Tôi đứng ở trước Nhà hát Thành phố, nơi đang khởi công xây dựng nhà ga đầu tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên kéo dài 20km. Tháng 3, trời nắng như đổ lửa. Sau những đợt rét kéo dài ở các tỉnh phía Nam đầu năm nay, cái nắng hình như cũng dữ dội hơn. Nhìn những dòng xe cộ đang lưu thông trên đường Lê Lợi khó ai hình dung ra, nơi đây, chỉ hơn 3 năm nữa thôi, vào năm 2018, sẽ diễn ra một sự kiện quan trọng đặc biệt trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam. Chuyến xe metro đầu tiên trong hành trình mơ ước của người dân xứ Bến Nghé - Đồng Nai sẽ lăn bánh đưa đất nước vào hành trình của cuộc sống văn minh và hiện đại. Nhưng không chỉ tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến metro số 2 Thủ Thiêm - Bến xe An Sương, dài khoảng 20km cũng đã được khởi công sau đó. Các tuyến còn lại đang ở giai đoạn nghiên cứu lập dự án và kêu gọi đầu tư. Ước mơ về một thành phố trung tâm metro ở Việt Nam đã bắt đầu thành hình.
Người dân xem tàu metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: CAO THĂNG
Những ngày tháng này, lại thêm một tín hiệu vui cho người dân TPHCM. Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân và các chuyên gia về tàu metro tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Trước đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng rất quan tâm đến các dự án metro tại TPHCM. Trong đó, đại diện Anh và Hàn Quốc từng tham gia hội thảo “Tìm cơ hội đầu tư các tuyến đường sắt đô thị” và trao đổi về dự án metro số 5. Sau Cộng hòa Liên bang Đức và Nhật Bản, những cường quốc về metro, sự có mặt của Hàn Quốc và Vương quốc Anh thể hiện sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp nước ngoài với việc phát triển hệ thống metro tại Việt Nam. Người dân mát lòng với thông tin chính thức của các cơ quan chức năng vẽ ra một bức tranh tổng thể về metro tại TPHCM khá hấp dẫn. Theo đó, thành phố 8 triệu dân của chúng ta cần xây dựng 3 tuyến xe điện và 5 tuyến metro. Chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng metro nên thành phố rất cần hợp tác với các nước đã xây dựng loại hình vận tải công cộng này. Theo Tổng lãnh sự Anh tại TPHCM Douglas Bames, Tổng lãnh sự đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp Anh hợp tác với các công ty của Hàn Quốc để đầu tư các tuyến metro. Các doanh nghiệp Anh và Hàn Quốc cũng rất hào hứng và muốn được tham gia tuyến metro số 5 giai đoạn 2 và hy vọng tham vọng của họ sẽ thành hiện thực.
Phát triển mạng lưới metro có thể coi là tầm nhìn có tính chiến lược của lãnh đạo TPHCM trên con đường đổi mới phát triển và hội nhập. Là một thành phố đông dân vào bậc nhất nước, là trung tâm kinh tế của khu vực và quốc gia, TPHCM chỉ có thể có bước đột phá cao hơn nếu giải được bài toán giao thông đô thị. Đường hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm, xa lộ Đông Tây… là những công trình tầm cỡ đã hoàn thành, mở ra bước phất triển mới cho kinh tế thành phố, rất cần nhưng chưa đủ. Bài toán giao thông công cộng chỉ có thể giải quyết một cách căn cơ và thành phố chỉ có thể trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, nếu chúng ta xây dựng được hệ thống metro như các nước phát triển đã làm. Dự án metro ra đời bắt đầu từ toan tính đó.
Nhưng vấn đề là tìm đâu ra nguồn vốn lớn như vậy để đầu tư. Toàn bộ dự án metro dự kiến tốn khoảng 5 tỷ USD. Một con số không hề nhỏ. Theo thiết kế ban đầu, dự án toàn tuyến metro tại TPHCM có tổng chiều dài khoảng 54km, 6 đường ray và 22 nhà ga, dự kiến khi hoàn thành sẽ giúp giảm một nửa số lượng xe máy lưu hành tại thành phố. Ước mơ ấy bắt đầu được hiện thực hóa khi dự án tuyến metro số 1 được Thủ tướng chấp thuận và được Ủy ban Nhân dân TPHCM phê duyệt vào năm 2007. Khởi công tháng 1-2008, tuyến metro số 1 có tổng mức đầu tư khoảng 47.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA và một phần vốn ứng đối trong nước. Tuyến metro số 1 chạy qua quận 1, quận 2, quận 9, quận Thủ Đức và huyện Dĩ An thuộc tỉnh Bình Dương, đang trong giai đoạn gấp rút thi công để có thể hoàn thành vào năm 2018. Đưa vào sử dụng tuyến metro này sẽ là xương sống trong kế hoạch vận chuyển khách công cộng ở TPHCM với tần suất 526.000 khách mỗi ngày. Nó sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển đô thị các khu vực đô thị quận 2, quận 9, Thủ Đức và Dĩ An, Bình Dương. Theo chân tuyến số 1 là tuyến metro số 2, được thực hiện ngay sau đó. Khởi công ngày 24-8-2010, bắt đầu từ Khu đô thị Thủ Thiêm kéo dài đến tận An Sương. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng từ Bến Thành đến Tham Lương dài 11,3km và có tổng vốn đầu tư là 1,2 tỷ USD. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục được thi công nối điểm đầu Bến Thành, chui qua sông Sài Gòn nối với Khu đô thị Thủ Thiêm và ở chiều ngược lại, từ Tham Lương kéo dài lên Bến xe An Sương hoặc Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu kinh tế động lực phía Nam, hệ thống metro thành phố sẽ nối liền các khu đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp Tân Thuận, Tân Bình, Tân Tạo, Linh Trung, Khu công nghiệp công nghệ cao quận 9, Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi và xa hơn là các khu công nghiệp Biên Hòa, Long An, Tây Ninh. Hệ thống metro sẽ là các mạch máu liên thông, thúc đẩy sự phát triển tạo nên sức sống của các khu đô thị và các khu công nghiệp. Đó là thì tương lai. Nhưng vào lúc này, ngồi trên chiếc xe xuôi về miệt Suối Tiên, để thử hình dung ra hành trình của tuyến metro số 1, tôi cứ suy nghĩ miên man về hành trình phát triển của thành phố đã từng được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông này. 40 năm mới có một tuyến metro không thể nói là nhanh mà hơi chậm. Nhưng thà chậm còn hơn không. Vấn đề là đầu xuôi đuôi lọt. Sẽ còn rất khó khăn nhưng chúng ta đã có bước chạy đà có ý nghĩa hứa hẹn một tương lai với sự khởi động của 4 tuyến metro khác mà tuyến số 5 là một ví dụ.
Theo dự án, tuyến metro số 5 sẽ là tuyến được kết nối với các tuyến khác, làm thành một mạng lưới metro khép kín, liên hoàn. Trong những ngày mà các nhà đầu tư Hàn Quốc và Vương quốc Anh đi khảo sát các địa điểm để làm dự án cho giai đoạn 2 thì giai đoạn 1 về cơ bản đã hoàn tất các khâu chuẩn bị đầu tiên. Theo lãnh đạo ban quản lý đường sắt đô thị thành phố, giai đoạn 1 của dự án tuyến metro số 5 đã đủ nguồn vốn thực hiện. Giai đoạn này bắt đầu từ ngã tư Bảy Hiền đến cầu Sài Gòn, tổng số vốn 850 triệu USD do Ngân hàng châu Á (ADB), Ngân hàng châu Âu (EIB) và Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ. Ban quản lý dự án đang chuẩn bị hoàn tất một số nội dung theo yêu cầu của nhà tài trợ, trình các cấp thẩm quyền phê duyệt vào cuối năm và thực hiện dự án vào năm 2015. Tổng chiều dài của giai đoạn này là 9km với 9 nhà ga, trong đó có 8 ga ngầm và một nhà ga trên cao, bắt đầu từ ngã tư Bảy Hiền, chạy dọc đường Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng - Điện Biên Phủ và kết thúc ờ cầu Sài Gòn (ga Tân Cảng).
Giai đoạn 2, khởi đầu là cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp Hàn Quốc và Anh và đang trong giai đoạn mời gọi đầu tư. Giai đoạn này sẽ bắt đầu từ Bến xe Cần Giuộc mới (huyện Bình Chánh) chạy dọc quốc lộ 50, đi ngầm dưới kênh Đôi, kênh Tàu Hủ, theo đường Lý Thường Kiệt nối với ngã tư Bảy Hiền. Tổng chiều dài giai đoạn 2 là 14,5km, gồm 13 nhà ga, trong đó có 8 ga ngầm, 5 nhà ga trên cao. Hiện gói thầu này đã được nghiên cứu lập dự án. Diện tích đất dành cho giai đoạn 2 của tuyến metro này tốn khoảng 38,2ha, cộng với khoảng 31,6ha diện tích dành cho nhà ga và trạm bảo dưỡng. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này dự kiến khoảng 1,8 tỷ USD, đang mời gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc và Vương quốc Anh. Các doanh nghiệp Anh và Hàn Quốc đã đi thực địa, xem xét địa điểm huống tuyến sẽ thực hiện dự án giai đoạn 2. Chưa biết kết quả như thế nào nhưng các doanh nghiệp tỏ ra khá hào hứng với dự án này. Hy vọng dự án sẽ sớm tìm được nguồn vốn và thành phố có thể công bố toàn cảnh dự án metro vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tôi đến Suối Tiên khoảng 2 giờ, sau khi vật vã với nạn kẹt xe thường xuyên diễn ra hàng ngày với đoạn đường này và thở phào như vừa vượt qua đường vào nước Thục. Suối Tiên là một khu giải trí tầm cỡ của thành phố, thu hút nhiều du khách đến thăm. Bước vào khung cảnh cổ tích của khu du lịch, tôi thấy lòng mình thư thái. Nhưng tôi không có tâm trí nhìn ngắm khung cảnh thiên nhiên mà thả hồn vào những chuyến metro của tương lai. Leo lên metro từ chợ Bến Thành, du khách sẽ có mặt ở Suối Tiên trong thoáng chốc. Một hành trình đầy của ước mơ. Nhưng không chỉ có tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Trước mắt tôi không xa là viễn cảnh một hệ thống metro đầu tiên của Việt Nam, tại một đô thị sầm uất nhất nước - hệ thống metro hiện đại và thuận tiện. Và sau tuyến số 2 Thủ Thiêm - An Sương sẽ là tuyến số 3 với 2 ngã rẽ: tuyến 3A Bến Thành - Tân Kiên, tuyến 3B ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước. Rồi tuyến số 4 từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đến cầu Bến Cát. Tuyến số 5 từ cầu Sài Gòn ngược Bến xe Cần Giuộc và tuyến số 6 từ Bà Quẹo xuôi Phú Lâm. Hệ thống metro không chỉ giải quyết vấn đề giao thông công cộng của đô thị, nó còn làm thay đổi diện mạo của thành phố tương lai. Xa hơn nó góp phần giải quyết gốc rễ vấn nạn văn hóa xe gắn máy, một trong những nhân tố gây ra sự hỗn độn của đô thành, tác nhân làm trầm trọng thêm ô nhiễm môi trường thiên nhiên và xã hội thành phố.
Theo kế hoạch, năm 2018 thành phố sẽ có tuyến metro đầu tiên. Không có những điều ước và câu chuyện thần tiên như trong cổ tích. Nhưng với tầm nhìn xa, tư duy nhạy bén và tinh thần lao động sáng tạo, những người con thành phố, những con người muốn xông lên đoạt trời theo cách nói của Ăngghen, đang tự tạo ra những kỳ tích mới cho mình, những câu cổ tích thời hiện đại. Ở một thời đại mà những ai “mang một Raphaen trong người đều được tự do phát triển”, những câu chuyện “đâm hà bá phá sơn lâm” không phải là chuyện xa lạ và giấc mơ về một thành phố metro là một giấc mơ trong tầm tay.
DƯƠNG TRỌNG DẬT