
Như SGGP đã đưa tin, Chính phủ đã phê duyệt danh sách 75 công ty nhà nước sẽ cổ phần hóa và thực hiện bán đấu giá cổ phần, niêm yết, đăng ký giao dịch tại các trung tâm giao dịch chứng khoán. Một trong số đó là Công ty Thông tin di động (VMS), chủ quản của mạng điện thoại di động Mobifone.
Sau 10 năm thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với đối tác Thụy Điển Comvik International Vietnam AB, hiện nay VMS đang tiến hành từng bước để cổ phần hóa toàn bộ. Để tìm hiểu rõ về vấn đề này, phóng viên SGGP đã có cuộc trao đổi cùng ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Công ty VMS.
- PV: Được biết việc cổ phần hóa của VMS và lộ trình xây dựng tập đoàn kinh tế của Tổng Công ty Bưu chính và Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang được tiến hành. Ông có thể cho biết những công việc này đang được tiến hành đến đâu?
- Ông LÊ NGỌC MINH: Việc thành lập Tập đoàn VNPT thì ở cấp trên đang triển khai. Còn song song với việc đó, VMS cũng tiến hành cổ phần hóa. Thực ra đây là 2 câu chuyện hoàn toàn độc lập với nhau, nhưng do diễn ra cùng một thời gian và VMS lại thuộc VNPT nên có cảm giác là một. Hiện nay, VMS đang đi những bước đầu tiên để tiến hành cổ phần hóa, sau khi hợp đồng BCC với Comvik đã kết thúc vào ngày 19-5 vừa qua.
- Xin ông cho biết cụ thể hơn?

Khách hàng xem thông tin tại Trung tâm dịch vụ khách hàng của Mobifone.
- Hiện nay, VMS đang cùng đối tác nước ngoài tiến hành thanh lý hợp đồng BCC. Dự kiến công việc này sẽ mất từ 6 đến 9 tháng. Chúng tôi với Comvik sẽ kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện hợp đồng trong 10 năm qua. Đồng thời chuyển giao toàn bộ tài sản của mạng Mobifone hiện nay về đứng tên VMS thuộc VNPT. Chúng tôi đang cố gắng hoàn thành công việc này chỉ trong 6 tháng nữa. Đây là khâu rất quan trọng, không thể làm qua loa được...
- Tức là toàn bộ công việc chuẩn bị cho cổ phần hóa, kể cả định giá tài sản của mạng Mobifone?
- Không phải. Đó mới chỉ là việc thanh lý hợp đồng BCC với Comvik. Việc thanh lý hợp đồng là sự hợp thức hóa và một bước đi để định giá toàn bộ tài sản của VMS. Sau khi việc thanh lý hoàn tất, thì việc xác định giá trị tài sản của VMS sẽ diễn ra thuận lợi hơn. Sau đó, sẽ đến bước bán cổ phần của mạng Mobifone trên thị trường chứng khoán và tiếp đó, VMS mới chính thức hoạt động với tư cách là công ty cổ phần.
- Thời điểm nào sẽ hoàn tất việc cổ phần hóa mạng Mobifone?
- Kế hoạch là giữa năm 2006. Đây là một mục tiêu mà VMS và VNPT đang hết sức cố gắng để đạt được.
- Sau khi cổ phần hóa, VMS sẽ hoạt động theo mô hình nào?
- Sẽ có Hội đồng quản trị (HĐQT), hội nghị thường kỳ của cổ đông... Mọi quyết định sẽ do HĐQT quyết định. Thực ra hiện nay, chưa phải là công ty cổ phần, nhưng VMS là một công ty hạch toán độc lập trong VNPT, khác với Công ty GPC (chủ quản mạng Vinaphone) là công ty hạch toán phụ thuộc của VNPT.
- Khi VMS trở thành công ty cổ phần, với tư cách một cổ đông, dự kiến VNPT sẽ chiếm bao nhiêu% cổ phần?
- VNPT sẽ là cổ đông chi phối. Tức là VNPT sẽ thay mặt Nhà nước nắm giữa từ 51% cổ phần VMS trở lên. Quá trình cổ phần hóa mạng Mobifone, VMS làm theo sự chỉ đạo của VNPT. Sau khi kết thúc hợp đồng BCC với Comvik, bây giờ VMS là thuộc sở hữu nhà nước 100%. Hiện nay, nhà nước giao cho VNPT nắm giữ, điều hành hoạt động của VMS.
- Ông suy nghĩ như thế nào về quá trình hợp tác với Comvik và tiến trình cổ phần hóa mạng Mobifone sắp tới?
- Theo tôi, VMS có 2 cái may. Thứ nhất, trước đây VMS là một trong những công ty đầu tiên thực hiện hợp tác quốc tế trong kinh doanh, khi Việt Nam mới mở cửa thị trường. Thứ 2, hiện nay đang được tiến hành cổ phần hóa sớm trên lĩnh vực viễn thông di động ở Việt Nam. Chắn chắn, cổ phần hóa sẽ làm cho hoạt động kinh doanh của công ty linh hoạt hơn. Quyền chủ động trong kinh doanh của VMS cũng sẽ tăng lên.
- Có thông tin cho rằng Comvik rất muốn mua cổ phần của VMS và rất nhiều đối tác nước ngoài khác cũng dự định sẽ mua cổ phần của VMS khi tiến hành niêm yết giá trên thị trường chứng khoán?
- Comvik đã nhiều lần tuyên bố như vậy. Họ muốn trở thành cổ đông lớn của VMS theo luật định của Việt Nam khi VMS trở thành công ty cổ phần. Còn những công ty khác, ví dụ như Telenor (Tập đoàn viễn thông của Na- Uy, mới thành lập văn phòng đại diện ở Việt Nam) cũng có thông tin như vậy.
- Xin cảm ơn ông.
TRẦN LƯU
Phó Tổng Giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng: |