Biết tôi mê trà, mấy người bạn ở TP Cao Bằng liền chỉ: “Lên Phja Đén (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình) đi, đang có một dự án trà chất lượng cao ở đấy”. Tôi lập tức lên đường giữa trời mù mịt mưa lạnh. Theo hướng phía Tây chạy xe men theo đường đèo dốc uốn lượn quanh co lúc lên lúc xuống. Vừa đi vừa dừng lại hỏi đường. Bốn giờ sau tôi mới ồ lên khi thấy những đồi trà xanh ngát.
Đâu có sim, mua, ấy đất trà
Anh Nông Văn Dù, trưởng xóm Phja Đén, mời tôi vào nhà, cẩn thận tráng ấm chén pha trà do chính tay anh và vợ là chị Du Thị Thanh, ngày ngày chăm bón, hái, phơi, vò, sao… Búp trà mập mạp, xoăn tít, thả vào đáy ấm phát ra tiếng kêu coong coong. Rót nước sôi vào là mùi thơm ngát đã dậy lên như xua tan không khí giá lạnh, ẩm ướt. Anh Dù kể, trước đây bà con ở vùng này chủ yếu trồng ngô, dong riềng để làm miến và vài thứ rau, đậu. Năm 2005, các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu phát triển chè (Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) lặn lội mang những bầu cây trà lên Phja Đén gặp gỡ bà con. Họ bảo đất này trồng trà tốt lắm rồi thuyết phục bà con trồng thử giống cây mới này. Lần đầu tiên nghe đến chuyện trồng trà nên bà con đều ngại ngần vì sợ mất công mất sức mà chưa biết có lợi ích gì không. Nhưng các cán bộ kỹ thuật chia nhau đến nhà cùng ăn, cùng ở. Họ tặng cây giống rồi cùng bà con đi đào hố, làm đất trồng trà, hướng dẫn kỹ thuật chăm bón. Gặp đất gặp người nên những cây trà nhanh chóng vươn thân, đâm cành, ra nhánh xanh mướt mắt. Thấy vậy, bà con dần dần trồng theo. Thế là từ 3,2ha theo đề tài khoa học của Viện Khoa học kỹ thuật miền núi phía Bắc, cây trà dần phủ xanh thành một vùng rộng 30ha.
Anh Dù là một trong những gia đình tham gia dự án trồng trà ngay từ những năm đầu. Hiện gia đình anh có 5.000 cây trà trồng trên diện tích 3.000m². Gia đình rất muốn trồng thêm nhưng không còn đất. Anh cho biết: “Năm vừa rồi gia đình tôi hái trà từ tháng hai âm lịch đến tháng tám âm lịch được hai tạ trà tươi, sao trà khô bán từ 300.000 đồng/kg đến 350.000 đồng/kg vào ngày thường và từ 400.000 đồng/kg đến 450.000 đồng/kg vào dịp tết, thu được 60 triệu đồng. Khách hàng từ thành phố Cao Bằng, Hà Nội điện thoại lên đặt mua, gia đình gửi xuống tận nơi, làm không đủ bán”.
Để cây trà bén rễ trên đất Phja Đén như ngày hôm nay, công đầu phải thuộc về ông Hoàng Thái, thạc sĩ quản trị kinh doanh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cao Bằng. Qua áng hương trà, ông ngồi nhớ lại chuyện xưa. Vùng Phja Đén có 15.000ha cao từ 800m đến 1.500m so với mặt nước biển, tỉnh Cao Bằng xác định là thế mạnh để phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Trước kia vùng này là những đồng cỏ mênh mông xen giữa những cánh rừng nguyên sinh quanh năm sương mù bao phủ. Chênh lệch nhiệt độ cao: đêm từ 15°C đến 17°C, ngày là 25°C nên trồng cây gì cũng tươi tốt, cho chất lượng cao.
Phải biến lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu vùng này thành nguồn lợi kinh tế. Quyết tâm như vậy nên ông Thái và những người cộng sự ngày đêm điền dã, trèo núi, luồn rừng. “Đi đâu tôi cũng gặp cây sim, cây mua mọc um tùm, nở hoa rực rỡ, quả to, mọng. Điều ấy chứng tỏ đất ở đó hơi chua, độ pH từ 4,5 đến 6, rất hợp với việc trồng trà. Nói sim, mua là cây chỉ dấu cho cây trà là như vậy”, ông cho biết. Thẩm được chất đất, khí hậu của vùng Phja Đén, ông Thái liền mời các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu phát triển chè, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc lập đề tài khoa học trồng thử nghiệm 3,2ha. Khi bà con đã thấy được lợi ích và trồng theo thành một vùng trà rộng 30ha; khi chất lượng trà được kiểm định đạt tiêu chí sạch, ngon, bổ cũng là lúc ông Thái quyết tâm đột phá.
Chung sức
Anh Hoàng Mạnh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng miền Tây, thân thiết với ông Hoàng Thái đã hàng chục năm nay, coi nhau như ruột thịt nên năm 2010 nghe ông Thái cho biết vùng Phja Đén trồng trà tốt lắm và khuyên lên đó đầu tư, anh Ngọc tin tưởng ngay. Lên thực địa, thấy hàng trăm hécta đầy tiềm năng vẫn nằm e ấp, anh Ngọc lập tức vào cuộc đánh thức Phja Đén với dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển vùng nguyên liệu sản xuất chè xanh chất lượng cao huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng”, nhằm đưa dự án “Xây dựng mô hình thâm canh và chế biến các giống chè xanh chất lượng cao” đã được triển khai từ năm 2005 của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đột phá.
Được Sở NN-PTNT tỉnh Cao Bằng hỗ trợ kỹ thuật, lại được ông Thái trực tiếp đi chọn đất và trực tiếp làm cố vấn kỹ thuật nên tháng 10-2011, anh Hoàng Mạnh Ngọc bắt đầu vỡ đất. Anh đi thăm các vùng trà nổi tiếng trong nước, có độ cao từ 1.000m - 2.000m, như: Suối Giàng, Phìn Hồ (Yên Bái), Lũng Phìn (Hà Giang)... Anh cùng ông Thái sang các vùng trà ở Đài Loan (Trung Quốc) điều nghiên cả năm trời; phối hợp với các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu phát triển chè thẩm định khắt khe, cuối cùng chọn được các giống trà Mao Tiêm, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, TP95, PH8, PH10... để trồng thử nghiệm trên diện tích 3,2ha, một năm sau mở rộng vùng trà lên 13,5ha (trên diện tích 20ha trang trại) và sắp tới là 15ha.
Chúng tôi đến thăm vườn ươm giống trà Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Ô Long Thanh Tâm và PT95 là giống trà chất lượng cao được lựa chọn kỹ lưỡng, phù hợp vùng đất nơi đây. Tại vườn ươm, đất đóng bầu đào từ mặt đồi nguyên trạng, đem về sàng tuyển cho tơi xốp để nhân giống vô tính bằng phương pháp giâm cành. Từ khâu làm đất, đóng bầu, nhân giống đến chăm sóc cây sinh trưởng, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại phân bón kích thích, thuốc trừ sâu...
Quyết tâm làm nông nghiệp hữu cơ nên anh Ngọc không bón phân hóa học; không phun thuốc trừ sâu; nuôi dê, ngỗng, thỏ lấy phân ủ với cỏ làm phân hữu cơ; trồng hoa dụ thiên địch đến làm tổ, sinh sống để diệt sâu bệnh. Anh Nguyễn Lâm Thiết, được người nhà giới thiệu, từ xã Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng lên Phja Đén làm công nhân ở công ty từ gần năm tháng nay. Công việc chính của anh là nuôi thỏ lấy thịt bán, ủ phân hữu cơ để bón trà và cây trồng khác trong trang trại. Tôi đi thăm khắp một vòng trang trại, vào những nơi chuồng trại mà không hề thấy mùi hôi của phân. Anh Thiết tận tình cho biết, công ty trồng 3ha cây bơ vừa để che bóng cho trà vừa tăng thu nhập. Công ty cũng nấu rượu theo phương pháp, công nghệ của nghề rượu ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Rượu nấu bằng gạo nếp, men thảo dược, từ lò nấu chảy ra dẫn xuống hầm hạ thổ nên ngon, chiếm lĩnh thị trường; bã rượu nuôi lợn thịt bán cho nhà máy chế biến thịt ở Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; phân lợn ủ làm phân hữu cơ bón trà, rau... Công ty cũng nuôi gà, ngỗng, dê thả trên đồi trà làm thành mô hình nông nghiệp hữu cơ đa dạng, đẹp mắt, cho thu nhập cao.
Chín giờ sáng, nắng lên, sương tan, trời quang đãng. Tôi lên xe bán tải theo các công nhân lên núi hái trà. Ai nấy thoăn thoắt đôi tay cấu nhẹ những búp trà non bấng, mập mạp. Chẳng mấy chốc đã đầy sọt. Đường ô tô làm vào từng nương trà nên người hái, người khênh sọt lên thùng xe mang về phơi. Ai vào việc ấy, nhịp nhàng, vui tươi. Mười một giờ, mặt trời lên cao, nắng gắt là lúc tất cả ngừng tay hái. Trà mang về đổ ra phơi nắng trong tám giờ, cứ bốn mươi phút đảo một lần. Tiếp đến là công đoạn mang vào máy vò, rồi lên men. Làm liên tục mười lăm lần như vậy mới được một mẻ trà nên phải hai giờ đến ba giờ mới kết thúc quá trình chế biến trà. Xưởng chế biến của công ty rộng 400m² được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2012, có thể sản xuất được một tấn trà khô mỗi ngày.
“Trà Ô Long làm chuẩn quy trình thì 48 giờ mới được một mẻ. Yếu tố con người là quan trọng. Tùy theo cảm quan, kinh nghiệm của từng người mà quyết định thời điểm hái, thời gian phơi, vò, ủ, sao… dẫn đến chất lượng trà; máy móc chỉ hỗ trợ một phần”, anh Ngọc đúc kết. Anh Ngọc ước tính sắp tới giá trà sẽ bán được từ 2 triệu đồng/kg đến 3 triệu đồng/kg. Anh cũng thành lập công ty mới mang tên Kolia để chuyên kinh doanh trà Phja Đén. Ông Hoàng Thái thì hứng khởi nói về tham vọng hướng tới một vùng trà chất lượng cao với diện tích 200ha ở vùng này. Ông tin tưởng mỗi hécta sẽ cho thu nhập 2 tỷ đồng/năm.
Trên đỉnh núi huyền ảo sương mây, chúng tôi múc nước suối về đun sôi pha trà Phúc Vân Tiên. Trà vừa ngấm nước sôi đã tỏa mùi thơm ngào ngạt. Nước trà rót ra màu xanh ngát. Nhấp ngụm nước trà nóng vào đầu lưỡi, mùi thơm lan tỏa, vị ngọt nhẹ thơm nồng nàn ngấm dần vào các vị giác, làm cho tâm trạng thư thái, lâng lâng nhẹ nhàng.
| |
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG