Mai này, khi Xóm Chài không còn …

Xóm Chài cách Bến Ninh Kiều một con sông không lớn lắm. Từ bao đời nay, dân Xóm Chài (thuộc phường Hưng Phú quận Cái Răng thành phố Cần Thơ) sống như biệt lập. Phần lớn cơ cực, vất vả, buôn gánh bán bưng kiếm sống. Đã vậy, gần 4 năm nay, bà con mất ăn mất ngủ trước cơn lốc đô thị hóa. Cả phường nằm trong “quy hoạch” giải tỏa toàn bộ, Xóm Chài sẽ mất và người dân phải rời xóm ra đi…
Mai này, khi Xóm Chài không còn …

Xóm Chài cách Bến Ninh Kiều một con sông không lớn lắm. Từ bao đời nay, dân Xóm Chài (thuộc phường Hưng Phú quận Cái Răng thành phố Cần Thơ) sống như biệt lập. Phần lớn cơ cực, vất vả, buôn gánh bán bưng kiếm sống. Đã vậy, gần 4 năm nay, bà con mất ăn mất ngủ trước cơn lốc đô thị hóa. Cả phường nằm trong “quy hoạch” giải tỏa toàn bộ, Xóm Chài sẽ mất và người dân phải rời xóm ra đi…

  • Nghịch lý - Xóm Chài

Đêm ở Bến Ninh Kiều, công viên, phố thị rực rỡ đèn màu, nhà hàng đầy ắp người vào ra, du thuyền trên sông chật kín chỗ… Đối diện bên kia sông, Xóm chài buồn yên vắng. Ánh sáng của những tấm bảng quảng cáo càng làm cho Xóm Chài lọt thỏm trong bóng đêm.

Muốn qua Xóm Chài phải đi đò hoặc phà, nếu không thì chạy vòng lên cầu Quang Trung quay ngược xuống. Xóm Chài nghèo, đường sá nhỏ hẹp, đi lại khó khăn. Nhà cửa chen chúc nhiều tầng nhiều lớp, phần lớn là nhà ổ chuột. Cụ bà Trương Thị Liễu (75 tuổi) chua chát: “Hồi mới lập ra Xóm Chài đã nghèo. Bây giờ tuy đỡ hơn một chút nhưng vẫn khó khăn. Cậu em thấy đó, phía bên kia sông nhà cao cửa rộng, giàu sang bao nhiêu thì bên này ngược lại, nghèo bấy nhiêu”.

Mai này, khi Xóm Chài không còn … ảnh 1

Một góc Xóm Chài với nhà lụp xụp.

Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Phú – Huỳnh Thị Phụng cho biết: Toàn phường có 2.513 hộ với hơn 17.289 nhân khẩu. Canh tác 210 ha vườn, 30 ha màu, 60 ha lúa và 5 ha ao hầm nuôi cá tra… Đất hẹp, người đông, trên 50% số hộ không đất canh tác. Dân Xóm Chài sinh sống bằng đủ các nghề như: bán xôi, bán cá, rau cải, chèo đò, làm mướn, phụ hồ… Chỗ nào cần lao động làm công là dân Xóm Chài có mặt.

Bà Mạch Thị Ngọc Sương, tổ 53, phân trần: “Gia đình tôi đã 3 đời sống ở Xóm Chài, không đất đai. Ngay cả nền nhà cũng ở đậu. Hàng ngày mâm xôi, thúng bánh mang ra chợ đến tối mới về. Hôm khá, được hai ba chục ngàn đồng, tạm đủ gạo ăn. 5 đứa con lớn lên đi làm thuê, gánh mướn kiếm sống qua ngày”.

Anh Nguyễn Văn Thuyền thêm vào: “Ở xóm này nhà nào cũng vậy. Như gia đình tôi, vợ chồng và 5 đứa con, sống trong căn nhà nhỏ, trời mưa, dột tứ tung không có chỗ nằm. Gần 15 năm chèo đò, tay chai - da sạm nắng nhưng nghèo vẫn nghèo. Hôm nào xuống đò thì có gạo ăn, còn lên bờ phải đi vay nợ. Ăn trước - trả sau, nợ gối đầu trả hoài không dứt, khổ lắm!”.

Anh Nguyễn Thanh Phong, Phó ban Khu vực 3, trăn trở: “Bà con thu nhập như thế sao giàu được, trong khi nhà nào cũng đông con từ 4 - 5 đứa trở lên. Lo cái ăn đã mệt, nói gì đến chuyện nhà cửa, học hành…”.

Cả phường Hưng Phú mấy chục năm nay không nhà nào có nước sạch. Bà con, cứ ra sông gánh nước lên lóng phèn là ăn uống tuốt luốt. Mặc kệ, dưới sông biết bao nhiêu thứ rác rưởi ô nhiễm. Đêm đêm, dân Xóm Chài tụm năm - tụm bảy, nhìn sang Bến Ninh Kiều lộng lẫy mà tủi thân, trách phận.

  • Mai này: Xóm Chài lên phố thị

Hỏi phường, Xóm Chài hình thành bao lâu? Phường lắc đầu không “nhớ” rõ. Nhưng theo những người cao tuổi cho biết, thuở nhỏ họ sinh ra và lớn lên tại đây, cha mẹ đã sống ở Xóm Chài lâu lắm. Ngày trước, ngoài Xóm Chài Hưng Phú còn có xóm đáy, xóm gạch, xóm củi, xóm bún…

Người địa phương cũng có, nhưng phần lớn là dân từ các nơi về. Do nghèo, không có tiền sinh sống ở nội ô, nhiều người chọn Xóm Chài lập nghiệp. Từ đó xuất hiện những cái tên địa phương gắn liền với nghề nghiệp mưu sinh của họ. Dần về sau này, một số nghề như đóng đáy, làm củi, bún… bị mai một.

Riêng Xóm Chài vẫn tồn tại đến hôm nay. Mặc dù nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ một con sông, nhưng Xóm Chài vẫn là một vùng quê. Ngoài khu vực đông dân cư gần trụ sở UBND phường, thì bên ngoài vẫn có vườn, có ruộng. Khi cầu Quang Trung thông xe năm 2002, nối liền nội ô Cần Thơ sang Hưng Phú, cộng thêm mở con đường nhựa dẫn xuống Cảng Cái Cui.

Mai này, khi Xóm Chài không còn … ảnh 2
Dân chèo đò Xóm Chài đang chờ khách, phía sau là đô thị Cần Thơ lộng lẫy.

Bộ mặt Xóm Chài thay đổi, giá đất tăng lên từng ngày. Anh Nguyễn Văn Sáu, Chủ tịch HĐND phường Hưng Phú, khoe: “Theo quy hoạch của thành phố, toàn bộ diện tích phường Hưng Phú sẽ giải tỏa, xây dựng khu đô thị mới. Ngoài những khu dân cư hiện đại mọc lên, khu vực Xóm Chài sẽ được xây dựng công viên và khu vui chơi bậc nhất thành phố”. Hiện tại, có 14 dự án lớn đã và đang triển khai.

Như vậy, không bao lâu nữa, Xóm Chài nghèo khổ với những căn nhà ổ chuột sẽ biến mất, nhường chỗ cho đô thị mới. Chính quyền phường Hưng Phú tin rằng: khi lên phố thị, cơ sở hạ tầng sẽ tốt, điều kiện sinh hoạt đầy đủ hơn. Hưng Phú sẽ thoát khỏi cái nghèo, vươn lên “bằng em, bằng chị”.

  • ... Và những trăn trở

Những ngày này, Xóm Chài “chìm” trong đề tài đô thị hóa. Người mừng, khi Xóm Chài được khoác lên mình chiếc áo mới đẹp hơn. Người lo toan, không biết nay mai khi rời Xóm Chài sẽ sống ra sao? Ông Đỗ Văn Bắc (65 tuổi) băn khoăn: “Chúng tôi vui vì Xóm chài đổi mới, tuy nhiên, vẫn trăn trở khi chưa có nơi ở mới và việc làm ra sao?”. Băn khoăn của ông Bắc cũng là nỗi lo chung của người dân Xóm Chài trước giờ lên đô thị. Trong đó, những người nghèo cả đời chèo đò, buôn gánh bán bưng… khi giải tỏa, dân cư không còn, họ đồng nghĩa với thất nghiệp…

Mang những trăn trở của bà con Xóm Chài, chúng tôi tìm đến các ngành chức năng. Ông Mai Hồng Châu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Cái Răng, cho biết: “Quận đã chuẩn bị khu tái định cư rộng 28 ha tại khu vực 4. Hiện giải tỏa hơn 80% và sẽ làm hạ tầng ngay, đảm bảo chỗ ở mới cho bà con. Vấn đề đền bù cũng đang tính toán không để người dân chịu thiệt.

Tuy nhiên, cái khó là giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn người không đơn giản. Bởi phần lớn không nghề và học vấn thấp”. Giải pháp trước mắt, vận động bà con sau khi nhận tiền nên mua lại đất ruộng ở nơi khác duy trì sản xuất. Bên cạnh đó, đề nghị các chủ đầu tư hỗ trợ thêm vốn và nhận người dân vào làm công nhân (như phụ hồ, khuân vác, bảo vệ…) trong các dự án.

Đến nay, có hàng ngàn người đang làm công nhân với thu nhập từ 20 ngàn tới 40 ngàn đồng/người/ngày. Về lâu dài, sẽ tổ chức cho người dân học nghề, để bố trí vào làm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất… Phường Hưng Phú còn vận động bà con đầu tư cho con em ăn học. Bởi khi lên đô thị muốn tìm việc làm phải có trình độ.

Một số gia đình nhận ra việc này, đã cho con học lên đại học. Như gia đình Cao Hữu Há, khu vực 3, dù khó khăn nhưng anh nhất quyết nuôi 3 con học đại học. Đứa con trai lớn vừa tốt nghiệp bác sĩ, anh tiếp tục đưa lên TP Hồ Chí Minh “chuyên tu” thêm 4 năm để vững tay nghề trước khi về địa phương công tác.

Chia tay Xóm Chài, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của bà con và chính quyền phường Hưng Phú. Diện mạo mới đang hình thành thay thế cái nghèo tồn tại cả trăm năm. Cố gắng của các ngành chức năng, khi Xóm Chài phát triển, đời sống bà con cũng khá lên. Như vậy, lên đô thị mới có ý nghĩa. 

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục