Mặt trái của tự chủ đại học - Bài 1: Choáng ngợp học phí!

Nhìn vào bức tranh học phí hiện nay của các trường ĐH công lập tự chủ, người học không khỏi choáng ngợp khi học phí không chỉ cao hơn gấp nhiều lần so với trường chưa tự chủ mà giữa các hệ đào tạo, nhất là hệ chất lượng cao, học phí còn ở mức gấp đôi so với hệ đại trà. Chưa dừng lại đó, người học luôn trong tình trạng nơm nớp lo ngại khi học phí tiếp tục leo thang, năm sau cao hơn năm trước từ 10-30%.

Sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM trong một phiên tòa giả định. Ảnh: THANH HÙNG
Sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM trong một phiên tòa giả định. Ảnh: THANH HÙNG

LTS: Tự chủ đại học được coi là chính sách đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Nhờ có tự chủ, giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức lẫn hành động, đáp ứng sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, quá trình tự chủ đối mặt với nhiều thách thức, mặt trái chưa lường trước, cần được điều chỉnh một cách đồng bộ.

Học phí hàng trăm triệu đồng/năm

Trường ĐH Luật TPHCM có mức học phí được xem là cao nhất trong các trường chuyên đào tạo nhóm ngành luật. Theo đề án học phí mà trường công bố, học phí năm nay của trường với các ngành của chương trình hệ đại trà dao động từ 39,75 - 54,93 triệu đồng/năm. Còn với các ngành thuộc chương trình chất lượng cao thì lần lượt là 70,5 triệu đồng/năm (ngành Luật, Quản trị kinh doanh), 94,34 triệu đồng/năm (ngành Quản trị luật), 199,7 triệu đồng/năm (ngành Luật giảng dạy bằng tiếng Anh). Năm học tới, học phí các hệ đào tạo của trường tiếp tục tăng lên và dao động từ 44,75 - 219,7 triệu đồng/năm. Với mức học phí của hệ chất lượng cao, toàn khóa học, sinh viên ngành Luật giảng dạy bằng tiếng Anh phải mất gần cả tỷ đồng, chưa tính chi phí khác như sinh hoạt phí, nhà trọ...

Lý giải về việc đưa ra mức học phí trên, một đại diện của Trường ĐH Luật TPHCM cho rằng, chương trình chất lượng cao ngành Luật giảng dạy bằng tiếng Anh, hiện một lớp chỉ có 21 sinh viên, nguồn thu khoảng 3 tỷ đồng/năm. Nguồn thu từ học phí không đủ trang trải các hoạt động của lớp học đặc biệt này, như: thuê giáo sư nước ngoài, mua phần mềm pháp luật quốc tế, tổ chức cho sinh viên kiến tập ở nước ngoài…

Trong khi đó, cũng là trường chuyên đào tạo ngành luật nhưng học phí của Trường ĐH Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội) học phí hệ đại trà hiện từ 27,03 - 35,442 triệu đồng/năm; hệ chất lượng cao 31,8 triệu đồng/năm. Từ nay đến năm học 2026-2027 sẽ tiếp tục tăng và dao động từ 33,473 - 39,8 triệu đồng/năm (tùy hệ đào tạo).

Với khối trường đào tạo nhóm ngành sức khỏe, hiện nay Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y Hà Nội, Khoa Y (ĐH Quốc gia TPHCM)... học phí cũng tăng khá cao, gấp 2-3 lần so với mức học phí khi chưa tự chủ. Tại Trường ĐH Y Hà Nội, học phí từ năm học 2023-2024 dao động từ 20,9 - 55,2 triệu đồng/năm.

Cụ thể, ngành Y khoa, Y học cổ truyền có học phí cao nhất với 55,2 triệu đồng/năm. Các ngành Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Điều dưỡng chương trình tiên tiến học phí 41,8 triệu đồng/năm... Mức học phí này cao gấp 3,5 lần so với những năm trước khi trường chưa tự chủ. Trong khi đó, học phí của Trường ĐH Y Dược TPHCM hiện dao động từ 41,8 - 77 triệu đồng/năm (năm học 2022-2023 học phí dao động từ 37 - 70 triệu đồng/năm)...

Hiện nay, với chủ trương đẩy mạnh tự chủ, ngày càng có nhiều trường ĐH xây dựng đề án để xin tự chủ. Và với xu thế này, học phí ĐH công lập sẽ còn tiếp tục leo thang và không có điểm dừng.

Doanh thu ngàn tỷ đồng

Theo thống kê mới đây của Bộ GD-ĐT, nhiều trường ĐH công lập tự chủ hiện có doanh thu ngàn tỷ đồng, không kém cạnh những trường ĐH ngoài công lập. Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân doanh thu năm 2022 đạt 1.061 tỷ đồng, ĐH Kinh tế TPHCM 1.443,4 tỷ đồng, ĐH Bách khoa Hà Nội 1.067 tỷ đồng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng 1.067 tỷ đồng, Trường ĐH Cần Thơ 1.119,7 tỷ đồng…

K4c.jpg
Sinh viên ngành Răng hàm mặt Trường ĐH Y Dược TPHCM trong giờ thực hành

Trong tốp 10 trường tham gia khảo sát có tổng thu cao nhất (do Bộ GD-ĐT thực hiện), có đến 5 trường ĐH thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014-2017 (Nghị quyết 77) gồm có ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) tự chủ từ năm 2021. Cũng theo khảo sát của Bộ GD-ĐT, trong 30 trường có tổng thu cao nhất hiện nay có đến 14/23 trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77.

Sau gần 10 năm thực hiện tự chủ, nhiều trường đã có mức doanh thu cả ngàn tỷ đồng. Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, năm học 2022-2023 có tổng doanh thu 843 tỷ đồng, trong đó nguồn từ học phí đến 740 tỷ đồng (chiếm hơn 87,7%), từ ngân sách 14 tỷ đồng (hơn 16%), từ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ là 4 tỷ đồng (0,47%), từ nguồn hợp pháp khác là 84 tỷ đồng (hơn 9,9%). Tại ĐH Kinh tế TPHCM, theo báo cáo công khai tháng 10-2023 của trường, đơn vị này có tổng doanh thu 1.443,4 tỷ đồng.

Trong đó, học phí là 960,9 tỷ đồng, ngân sách là 6,4 tỷ đồng, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ 363,2 tỷ đồng, nguồn hợp pháp khác là 112,9 tỷ đồng. Trong khi đó, Trường ĐH Cần Thơ tự chủ từ năm 2020 đến nay đã có doanh thu 1.119,7 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách 425,7 tỷ đồng, học phí 578,2 tỷ đồng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 23,45 tỷ đồng, nguồn thu hợp pháp khác 92,3 tỷ đồng...

Phân tích cơ cấu doanh thu của các trường tự chủ, dễ nhận thấy, nguồn thu của các trường chủ yếu là từ học phí chiếm tỷ lệ rất lớn, dao động từ 80-90%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh thu có được là từ việc tăng chỉ tiêu, tăng học phí và người học là “sức khỏe” tài chính của các trường công lập tự chủ.

Dẫn chứng về tình trạng tăng học phí, ông Đỗ Chí Nghĩa, Đại biểu Quốc hội khóa XV (tỉnh Phú Yên) cho rằng, theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các trường được tự quyết học phí nếu kiểm định chương trình đào tạo. Từ đó đã dấy lên làn sóng đua nhau thực hiện kiểm định để tăng học phí. Thực tế, có trường đã tăng học phí rất cao, có trường không mở ngành bình thường nhưng lại mở ngành chất lượng cao…

Nhiều trường có ngành học tăng học phí từ 20-30 triệu đồng/năm lên 60 triệu đồng/năm thì chỉ có “đường thu phí”; có ngành học dán nhãn “chất lượng cao”, nhưng điểm đầu vào thấp hơn chất lượng bình thường, chỉ tăng thêm một số môn học, sau khi kiểm định xong thì tăng học phí... Đây là những vấn đề rất cần rà soát, chấn chỉnh.

PGS-TS VŨ HẢI QUÂN, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM: Cần có chính sách ưu tiên trong hợp tác công - tư

3 nguồn thu chính của các trường ĐH công lập hiện nay gồm: ngân sách nhà nước, học phí và các nguồn thu khác (thu từ chuyển giao công nghệ, hoạt động dịch vụ, hiến tặng, hợp tác công - tư...). Trong đó, lớn nhất và quan trọng nhất vẫn là học phí. Khi các trường ĐH tự chủ, ngân sách nhà nước không còn thì nguồn thu từ học phí lại càng lớn.

Để giảm bớt gánh nặng học phí, các trường nỗ lực đẩy mạnh hoạt động để tăng nguồn thu khác. Tuy nhiên, việc gia tăng các nguồn thu này phụ thuộc vào quy định pháp luật và cần thời gian lâu dài. Chẳng hạn, để triển khai hợp tác công - tư trong lĩnh vực GDĐH còn gặp khó khăn, đặc biệt là việc định giá tài sản của các trường.

Đối với các trường ĐH công, đất thuộc sở hữu nhà nước, nhà trường chỉ được giao quyền sử dụng nên việc định giá tài sản rất khó. Ngay cả khi các dự án hợp tác công - tư đi vào hoạt động cũng cần thời gian dài để thu hồi vốn, từ đó mới có thể tính đến việc đóng góp kinh phí lại cho trường ĐH. Điểm cuối cùng là chưa có chính sách ưu đãi trong hợp tác công - tư cho các trường ĐH tự chủ.

PGS-TS NGÔ THỊ PHƯƠNG LAN, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM: Trường phải... tự bơi

Ngay khi Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn được ĐH Quốc gia TPHCM cho tự chủ (năm 2022), ngay lập tức ngân sách chi thường xuyên của trường bị cắt, có nghĩa là trường tự “bơi”. Điều này ảnh hưởng lớn đến nguồn thu, dẫn đến hạn chế chi đầu tư cho các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trường “bỗng dưng muốn khóc” vì đầu năm học của năm đầu tiên thực hiện tự chủ đã bị cắt ngân sách, chỉ còn tiền lương cho đội ngũ.

Chưa kể, xác định tự chủ, thu học phí mấy chục triệu đồng/năm với những ngành đặc thù, cơ bản thì ai sẽ vào học? Theo tôi, cần có giải pháp hài hòa, quan điểm tự chủ tách khỏi quản lý nhà nước (khi tự chủ là cắt ngân sách nhà nước) ở mức nào cho phù hợp vì không phải ngành học nào cũng có thể thu hút người học, có những ngành cần khuyến khích, hỗ trợ và nhà trường còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị lâu dài...

Tin cùng chuyên mục