Malala - Ý chí và hy vọng

Ở tuổi 17, cô bé người Pakistan - Malala Yousafzai đã vinh dự được lưu danh là chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải Nobel Hòa bình. Ý chí mãnh liệt và sự gan dạ phi thường của Malala đã thắp lên hy vọng cho hàng ngàn nữ sinh Pakistan về một tương lai tươi sáng hơn. Khi ấy, các em có cơ hội được vươn lên trong môi trường bình đẳng để theo đuổi những ước mơ, hoài bão mà không phải lo sợ khuôn khổ quá khắc nghiệt đeo bám bấy lâu.
Malala - Ý chí và hy vọng

Ở tuổi 17, cô bé người Pakistan - Malala Yousafzai đã vinh dự được lưu danh là chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải Nobel Hòa bình. Ý chí mãnh liệt và sự gan dạ phi thường của Malala đã thắp lên hy vọng cho hàng ngàn nữ sinh Pakistan về một tương lai tươi sáng hơn. Khi ấy, các em có cơ hội được vươn lên trong môi trường bình đẳng để theo đuổi những ước mơ, hoài bão mà không phải lo sợ khuôn khổ quá khắc nghiệt đeo bám bấy lâu.

Ý chí bất tử

Giải Nobel Hòa bình đóng góp vào bộ sưu tập gần 40 giải thưởng, danh hiệu mà Malala nhận được vì những đóng góp không mệt mỏi vì quyền được đến trường của trẻ em trên toàn thế giới.

Được sinh ra ở khu vực thung lũng Swat, Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc Pakistan, Malala phải chứng kiến quá nhiều cảnh đau thương từ khi phiến quân Taliban tràn vào nơi này chiếm đóng, tàn phá trong khi chính quyền bất lực. Hàng ngàn người dân đã bỏ xứ ra đi trong khi hàng chục ngàn người khác vẫn còn bị kẹt lại.

May mắn lớn nhất của Malala là phía sau em luôn có sự ủng hộ, tin tưởng tuyệt đối của gia đình. Bố Malala là một nhà thơ có tâm huyết với giáo dục. Ông đã dạy cho con gái mình tiếng Urdu (ngôn ngữ được sử dụng phổ biến ở Pakistan), Pashto (thứ tiếng dùng nhiều ở Afghanistan và Tây Bắc Pakistan) và tiếng Anh. Nhờ đó, Malala có thể gửi thông điệp của mình đến cả thế giới.

Quyển sách “I am Malala” tập hợp những bài viết của Malala, một trong những đầu sách bán chạy năm 2013.

Tháng 9-2008, được sự ủng hộ của bố mình, Malala đã đến Peshawar, thủ phủ của tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. Lần đầu tiên xuất hiện trước giới truyền thông và công chúng để nói về cách mà Taliban đã tước đi quyền cơ bản được tiếp cận giáo dục của trẻ em Pakistan như thế nào đã khơi dậy trong Malala niềm đam mê chia sẻ.

Với Malala, điều vô lý nhất của Taliban là từ đầu năm 2009 áp đặt sắc lệnh cấm trẻ em gái đến trường. Theo sau lệnh cấm đó là những đợt phá hủy các ngôi trường dành cho nữ sinh. Taliban tấn công, xâm phạm các trẻ em gái không tuân theo quy định của chúng. Tất cả những hình ảnh hung bạo ấy đã nung nấu trong Malala một ý chí mạnh mẽ, bất chấp phải đánh đổi sinh mạng để đấu tranh.

Từ lúc ấy, cô bé liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để chỉ trích Taliban. Malala viết nhật ký trên một số hãng tin lớn về những sự kiện diễn ra trong ngày, tham gia hợp tác thực hiện các đoạn phim tư liệu cũng như xuất hiện trên mặt báo để giúp cả thế giới hiểu được những gì đang xảy ra ở Pakistan, đặc biệt ở khu vực mà Taliban chiếm đóng.

Tháng 10-2011, nhà hoạt động xã hội người Nam Phi Desmond Tutu đã đề cử em giải thưởng Hòa bình cho thiếu nhi quốc tế, một giải thưởng thuộc Quỹ KidsRights bảo vệ quyền của trẻ em. Malala là nữ sinh đầu tiên của Pakistan nhận được đề cử này. Tháng 11-2011, Malala được Thủ tướng Yousaf Raza Gillani trao Giải thưởng Hòa bình quốc gia vì thế hệ trẻ. Đây cũng là năm đầu tiên giải thưởng này được lập ra.

Cùng với giải thưởng này, theo yêu cầu của Malala, chính quyền Pakistan đã đồng ý và nhanh chóng thành lập Đại học Công nghệ thông tin vùng Swat cho phụ nữ. Ngoài ra, chính quyền còn xây mới một ngôi trường (đặt theo tên Malala) dành cho học sinh cấp 2 tại khu vực này. Cái tên Malala ngày càng tạo được tiếng vang lớn. Một mặt tạo được sức mạnh lan tỏa trong cộng đồng vì quyền lợi của trẻ em, mặt khác lại là cái gai mà Taliban quyết tận diệt.

Ngày 9-10-2012, Malala bị phiến quân Taliban tấn công. Em bị bắn thẳng vào đầu khi đang trên đường đón xe buýt từ trường về nhà. Âm mưu ám sát Malala đã khiến cả thế giới phẫn nộ. Hình ảnh Malala khi ấy chỉ mới 15 tuổi xuất hiện tràn ngập trên mặt báo trong và ngoài nước.

Lan tỏa tinh thần Malala

Hơn 2 triệu người dân Pakistan đã đồng lòng ký đơn kêu gọi chính quyền Pakistan thông qua dự luật Quyền được đến trường để trấn áp những sắc lệnh vô nghĩa của Taliban. Bố của Malala khẳng định: “Tôi sẽ không rời nơi này cho dù sinh mệnh con gái tôi có ra sao đi nữa. Taliban không thể ngăn chặn những tiếng nói xuất phát từ ý chí của cả một tập thể bằng những viên đạn vô tri của mình”.

Ngày 15-10-2012, khi Malala đang ở Anh điều trị vết thương, Đặc phái viên của LHQ về giáo dục toàn cầu, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, đã đến thăm em và kêu gọi thế giới ủng hộ chiến dịch “I am Malala”. Mục đích là kêu gọi chính quyền Pakistan bảo trợ quyền được đến trường của mọi trẻ em trên đất nước này. Hơn thế nữa là kêu gọi cả thế giới cam kết đến năm 2015 sẽ không còn trẻ không được đến trường.

Cũng trong dịp này, Thủ tướng Canada Stephen Harper là phát động chiến dịch ủng hộ Malala được đề cử nhận giải Nobel Hòa bình. Ông là người đầu tiên ký vào bản thỉnh nguyện trên và nhận được sự hưởng ứng bằng chữ ký của hàng chục ngàn người trên thế giới.

Malala trở thành biểu tượng của hòa bình trong cộng đồng quốc tế. Khi vụ tấn công xảy ra, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Ngoại trưởng Anh William Hague… đều lên tiếng chỉ trích Taliban và tôn vinh Malala. Malala khi ấy trở thành một hiện tượng mà ai cũng phải nhắc đến.

Ngày 12-7-2013, đúng sinh nhật tròn 16 tuổi, Malala lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng, phát biểu tại trụ sở LHQ để kêu gọi cả thế giới mở rộng cánh cửa cho giáo dục. LHQ cũng đã đặt tên ngày này là Ngày Malala mà theo cô, đó không phải là ngày của cá nhân mình mà đó là ngày để mọi trẻ em trên thế giới đều có quyền gửi thông điệp về tương lai giáo dục cho mình.

Hiện Malala đang sống với bà, bố mẹ và cùng anh em tại TP Birmingham, Anh. Cô hiện đang theo học tại một trường ở địa phương. Cô chia sẻ: “Tôi rất tự hào là người Pakistan đầu tiên và cũng là người trẻ tuổi nhất nhận giải thưởng này. Với tôi, mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Tôi phải cố gắng cống hiến, góp sức nhiều hơn nữa để xứng đáng với giải thưởng và sự mong đợi của mọi người”. Sau đó, Malala Yousafzai đã có cuộc trao đổi ngắn qua điện thoại với luật sư Kailash Satyarthi, nhà hoạt động nhân quyền chia sẻ giải thưởng lần này cùng cô. Cả hai đã thống nhất sẽ thắt chặt hợp tác, đẩy mạnh các chiến dịch vì quyền lợi được tiếp cận giáo dục của trẻ em toàn cầu.

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục