm ép đất chặt vào khuôn và có độ dày đều. Khuôn được đặt trên một cái giá cao, vừa tầm tay của thợ. Trước khi cho đất vào khuôn ép, thợ phải rải đều lớp cát mịn để chống dính. Sau khi thấy đủ độ dày thành lò, thợ bê khuôn ra chỗ phơi, lật úp đáy lò lên trên và nhấc khuôn ra để phơi sản phẩm. Khâu quay lò được làm ngoài sân, cạnh nơi để nguyên liệu và xung quanh là chỗ trống để phơi sản phẩm mà không phải di chuyển nhiều nên buộc thợ phải phơi lưng trần làm việc ngoài nắng. Sản phẩm sẽ được phơi khoảng hai đến ba ngày tùy vào thời tiết. Trong lúc phơi, phải canh chừng thời gian tưới nước giữ ẩm đầu lò để qua bước sau, có thể nắn đầu lò cho dễ.
Nắn gù là tạo ra 3 giá kê trên thành miệng bếp lò, thợ dùng tay nắm đất đắp lên 3 vị trí cân xứng trên thành bếp và ấn vuốt cho dính chắc và bằng phẳng, sau đó tiếp tục mang đi phơi lần nữa cho khô ráo. Tiếp đến là công đoạn cắt gọt những lớp đất thừa trên sản phẩm, đồng thời cắt tạo miệng lò, cửa lò. Khâu này được người thợ làm tỉ mỉ và cẩn thận nhất, nhát cắt phải nhanh gọn và đúng vị trí định trước.
Cùng với khâu nhào trộn đất, khâu làm miếng chắn lò giờ đây đã được làm bằng máy móc, nhanh và tiện lợi. Ngày trước không có máy móc hỗ trợ, thợ phải nặn đất thành những miếng tròn dẹt, dày khoảng 1-1,5cm, đường kính phù hợp với khoảng cách cân xứng với chiều cao thân lò. Sau khi phơi ráo, dùng một ống trúc đục những lỗ nhỏ trên miếng đất theo vòng tròn vào giữa tâm. Miếng chắn lò dùng để gác than hoặc củi khi đun bếp, tro sẽ theo các lỗ nhỏ rơi xuống đáy lò và được cào ra ngoài qua cửa lò.
Níu nghề
“Thanh niên trẻ trong làng bây giờ thích đi làm văn phòng, làm công nhân… cho nhẹ nhàng, ổn định và sạch sẽ, ít ai còn chịu làm cái công việc nắng nôi, chân lấm tay bùn này nữa rồi”, ông Năm thở dài nói về chuyện thiếu nhân công. Thế nhưng, ở xưởng của ông vẫn còn có những thanh niên trẻ “nặng lòng” với nghề của làng, không chỉ là kiếm sống mà còn để giữ lại một “làng bếp lò” của Sài Gòn xưa bấy lâu nay nhiều người chưa biết đến.
Hơn 5 năm làm ở xưởng, anh Triệu Giang (28 tuổi, quận 8) vẫn được xem là “người mới” trong nghề nặn. Tuy vậy, anh khá gắn bó với công việc này: “Nhờ đi làm ông lò, tôi đã giúp ích được nhiều cho gia đình. Dù cực với bụi bẩn hơn các nghề khác nhiều nhưng theo riết rồi quen và yêu luôn lúc nào không biết. Giờ kêu đi làm việc khác thì không chịu được, nhớ lắm”
Tạ Khai Hưng (20 tuổi) có lẽ là thợ trẻ nhất trong xưởng Năm Tiếp. Hưng đã làm nghề này hơn 7 năm. Từ khi còn là cậu bé 13 tuổi, hàng ngày thấy mấy cậu, chú trong nhà nặn ông lò, Hưng mê, tập tành làm theo và làm luôn tới giờ. “Chắc em không bỏ nghề này được, chừng nào xưởng của cậu Năm còn làm thì em vẫn sẽ theo. Khi làm ra sản phẩm, em tìm thấy được niềm vui ở trong đó”, Hưng tâm sự.
Chúng tôi chạy xe trở lại trung tâm TP, chợt nhớ lại câu nói của ông Năm Tiếp mà chạnh lòng: “Biết đâu đó, khi các cháu viết bài này thì cũng là tư liệu cuối cùng về làng nghề, những thế hệ sau có thể không còn cơ hội nhìn thấy một làng nghề truyền thống đã từng rất phát triển ngay bến Phú Định…”.
HỒNG LỢI - VÕ THẮM