Khánh Hòa muốn phát triển nhanh cần gỡ 3 điểm nghẽn

Sáng 25-7, UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì, Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa phối hợp Báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Khánh Hòa - Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương - Đột phá trong kỷ nguyên mới”.

dasua-08570.jpg
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cùng các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: HIẾU GIANG

Dự hội thảo có đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Khánh Hòa, các chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam cho biết, sau sắp xếp đơn vị hành chính, không gian phát triển của tỉnh được mở rộng, tiềm năng và lợi thế được cộng hưởng, hình thành vùng động lực kinh tế mới với cấu trúc đa ngành, liên kết chặt chẽ và toàn diện.

dasua-08616.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam phát biểu. Ảnh: HIẾU GIANG

Giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì ở mức cao (trên 8%/năm), quy mô nền kinh tế sau sắp xếp đạt hơn 175.000 tỷ đồng; cơ cấu chuyển dịch tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 2%.

Tỉnh đang từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả các nguồn lực. Hạ tầng được tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại, với nhiều công trình trọng điểm như đường cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, các tuyến liên vùng, cảng nước sâu phục vụ xuất nhập khẩu, công nghiệp và du lịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay, để hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh và bền vững, tỉnh nhận diện rõ 3 điểm nghẽn lớn cần tập trung tháo gỡ: Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng chiến lược; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kiên quyết xử lý dứt điểm các công trình, dự án tồn đọng kéo dài.

dasua-0134.jpg
Một góc phường Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nhìn từ trên cao. Ảnh: HIẾU GIANG

Hiện tỉnh Khánh Hòa đang nỗ lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về tăng trưởng kinh tế 2 con số và đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

“Tỉnh Khánh Hòa luôn trân trọng, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến tâm huyết, xây dựng; cam kết hành động để chuyển hóa các sáng kiến, mô hình đổi mới, đột phá thành các chính sách thực tiễn”, đồng chí Trần Quốc Nam nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp đột phá nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Đồng thời, nghiên cứu mô hình tổ chức chính quyền đô thị, quy hoạch phát triển không gian phù hợp điều kiện đặc thù địa phương.

Nhiều ý kiến kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách về đầu tư công, hạ tầng, đào tạo nhân lực, khoa học - công nghệ, quản trị công; thúc đẩy liên kết vùng và phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

Cùng với đó, đề xuất mô hình thu hút đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao, logistics và kinh tế số.

dasua-08666.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HIẾU GIANG

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), đề xuất Khánh Hòa cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng quản trị hiện đại, công nghệ thông tin, đô thị thông minh và trí tuệ nhân tạo (AI); xây dựng cơ chế thu hút nhân tài, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật cao…

Từ góc độ quản lý, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng nhấn mạnh, tỉnh cần đẩy nhanh đầu tư hạ tầng đồng bộ, ưu tiên các công trình liên vùng, tăng phân cấp trong quản lý đô thị gắn với hiện đại hóa công cụ điều hành. Ngoài ra, Khánh Hòa cần tiếp tục kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP vào giao thông, cấp thoát nước, nhà ở xã hội, tái thiết đô thị; nghiên cứu cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho đô thị biển, sinh thái tại các khu vực Cam Lâm, Cam Ranh, Thuận Nam làm cơ sở nhân rộng toàn vùng…

Để khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực phát triển, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo (Bộ KH-CN) Chu Thúc Đạt lưu ý, tỉnh Khánh Hòa cần thực hiện chính sách thu hút, giữ chân, đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao; hình thành cơ chế tài chính mới cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; công bố danh mục các bài toán lớn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của địa phương; xây dựng Cổng sáng kiến để tiếp nhận ý tưởng, sản phẩm, giải pháp mới của người dân.

Tin cùng chuyên mục