Thuế lũy tiến rút xuống còn 5 bậc
Sau 17 năm thực thi, Luật Thuế TNCN 2007 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, biểu thuế lũy tiến từng phần được đánh giá là quá nhiều bậc, với khoảng cách quá dày, trở thành gánh nặng cho người nộp thuế.
Cụ thể, biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng với thu nhập từ tiền lương, tiền công gồm 7 bậc thuế. Bậc 1, phần thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng/tháng thì mức thuế suất 5%; đến bậc 7, thu nhập tính thuế trên 80 triệu đồng/tháng thì chịu mức thuế suất là 35%. Với quy định khoảng cách tính thuế quá dày như vậy, chỉ cần thu nhập tính thuế thay đổi 5 triệu đồng/tháng thì người nộp thuế đã có thể “rơi” vào bậc thuế cao hơn.
Từ bất cập trên, Bộ Tài chính đề xuất giảm còn 5 bậc thuế: 5%, 15%, 25%, 30%, 35%, với 2 phương án khác nhau về mức thu nhập tính thuế hàng tháng. Ở hai phương án, phần thu nhập tính thuế/tháng ở bậc 1 đều được nâng lên đến 10 triệu đồng.
Nhưng ở phương án 1, bậc thuế cao nhất quy định mức thu nhập tính thuế hàng tháng là trên 80 triệu đồng; trong khi phương án 2, mức này cao hơn, với 100 triệu đồng/tháng. Xét về bậc thuế, hai phương án Bộ Tài chính đưa ra đều đã giảm từ 7 bậc hiện nay xuống còn 5 bậc.

Đối với việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý hồ sơ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN. Trong đó, Bộ Tài chính nêu 2 phương án.
Phương án 1, mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 13,3 triệu đồng/tháng (159,6 triệu đồng/năm); mức giảm trừ với mỗi người phụ thuộc là 5,3 triệu đồng.
Phương án 2, mức giảm trừ với người nộp thuế là 15,5 triệu đồng/tháng (186 triệu đồng/năm); mức giảm trừ với người phụ thuộc là 6,2 triệu đồng/tháng; trong khi mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm), giảm trừ người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng, áp dụng từ 1-1-2020.
Tránh tạo “bẫy thuế” cho người nộp thuế
Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh là đương nhiên, song câu chuyện lớn hơn phải bàn đến là nâng các ngưỡng thu nhập trong các bậc thuế. Chẳng hạn, bậc 1 hiện quy định mức thu nhập chịu thuế dưới 5 triệu đồng/tháng, nay cần nâng lên 12 triệu đồng. Tương tự ở các bậc thuế sau cũng cần nâng lên tương ứng, căn cứ vào trượt giá gần 17 năm qua.
Về mức trượt giá, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn dẫn chứng mức trượt giá từ năm 2009 đến nay là 215%, tức 2,15 lần. Theo đó, mức 5 triệu đồng (bậc 1 - bậc thuế thấp nhất) của năm 2009 đến nay phải tương đương gần 11 triệu đồng.
Ở bậc thuế cao nhất, nếu năm 2009 xác định là 80 triệu đồng/tháng thì theo trượt giá, tới nay phải là 172 triệu đồng. Do đó, với phương án vẫn giữ nguyên mức thu nhập tính thuế ở bậc cao nhất là 80 triệu đồng thì đã lạc hậu, bởi 80 triệu đồng hiện nay chỉ tương đương với 37 triệu đồng vào năm 2009.
Ở phương án 2, quy định bậc thuế cao nhất áp dụng cho mức thu nhập tính thuế 100 triệu đồng/tháng, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn vẫn cho là rất lạc hậu. Theo chuyên gia này, đây chỉ là mức thu nhập của một quản lý cấp trung, chứ không thể nói là những người có thu nhập cao nhất trong xã hội hiện nay.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng phân tích về khoảng cách giữa các bậc thuế là chưa hợp lý. TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng, vấn đề hiện nay không phải mức thuế suất cao nhất là 35%. Bởi nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển áp dụng mức thuế suất cao như Thụy Điển (56,6%); Đan Mạch (55,4%); Hà Lan (52%); Australia, Bỉ, Anh (50%); hay Nhật Bản (50%). Tuy nhiên, độ giãn cách giữa các bậc thuế của các nước khá lớn. Trong khi với Việt Nam, biểu thuế suất quá dày với các bước thuế ngắn, gây áp lực cho người nộp thuế, nhất là những người có thu nhập ở mức thấp.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, cần nghiên cứu kết hợp nâng mức giảm trừ gia cảnh với giãn khoảng cách giữa các bậc thuế. Đồng thời, nghiên cứu giảm thuế đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao để đảm bảo những người có thu nhập khác nhau đều được giảm điều tiết về thuế, đảm bảo bình đẳng cả về chiều ngang, chiều dọc của thuế TNCN.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, bộ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân để có đề xuất chính sách phù hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.
Thuế TNCN đang tạo ra nguồn thu đứng thứ ba trong hệ thống thuế, sau thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, về mức giảm trừ gia cảnh, dự thảo luật đề xuất giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.