Mai một tiếng đàn chapi

Ngày hội Văn hóa dân tộc Raglai lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Ninh Thuận đã đi qua. Nhưng ở vùng đất thừa nắng gió này, khi tôi đứng giữa núi rừng Bác Ái, đâu đó vang lên những thanh âm mã la, tiếng khèn, tiếng trống và tiếng chapi của người Raglai, khiến cái nắng nóng trở nên dịu hơn…
Mai một tiếng đàn chapi

Ngày hội Văn hóa dân tộc Raglai lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Ninh Thuận đã đi qua. Nhưng ở vùng đất thừa nắng gió này, khi tôi đứng giữa núi rừng Bác Ái, đâu đó vang lên những thanh âm mã la, tiếng khèn, tiếng trống và tiếng chapi của người Raglai, khiến cái nắng nóng trở nên dịu hơn…

        Lên núi nghe đàn chapi...

Cũng như các dân tộc khác ở miền núi trên cả nước, người Raglai cũng lưu giữ riêng cho mình một kho tàng văn nghệ dân gian rất phong phú, đa dạng như âm nhạc mã la, kèn sarakel, đàn chapi, hát sử thi, lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới…

Có lẽ, không ai đến với đồng bào dân tộc Raglai mà không quan tâm đến cây đàn chapi, bởi đây là nơi nhạc sĩ Trần Tiến lấy cảm hứng viết nên ca khúc Giấc mơ Chapi bằng những lời ca mộc mạc, chân thành nhưng không kém phần da diết. “Ở nơi ấy, họ đang sống cuộc sống yên bình/Ai nghèo cũng có cây đàn chapi/Khi rung lên vài sợi dây, đàn đã đong đầy hồn người Raglai”... Đàn Chapi được làm từ ống tre già. Tùy kích cỡ của ống tre, song thông thường chiều dài của ống tre chừng 30 - 35cm, đường kính 8cm. Đây là nhạc cụ thông dụng và độc đáo của người Raglai, đã gắn liền với đời sống của bà con nơi núi rừng sâu thẳm.

Nghệ nhân Chamale Âu ở xã Ma Nới (Ninh Sơn) mong có người kế thừa chế tác đàn chapi.

Nghệ nhân Chamale Âu ở xã Ma Nới (Ninh Sơn) mong có người kế thừa chế tác đàn chapi.

Chamale Âu là một trong số nghệ nhân hàng đầu am hiểu, và chế tác đàn chapi còn sót lại trong hơn 10 năm qua ở xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn). Mới tờ mờ sáng, khi những con gà rừng cất tiếng gáy báo hiệu ngày mới, Chamale Âu đã mang những lóng tre già chuẩn bị từ trước để đến với ngày hội. Trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết: Muốn làm đàn chapi, trước tiên, phải tìm và chọn ống tre già, vỏ bóng và mỏng, mọc trên những đỉnh đồi cao, vì mọc dưới thấp, rễ hút nhiều nước, tiếng kêu sẽ không thanh. Ống tre sau khi phơi khô, dùng đầu nhọn của lưỡi mác tách vỏ bên ngoài thành 12 sợi dây mảnh. Đặt những đoạn tre nhỏ ở hai đầu sao cho dây không sát vào thân và chạy đều xung quanh ống đàn. Mỗi cặp dây lại được nối với nhau bởi mảnh tre được vót thành hình giống như đồng xu để cố định. Hai đầu của dây đàn có quấn dây mây để giữ cho dây đàn không bị tách ra khỏi ống đàn. Sau đó thân tre được khoét thủng hai đầu để tạo âm vang. Khi đàn, nghệ nhân thường đặt dọc cây đàn, đầu trên của đàn hướng ra phía ngoài, đầu dưới hơi nghiêng vào bụng, vừa để cộng hưởng âm thanh, vừa giúp âm thanh ấm hơn.

Những thanh âm chapi trầm bổng giữa núi rừng bạt ngàn, mang theo cái tình người Raglai, đấy là linh hồn tạo nên sức sống của núi rừng. So với những loại nhạc cụ khác, đàn chapi rất đơn giản. Nhưng để làm được một cây đàn chapi đòi hỏi phải có sự khéo léo, tỉ mỉ và cả đam mê của người làm đàn trong đó nữa.

Trong suốt ngày hội, ông Chamale Âu ngồi một góc, lặng lẽ mân mê cây đàn. Mặc cho không khí ồn ào náo nhiệt xung quanh, đôi tay ông thoăn thoắt, khoan thai khảy thử đàn, nhẹ nhàng thẩm thấu từng thanh âm. Tiếng đàn chapi được phỏng theo âm thanh của tiếng mã la. Cho nên, cũng giống như mã la, từng thanh âm của đàn chapi mang một điệu riêng biệt và có vai vế của các thành viên trong gia đình. Thanh âm của cặp dây mẹ, cặp dây cha, cặp dây con trai và cặp dây con gái hòa chung thành một giai điệu chapi tinh tế. Cho nên, cái khó nhất khi làm đàn là phải chỉnh sao để các dây đàn có âm thanh phát ra từng điệu riêng biệt.

        Nao lòng một giấc mơ

Người Raglai coi đàn chapi là bộ mã la thu nhỏ, chỉ một người đánh, lại dễ dàng đem theo trong mình. Bởi đối với họ, mã la là nhạc cụ quan trọng nhất, nó có mặt trong hầu hết các lễ hội, lao động và sinh hoạt. Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng có được một bộ mã la cho riêng mình. Theo lời kể của người Raglai, trước kia để có được 3 mã la, người ta phải trao đổi bằng 2 con trâu, tài sản có giá trị rất lớn so với cuộc sống của họ. Có thể ví mã la là nhạc cụ của người giàu, còn đàn chapi là âm nhạc của người nghèo, như trong Giấc mơ chapi nhạc sĩ Trần Tiến đã khẳng định: “Ai nghèo cũng có cây đàn chapi”. Giờ đây, chapi đã là đàn thông dụng của dân tộc sống cuối dãy Trường Sơn thuộc Nam Trung bộ. Trong các lễ hội, chapi hòa âm cùng tiếng mã la, tiếng kèn bầu sarakel, sáo talakung, … tạo nên âm hưởng mang đậm chất hồn văn hóa Raglai.

Chapi là tiếng lòng của người Raglai, không phải đợi đến dịp lễ hội, người ta mới đem chapi ra khảy. Nhà nhà đều có chapi, ai ai cũng biết khảy chapi. Họ khảy lúc lên nương làm rẫy, khảy trong những đêm trăng thanh sau nhiều ngày lao động mệt nhọc. Khi những âm điệu chapi vang lên, hòa vào trong gió, quyện vào đất trời làm lòng người thêm xốn xang, phấn khởi, quên bớt lo âu, vất vả, quên đi cả sự xô bồ của cuộc sống. Nhưng đó là chuyện của mấy mươi năm về trước, giờ đây khi đời sống được nâng cao, đèn đường đã đến với bà con thôn bản. Ti vi, đầu máy, điện thoại không còn lạ gì đối với lớp trẻ nữa thì đàn chapi đang dần trở nên xa lạ với họ. Bây giờ, lớp trẻ không mặn mà với đàn chapi nữa, nó chỉ được vang lên trong những buổi biểu diễn của các nghệ nhân. Trong buổi tọa đàm về văn hóa Raglai bảo tồn và phát triển tại huyện Bác Ái (Ninh Thuận) vừa qua, các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa dân gian đã đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát triển văn hóa Raglai, trong đó có trăn trở về việc chế tác đàn chapi hiện không có thế hệ kế thừa.

Hiện nay, người Raglai ở Ninh Thuận vẫn chơi và làm đàn chapi, nhưng chủ yếu là người già. Riêng ở Khánh Hòa, số người biết chơi đàn còn rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trước nguy cơ tiếng đàn chapi đang dần mai một, chính quyền và một số người dân Raglai ở 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đã đưa ra các giải pháp nhằm khôi phục và bảo tồn cây đàn chapi. Nhạc sĩ Hồ Hoài Sơn, một trong những người có tâm huyết bảo tồn đàn chapi, tâm sự: “Lâu nay, ta luôn coi đàn chapi là một loại nhạc cụ của bà con Raglai, mà quên đó là biểu tượng của một dân tộc. Bây giờ, cần phải thương mại hóa đàn chapi. Để đàn chapi không chỉ dùng trong biểu diễn mà còn là một sản phẩm văn hóa sống động, một món quà lưu niệm cho du khách”.

Thời gian qua tỉnh Khánh Hòa cũng đã có những cố gắng trong việc thực hiện bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Đề án đang được triển khai ở giai đoạn 1 (2012 - 2015) thống kê các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, trong đó có cây đàn chapi của người Raglai. Trong giai đoạn 2 (2016 - 2020) sẽ đẩy mạnh việc khai thác, phát huy tác dụng các di sản trong xây dựng và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Đồng thời kết hợp công tác bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch tại một số địa phương. Có như vậy, tiếng đàn chapi không chỉ vang lên nơi đại ngàn rừng núi mà còn ngân lên những thanh âm níu giữ lòng du khách trong và ngoài nước.

HỒNG LỢI

Tin cùng chuyên mục