Miền Trung: Lũ bất ngờ dâng cao trở lại

Lũ chia cắt nhiều nơi
Miền Trung: Lũ bất ngờ dâng cao trở lại

Sau khi đạt đỉnh và rút chậm vào trưa 6-11, bất ngờ trong ngày 7-11, mưa to lại xảy ra trên hầu hết các địa phương miền Trung nên lũ trên các sông đã dâng cao trở lại. Lũ lớn làm ngập hàng ngàn hộ dân ở vùng hạ lưu, giao thông chia cắt nhiều nơi; trong khi đó, mưa lớn đã gây sạt lở núi, vùi lấp nhiều nhà dân.

Du khách nước ngoài lội nước lũ tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: Nguyên Khôi

Du khách nước ngoài lội nước lũ tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: Nguyên Khôi

Lũ chia cắt nhiều nơi

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, đến chiều ngày 7-11, lũ trên hầu hết các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đang lên nhanh và ở mức trên báo động 2, có nơi vượt báo động 3 đến 0,8m (sông Vu Gia tại Ái Nghĩa, Quảng Nam) và tiếp tục lên trong ngày 8-11. Lũ lớn lên nhanh đã làm cho hàng ngàn hộ dân ở vùng hạ lưu bị ngập chìm trong nước, giao thông liên thôn, liên xã bị chia cắt nhiều nơi, người dân dắt díu nhau chạy lũ.

Tại Quảng Nam, mưa lũ những ngày qua trên địa bàn huyện miền núi Nam Trà My đã xảy ra tình trạng sạt lở núi tại khu vực thôn 2 xã Trà Mai khiến 17 hộ dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, trong đó vùi lấp hoàn toàn 6 ngôi nhà. Nguy cơ sạt lở núi còn đe dọa gần 1.000 học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú và Trường cấp 3 Nam Trà My.

Trên tuyến đường huyết mạch ĐT 616 đã xảy ra hàng chục điểm sạt lở với khối lượng lớn; các tuyến đường từ trung tâm huyện về 10 xã cũng bị sạt lở, đứt gãy, cuốn trôi gây ách tắc giao thông. Điện lưới quốc gia trên địa bàn Nam Trà My bị cắt hoàn toàn do gãy một trụ đường điện 35 kV, thông tin liên lạc từ các xã tê liệt hoàn toàn. Tại huyện Đại Lộc, nước sông dâng cao khiến nhiều nơi bị cô lập.

Trong khi đó, tại những xã Hòa Phong, Hòa Liên, Hòa Khương, Hòa Tiến (Hòa Vang, Đà Nẵng) lũ từ thượng nguồn đổ về bị tuyến đường QL14B chắn lại đã gây ngập lụt cho trên 1.000 hộ dân nơi đây từ trưa 7-11.

Đặc biệt, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến chiều 7-11 lũ sông Hương, sông Bồ đã vượt báo động 3. Các tuyến đường Nguyễn Huệ, Ngô Đức Kế, Lê Hồng Phong, Đống Đa, Nguyễn Khuyến… tại TP Huế bị ngập lụt từ 0,5-0,7m nước gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Hàng ngàn hộ dân vùng thấp trũng phải di dời đồ đạc lên cao tránh lũ. Các tuyến tỉnh lộ 4B, 14B, 8B qua địa phận huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà bị ngập sâu từ 0,5-1m, người dân phải dùng ghe thuyền để di chuyển.

Ông Phan Thanh Hùng, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sông Hương và sông Bồ vẫn tiếp tục sạt lở nhiều đoạn với độ sâu trung bình từ 15-20m. Địa phương đang huy động lực lượng xung kích gồm quân đội, công an và đoàn viên thanh niên tỏa về các điểm sạt lở, giúp dân di dời đồ đạc và khẩn cấp khắc phục hậu quả.

Còn tại Bình Định, lũ đã gây ngập nhiều khu dân cư ở các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú của TP Quy Nhơn và các xã khu Đông huyện Tuy Phước như Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận…  Tuyến tỉnh lộ 640 từ thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) đến xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) có nhiều đoạn nước đã ngập sâu hơn 0,5m, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Người dân phải dùng xe tải và ghe để di chuyển người và tài sản đi tránh lũ.

8 người chết, 1 người mất tích

Sáng 7-11, anh Nguyễn Hồng Quang (SN 1985, trú thôn Quảng Huệ, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đi xe máy trên đường thôn Quảng Đại (xã Đại Cường) đến cầu Quảng Huế thì bị nước lũ cuốn trôi. Đến trưa cùng ngày, chính quyền và người dân xã Đại Cường đã tìm kiếm và đưa xác anh Quang về gia đình.

Trước đó, khoảng 17 giờ chiều ngày 6-11, gia đình em Đoàn Minh Huân (trú thị trấn Đông Phú, học lớp 1, Trường Tiểu học Đông Phú) phát hiện Huân chết tại một vũng nước sâu ngay trước cổng nhà. Vũng nước này do thi công xây dựng đường ven thị trấn tạo ra. Đến thời điểm này Quảng Nam đã có tới 6 người chết do mưa lũ. Sáng cùng ngày, đoàn đại diện UBMTTQVN tỉnh Quảng Nam đã đến thăm viếng, hỗ trợ các trường hợp bị chết do lũ, mỗi trường hợp 3 triệu đồng.   

Chiều 6-11, người dân thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước, Bình Định) phát hiện một xác chết nữ, khoảng 30 tuổi, trôi trong lũ liền báo với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến ngày 7-11, Công an huyện Tuy Phước vẫn chưa xác định được danh tánh và nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân. Như vậy, trong đợt mưa lũ này đã làm cho 8 người chết và 1 người mất tích.

Nhóm PV


Các thủy điện lớn đồng loạt xả lũ

Chiều 7-11, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam cho biết, cả 3 thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gồm Sông Tranh 2, Đắk Mi 4 (nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn) và A Vương (nằm thượng nguồn sông Vu Gia) đều phải xả lũ ở mức vài trăm đến 4.000m³/giây.

Ngày 7-11, hồ thủy điện A Vương xả với lưu lượng 300 -700m³/giây; hồ thủy điện Đắk Mi 4 xả với lưu lượng 1.593m³/giây và hồ thủy điện xả với lưu lượng lớn nhất là hồ thủy điện Sông Tranh 2 với lưu lượng xả 4.000m³/giây.

Theo ông Tuấn, hầu hết những thủy điện này phối hợp chặt chẽ và thông báo đến các địa phương, đơn vị liên quan trong việc xả lũ nên chưa có sự cố gì xảy ra. Do mưa lớn kéo dài liên tục, các hồ thủy điện đã đạt mực nước dâng bình thường nên mấy ngày qua tất cả các hồ thủy điện trên phải xả lũ với lưu lượng lớn nhưng vẫn thấp hơn với mức nước về hồ.

Chiều cùng ngày, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi đã tổ chức xả lũ hồ chứa nước Liệt Sơn, với lưu lượng xả lũ là 50m³/giây. Theo ông Trần Em, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, có 4 xã Phổ Minh, Phổ Vinh, Phổ Hòa và thị trấn Đức Phổ bị ảnh hưởng. Huyện đã thông báo cho các xã chuẩn bị các phương án phòng tránh, đề phòng khi có tình huống ngập sâu. Trong trường hợp mưa lớn vẫn kéo dài, lượng xả tăng cao sẽ tiến hành di dời dân đến nơi an toàn.

Được biết, hồ Liệt Sơn được xây dựng từ năm 1978, là một trong những hồ đã xuống cấp của Quảng Ngãi.

Ng.Khôi - H.Minh

Thông tin liên quan

Mưa lớn gây ngập từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định 

Tin cùng chuyên mục