Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè, từng là Thứ trưởng Bộ Y tế - Xã hội và Thương binh trong Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chỉ trong một tuần lễ, sau Tết Mậu Thân, mẹ nhận tin 3 con trai hy sinh và 1 người bị thương trong chiến trường T3. Và dù tham gia nhiều chức vụ quan trọng tại nhiều địa phương, là Thứ trưởng nhưng đến năm 1974, sau hơn 10 năm là đối tượng Đảng, mẹ Bùi Thị Mè mới được kết nạp Đảng. Mẹ kể chuyện đường đến với Đảng của mình…
Chọn lối đi
Năm 1940, tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp ở Trường Con Gái Bản Xứ (còn gọi là Trường Áo Tím, giờ là Trường Nguyễn Thị Minh Khai), cô nữ sinh Bùi Thị Mè phải về quê lấy chồng, theo lệnh cha. Cuộc hôn nhân của con gái một điền chủ ở Vĩnh Long có bằng Thành Chung, lấy con trai một tài phú ở Bến Tre vừa du học ở Hồng Công về hứa hẹn một cuộc sống nhiều ấm êm, nếu không có những người bạn cậu Hai Nhơn - chồng cô Mè (tên thật là Nguyễn Văn Nhơn) đến thăm. Những câu chuyện của họ nói đã mở ra cho hai vợ chồng cô Mè một lối đi khác: đi theo cách mạng.
Một hôm, anh Ba Thanh, Tỉnh ủy viên phụ trách kinh tế của Tỉnh ủy Bến Tre, đến nhờ cậu Hai Nhơn mượn giúp 2 triệu đồng để mua văn phòng phẩm cho Tỉnh ủy. Bàn bạc mãi, vợ chồng cô Mè phải dùng chiêu “bán lúa non”. Cô Mè đứng tên xin môn bài mua bán lúa của Pháp, cậu Hai Nhơn năn nỉ cha nói khó với các nhà máy xay lúa ở Sài Gòn ứng trước 2 triệu đồng, gặt xong sẽ trả lúa. Chuyến ấy, cậu Hai Nhơn chở một xuồng đầy những bao tiền từ Sài Gòn về cất trong nhà. Bên Tỉnh ủy chưa kịp đến nhận tiền thì đêm đó, quân của Trung đoàn trưởng Đồng Văn Cống ập vào bắt Hai Nhơn vì tình nghi làm kinh tài cho Tây.
Nghe tin Hai Nhơn bị giam, Bí thư huyện Mỏ Cày Hai Soái tất tả vào gặp chỉ huy và nói sự thật về số tiền trên. Trong khi quân cách mạng giữ Hai Nhơn 11 ngày “để làm cho rõ”, thì quân Pháp riết róng tra hỏi cô Mè: “Chồng cô đi đâu lâu vậy? Theo Việt Minh à?”. Cô Mè phải tìm đủ cách đối phó với Tây để giữ an toàn cho cả nhà.
Sau sự cố đó, Hai Nhơn đứt liên lạc với Ba Thanh. Bị Tây theo dõi riết, vợ chồng Hai Nhơn bỏ Bến Tre sang Trà Vinh mở trường dạy học. Sự có mặt của vợ chồng tài phú trẻ này khiến Thị ủy Trà Vinh để ý. Dần dà, những câu chuyện về lòng yêu nước được cô giáo Mè và thầy Nhơn lồng vào bài dạy cho học sinh đã nối trái tim những người yêu nước với nhau.
Đồng chí Năm Cúc, Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh sau một thời gian tìm hiểu đã đưa Trường Long Đức của cô Mè vào danh sách các cơ sở cách mạng. “Tìm được đường đến với tổ chức, vợ chồng cô yên lòng, vững chí đi theo cách mạng”, cô Năm Mè kể tiếp về “những ngày tươi mới” được làm việc cho cách mạng của mình.
Công việc đầu tiên mà tổ chức phân công cho cô Mè: Tổng Thư ký Hội Phụ nữ Việt Nam tỉnh Trà Vinh. Với vỏ bọc Hiệu trưởng Trường Long Đức, cô giáo Mè đã làm được rất nhiều việc cho cách mạng và giúp chị em phụ nữ vươn lên, có cuộc sống tốt hơn, xóa đi nỗi ám ảnh phận bạc của người phụ nữ thời phong kiến mà mẹ cô là một điển hình đau xót. Năm 1955, lại bị lộ thân phận, Ngô Đình Diệm có lệnh đóng cửa trường và “xem xét lại lý lịch” của hiệu trưởng, gia đình cô Mè chuyển lên Sài Gòn sinh sống.
Vững chí theo cách mạng
Năm 1960. “Hồ sơ của chị bị Ngô Đình Diệm phê xấu vậy, sớm muộn nó cũng bắt nên Khu ủy miền Tây đề nghị anh chị về miền Tây Nam bộ công tác”, một tỉnh ủy viên ở Trà Vinh thông tin với cô Mè như vậy. Lúc này cô Mè có 6 con, 4 con trai là Sanh, Tài, Đại, Đạo và 2 con gái Hòa và Bình. Vợ chồng cô bàn bạc, đắn đo mãi đành đi đến quyết định: Vợ chồng cùng 4 con trai sẽ vào bưng, Hòa (9 tuổi) và Bình (3 tuổi) còn nhỏ quá nên phải gửi lại cho người cô ở Sài Gòn nuôi giúp. Cả đêm ngồi nhìn 2 con gái ngủ mà không dám khóc, mờ sáng hôm sau, 6 người trong gia đình lặng lẽ, cắn răng gạt nước mắt ra đi.
Đang sống với mọi tiện nghi của phố xá, về tới Cà Mau, gia đình cô Mè học cách sống và lao động như người dân quê vùng cuối đất cùng trời. Tháng 5-1961, tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau, đại hội Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Tây Nam bộ và cô Bùi Thị Mè được bầu vào Ban Thường vụ, đại diện cho giới trí thức. Ít lâu sau, Trung ương Cục miền Nam có lệnh rút cô Mè về cứ. Ngoài Hai Sanh đi vào R cùng cha mẹ, còn Tài, Đại, Đạo vẫn ở lại Ban Tuyên huấn miền Tây. Tối ấy, gia đình ăn “tiệc chia tay” với món bánh tráng cuốn tôm, cá nướng và không ngờ rằng, đó là bữa cơm chung, cuối cùng của nhiều người trong gia đình.
Cuộc chiến đấu ngày càng trở nên ác liệt khi cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân ngày càng gần. Công việc ở Ban Tuyên truyền Đối ngoại của “mẹ Năm” ngày một bận rộn nhưng lại ấm áp hơn, bởi trong những thông tin có được, thỉnh thoảng “mẹ Năm” lại thấy có biểu dương đơn vị thằng Hai, khen thưởng cơ quan thằng Ba, chiến thắng ở tuyến đầu của thằng Tư, thằng Năm.
Năm 1968. Một chiều, từ chiến trường đưa tin về: Nguyễn Huỳnh Sanh (Bé Hai), Nguyễn Huỳnh Tài (Bé Ba) cùng hy sinh ở chiến trường T4. “Các anh có lộn không, Bé Ba ở mặt trận T3 mà?... Tôi cố nói mà giọng nghẹn líu”, cô Năm kể, giọng vẫn nghẹn. Thì ra đơn vị Bé Ba được điều lên tăng cường cho Mặt trận T4 và hai anh em hy sinh cách nhau không bao lâu.
Mấy đêm liền, nằm trên chiếc võng treo ở hiên lán, gió thổi từ rừng về ù ù không làm khô nổi cánh võng ướt đẫm nước mắt cùng nỗi đau của người mẹ. Trái tim người mẹ tan nát bầm sâu với những câu hỏi không ai trả lời “Bây giờ con đang nằm lại ở đâu, hỡi Bé Hai, Bé Ba của mẹ?”.
Nỗi đau mất con cộng với sự lo lắng vì bặt tin của Bé Tư và Bé Năm khiến cô Năm suy kiệt và cơn sốt rét lại ập đến. Cô phải vào Bệnh viện B2 do BS Đoàn Thúy Ba làm Giám đốc để điều trị. Cắt cơn sốt xong, cô Năm Mè quay về cứ và bắt đầu làm việc lại để thực hiện ý nguyện của con mình.
Một tuần sau. Đi làm về thấy mấy đồng chí ở T3 lên R cứ loay hoay, lóng ngóng ở góc nhà nhìn cô rồi lại im lặng bỏ đi. Linh tính báo có điều gì ghê gớm lắm sắp xảy ra với mình, mím chặt môi, cô Năm nói: “Các đồng chí có gì cứ nói, tôi chuẩn bị tinh thần chịu đựng rồi. Tôi không chịu nổi sự im lặng đáng sợ này và sự chờ đợi tin con”. Họ ngập ngừng, lúng búng báo tin: Nguyễn Huỳnh Đại (Bé Tư) vừa hy sinh ở mặt trận Vĩnh Long và Bé Năm (Nguyễn Huỳnh Đạo) bị thương ở chiến trường, được đưa về Quân y viện. Ôm lấy ngực mình, cô Năm chết đứng. Đất trời tối sầm, quay cuồng, cố đi về góc rừng và cô đổ vật người vào cái võng với những vòng nước mắt ố vàng từ tuần trước.
Hình như các đồng chí ấy còn nói những câu gì đó, nhưng cô chỉ nghe đâu đó là tiếng gọi “Mẹ ơi!” của 4 thằng con trai trong bữa tiệc chia tay ở Cà Mau, ngày trước… Đêm ấy, giữa đêm rừng đen thẳm, trong ánh sáng chấp chới của ngọn đèn dầu dã chiến, “hình như” mẹ Năm thấy 4 con trai tuấn tú của mẹ bước vào cái lán nhỏ. Bé Hai bóp tay, chân cho mẹ, Bé Ba bưng chén cháo cười rất tươi. Miệng đắng ngắt, mẹ cầm ly nước chanh Bé Tư pha, Bé Năm đưa cái tay vụng về lau nước mắt cho mẹ…
Tổ chức cho đưa hai con gái Hòa và Bình ra cứ để có mẹ có con, hy vọng giúp cô Mè bớt đau thương. Tháng 6-1969, tại Tà Nốt, căn cứ R, diễn ra đại hội Đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam để bầu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là Chủ tịch Chính phủ với nội các gồm 25 người, trong đó có 3 nữ: bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Bộ Y tế - Xã hội và Thương binh có Bộ trưởng là BS Dương Quỳnh Hoa, Thứ trưởng là bà Bùi Thị Mè. Để thực hiện mong ước giải phóng quê hương của các con, “mẹ Năm” gạt nước mắt, lao vào công việc. Và Mẹ đã miệt mài làm việc bằng 4 người, cho đến ngày đất nước hòa bình.
| |
PHẠM THỤC