Trước khi chúng tôi lên đường đến tham quan cánh đồng cỏ bàng tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, cách TP Rạch Giá khoảng 200km, anh Nguyễn Văn Tân (Ba Tân), nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang, người quyết liệt kêu gọi bảo vệ vùng đồng cỏ bàng có diện tích hơn 3.000ha khẳng định, muốn thực hiện một điều gì, trước tiên hãy đi sâu vào đời sống người dân.
Cánh đồng cỏ bàng duy nhất tại đồng bằng sông Cửu Long
Khu bảo tồn loài sinh cảnh Phú Mỹ
Cánh đồng cỏ bàng này duy nhất có tại đồng bằng sông Cửu Long và tồn tại đến bây giờ. Đây là vùng đất ngập nước theo mùa, thuận lợi cho cỏ bàng phát triển. Hơn nữa, đây còn là nơi sinh sống của loài sếu đầu đỏ phương Đông, thường về trú ngụ vào mùa khô. Loài sếu này có nguy cơ tiệt chủng trên toàn thế giới. Anh Ba Tân nói, muốn bảo vệ cánh đồng cỏ bàng, hãy lo phát triển làng nghề truyền thống đan cỏ bàng của địa phương đã có hàng trăm năm. Khi mà đời sống người dân được đảm bảo bằng nghề, họ sẽ lo gìn giữ đồng cỏ bàng để có nguyên liệu sản xuất. Anh Ba Tân cũng băn khoăn, một số người vì hiểu biết chưa thấu đáo, vì lợi ích cá nhân, đã cố tình tìm cách đuổi sếu bay đi để lấy đất làm ruộng, hủy hoại đồng cỏ bàng…
Hình ảnh phơi cỏ bàng như một tác phẩm nghệ thuật
Anh Trần Trung Hưng, thành viên của ban quản lý Khu bảo tồn sinh cảnh Phú Mỹ, cho biết, đầu năm 2016, UBND tỉnh Kiên Giang đã có quyết định thành lập khu bảo tồn nhằm quản lý tốt đồng cỏ bàng không bị xâm hại, trên cơ sở đó, phát triển và bảo tồn làng nghề đan cỏ bàng bền vững, đảm bảo đời sống người dân, khai thác cỏ bàng đúng theo sự phát triển tự nhiên. Trước kia, khi mùa khô, chỉ có vài cá thể sếu đầu đỏ về sinh sống, nhờ bảo vệ tốt đồng cỏ bàng, đến nay đã có hơn 400 cá thể sếu bay về. Bên cạnh đó, các loại cây tràm, năng ngọt, mồm mốc… cũng phát triển tốt. Anh Hưng kỳ vọng, đồng cỏ bàng sẽ trở thành khu du lịch sinh thái và khám phá vùng đất ngập mặn quý hiếm của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Làng nghề truyền thống
Chúng tôi đến cánh đồng cỏ bàng xã Phú Mỹ khi mặt trời vừa nhú lên khỏi chân vườn xa tít. Những tia nắng vàng lấp lánh buổi sớm mai rọi xuống một màu xanh mượt trên cánh đồng cỏ bàng mênh mông đến cuối tầm nhìn. Xã Phú Mỹ, khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia với đa số người dân thuộc dân tộc Khmer, là xã nghèo vùng sâu, vùng xa của huyện Giang Thành. Đời sống của bà con chủ yếu là làm ruộng và đan cỏ bàng. Buổi sáng ở làng quê biên giới khá tĩnh lặng, chỉ có tiếng chim hót trên cành và tiếng gió vi vu, xao xác hàng cây dọc theo con kênh đào dùng để lọc phèn trên vùng đất ngập mặn. Nhưng phía sau không gian ngỡ như chìm lắng đó, là cả một không khí làm việc, tuy không hối hả, ồn ào, nhưng cũng vất vả, nhọc nhằn như bao ngành nghề khác. Nhưng với những người thợ đan cỏ bàng, đây lại là công việc đầy hứng thú, một công việc lập đi, lập lại qua bao thế hệ. Từ sáng sớm, trước sân nhà, nhiều người đã đem cỏ bàng ra phơi. Thao tác phơi cỏ bàng quả là một hình ảnh nghệ thuật độc đáo. Dựng đứng bó cỏ, xóc lại cho bằng đầu, buộc trên đầu mỗi bó bằng nuộc dây cũng bằng cỏ bàng, nhẹ nhàng quăng bó cỏ xuống đất thành một vòng tròn đều tăm tắp. Cả sân phơi biến thành tác phẩm nghệ thuật đắt giá trước mắt các nhiếp ảnh gia. Chúng tôi vào làm quen với một phụ nữ đang phơi cỏ bàng trước sân nhà. Chị tên Phàn, 37 tuổi, vậy mà tay nghề đan cỏ bàng có đến 30 năm. Từ thuở mới lên 6-7 tuổi, chị đã cùng cha mẹ, anh em đi nhổ cỏ về phơi, giã, để đan thành những sản phẩm dùng hàng ngày như nón, giỏ xách, chiếu đệm… Bây giờ công việc tiến bộ hơn, người thợ dùng máy để ép bàng, không còn giã như trước. Những sản phẩm làm ra cũng cao cấp hơn, được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Trong căn nhà ba gian của chị Phàn, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau đan cỏ bàng thành từng tấm có kích thước 2m x 0,60m, bán cho xưởng với giá 60.000 đồng/tấm. Một người đan giỏi sẽ hoàn thành 2 tấm/ngày. Ông Thạch Tú, chủ nhà mời chúng uống trà, nói chuyện, tỏ ra phấn khích: “Cả cái xứ Phú Mỹ này, nhà nào cũng đan cỏ bàng. Nhà tôi làm nghề này đã 4 đời. Làng nghề truyền thống đan cỏ bàng có bao nhiêu năm, thì nhà tôi làm bấy nhiêu năm. Trước kia cực lắm, thu nhập không đủ sống, phải làm ruộng thêm. Bây giờ thì đỡ rồi, cả nhà làm một ngày kiếm được gần 500.000 đồng. Ở miền quê mà có bấy nhiêu là sống được”.
Chúng tôi thấy ngoài cánh đồng nhiều người đang nhổ cỏ bàng, liền đến hỏi chuyện. Vợ chồng anh Thạch Qua ngừng tay, nói: “Nhổ cỏ bàng phải đi từ sớm, nắng chưa gắt, đất còn mềm, sẽ nhổ nhẹ tay, không mất sức, khi nắng lên cao thì nghỉ”. “Cỏ bàng do mình trồng, hay thế nào?”, nghe tôi hỏi, anh cười ngất: “Cả cánh đồng gần 3.000ha, mọc tự nhiên, nhổ quanh năm biết bao đời rồi, cũng đâu có hết. Mỗi ngày cỏ bàng đâm chồi mọc thêm nhiều lắm”.
Cuộc sống từ cánh đồng cỏ bàng
Từ xa, chúng tôi đã nghe tiếng máy dập cỏ bàng vang dội. Giữa vùng biên giới vắng lặng, tiếng trầm bổng chợt làm tôi cảm thấy đây chính là những âm thanh từ cuộc sống đang sinh sôi của người dân nơi này. Anh Nguyễn Văn Toàn quản lý xưởng sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu cỏ bàng đã hơn 11 năm, ban đầu cũng e ngại về vùng biên giới hẻo lánh, xa xôi, sợ cuộc sống bấp bênh, xa nhà, xa vợ con, nhưng sau mấy năm thấy điều kiện kinh tế phát triển, liền đưa gia đình đến lập nghiệp. Anh Toàn hướng dẫn chúng tôi tham quan xưởng sản xuất và cho biết, xưởng có 30 công nhân, sản xuất gần 200 mặt hàng mỹ nghệ xuất khẩu làm từ nguyên liệu cỏ bàng, “các sản phẩm chúng tôi làm ra đã vào được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Úc, Pháp, Thụy Sĩ… Hiện tại, hàng làm không đủ giao, nhờ vậy mà đời sống của công nhân và người dân địa phương cũng khá lên”, anh nói. Chị Lý, công nhân làm ở xưởng đã 7 năm, vui vẻ nói: “Tôi làm lương tính theo công nhật 120.000 đồng/ngày. Cuộc sống tạm ổn. Hơn nữa làm gần nhà, có công việc riêng dễ dàng tới lui”. Còn chị Tạ Kim Lý, tay nghề cao niên nhất, 13 năm gắn bó với xưởng, thường khuyên đồng nghiệp, hãy làm việc bằng cả trái tim để sản phẩm luôn đứng vững trên thị trường…”.
Tạm biệt đồng cỏ bàng, tạm biệt làng nghề truyền thống, chúng tôi tin rằng, với sự nỗ lực bảo vệ đồng cỏ bàng hiệu quả như hiện nay, đây sẽ là địa chỉ đỏ cho những ai thích du lịch khám phá, nhất là khám phá vùng cỏ bàng quý hiếm có một không hai của đồng bằng sông Cửu Long.
NGUYỄN TƯỜNG LỘC