“Miền Trung nhớ Bác”

 Bài 1: 11 ngàn câu thơ và Nhà lưu niệm Bác Hồ
“Miền Trung nhớ Bác”

 Bài 1: 11 ngàn câu thơ và Nhà lưu niệm Bác Hồ

“Chúng con sinh ra khi nước còn chia cắt/ Nỗi nhớ Bác Hồ dằng dặc đêm miền Trung... Trời miền Trung mưa tuôn nắng cháy/ Đất quê tôi đưa Bác suốt dặm trường/ Để bây giờ đất gọi mãi nhớ thương...”. Lời bài hát “Miền Trung nhớ Bác” của nhạc sĩ Thuận Yến đã thể hiện tình cảm dạt dào, sâu nặng của đất và người miền Trung đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu. Nhân dịp kỷ niệm 119 năm Ngày sinh của Bác, đồng thời thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu hình ảnh một số người con của quê hương miền Trung “gian khổ mà trung kiên, khó khăn mà chung thủy” đã dành hết tâm huyết, sức lực, thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu và lưu giữ những hình ảnh, tư liệu quý giá về Bác.


Bất kể ở đâu, ông Nguyễn Đức Thanh (82 tuổi, ngụ tại phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn, Bình Định) cũng luôn suy nghĩ, trau chuốt những câu thơ về Bác Hồ. 5 năm qua, mặc dù phải chống chọi với bệnh tật, ông đã viết trường ca “Hồ Chí Minh - Một vầng dương” có độ dài lên tới 11 ngàn câu thơ. Trong khi đó, tại huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam), hai vợ chồng cựu chiến binh Tử Vi Dân đã dành hơn 100 triệu đồng tiền lương hưu mà họ dành dụm dưỡng già để xây Nhà lưu niệm và dựng tượng Bác Hồ.

  • Còn sống, còn làm thơ về Bác

Năm nay đã 82 tuổi, chân đã yếu, tay đã run nhưng ông Nguyễn Đức Thanh vẫn rất phấn khởi, hào hứng mỗi khi nói về Bác Hồ. Ngay khi mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông khẳng định: “Tôi đã làm thơ về Bác từ khi còn trai trẻ. Nhưng 5 năm gần đây, tôi quyết định dành toàn bộ tâm sức và trí tuệ để hoàn thành một trường ca về Bác mà tôi đã ấp ủ suốt mấy chục năm qua. Với tôi, Bác là vĩ nhân của các vĩ nhân!”.

“Miền Trung nhớ Bác” ảnh 1

Ông Nguyễn Đức Thanh và bản thảo trường ca “Hồ Chí Minh - Một vầng dương”. Ảnh: HOÀNG TRỌNG

Ông Nguyễn Đức Thanh sinh năm 1927 tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định). Năm 1955, ông tập kết ra Bắc và làm việc tại Bộ Giáo dục với nhiệm vụ quản lý các học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Chính trong thời gian này ông đã may mắn được gặp Bác Hồ nhiều lần.

Ông Nguyễn Đức Thanh hồi tưởng lại lần đầu tiên được gặp Bác: “Khoảng tháng 8-1957, Bác đến thăm Trường học sinh miền Nam số 28 đóng tại huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Khi đó tôi được cử làm trưởng ban bảo vệ. Chưa đến 7 giờ sáng, Bác đã bất ngờ xuất hiện và đi thẳng xuống thăm khu nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, nhà trẻ rồi mới đến nói chuyện tại hội trường”.

Lần thứ 2, ông Nguyễn Đức Thanh được gặp Bác Hồ tại Trường học sinh miền Nam đóng tại Hải Phòng. “Lần ấy, Bác dặn chúng tôi ngoài chuyện học hành phải chuyên tâm rèn luyện thể thao và lao động hợp lý để cơ thể phát triển cân đối” - ông Thanh nhớ lại. Lần thứ 3 ông Thanh được gặp Bác cũng tại Hải Phòng.

Năm 1963, ông Nguyễn Đức Thanh xung phong vào chiến trường Bình Trị Thiên, đảm nhận nhiệm vụ trưởng tiểu ban giáo dục. Năm 1969, trên đường ra Hà Nội họp thì nhận được tin Bác mất và ông đã khóc rất nhiều. Giao thừa Tết Nguyên đán năm 1970, ông Thanh viết bài thơ Đón giao thừa nhớ Bác: “Xuân này Bác nghỉ làm thơ/ Để sông, để núi ngẩn ngơ đợi chờ/ Bác ơi, biết đến bao giờ/ Con nghe thơ Bác trong giờ đón xuân/ Nam tào sáu ngọn rưng rưng/ Thương thân Bắc đẩu khô dần lệ đau”. Sau giải phóng, ông về công tác tại Ty Giáo dục Nghĩa Bình và nghỉ hưu năm 1988.

Ông Nguyễn Đức Thanh cho biết: “Sau nhiều ngày ấp ủ, tôi quyết định viết trường ca về Bác Hồ bằng thể thơ song thất lục bát”. Ông Thanh chia bản trường ca của mình thành ba phần: Tuổi trẻ Nguyễn Tất Thành (phần 1), Nguyễn Ái Quốc tìm đường cứu nước (phần 2), Hồ Chí Minh - người cha đẻ nước Việt Nam mới (phần 3).

Phần 1 có 3.540 câu thơ nói về thời niên thiếu cho đến khi anh thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước được hoàn thành trong vòng 18 tháng. Phần thứ 2 ông hoàn thành trong vòng 2 năm với 4.230 câu thơ, kể về những năm tháng nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc bôn ba tìm đường cứu nước. Phần thứ 3 viết về những hoạt động của Bác sau khi về nước cho đến khi mất. Hiện ông đã viết được 3.000 câu thơ và đang dự định sẽ viết thêm khoảng 1.500 - 2.000 câu nữa là hoàn thành phần 3.

Ông Nguyễn Đức Thanh cho biết đã có người đến thuyết phục ông chỉnh bản trường ca này còn 1.000 câu thơ để đăng báo nhưng ông từ chối. Mơ ước lớn nhất của ông là một ngày nào đó bản trường ca này sẽ được in thành sách. “Tôi muốn qua đó góp phần giáo dục con cháu, thế hệ trẻ ghi nhớ công ơn vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập tấm gương đạo đức của Người. Còn sống ngày nào, tôi sẽ còn viết thơ về Bác Hồ, viết cho đến khi không còn thở được thì thôi!” - cụ ông 82 tuổi Nguyễn Đức Thanh khẳng định.

  • “Gia tài” không phải là... của cải

Việc vợ chồng cựu chiến binh Tử Vi Dân (75 tuổi, thiếu tá, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Cục Hậu cần Quân khu V) và Huỳnh Thị Thuyền (chiến sĩ quân y) sử dụng hơn 100 triệu đồng dành dụm dưỡng già để thực hiện việc dựng tượng và xây Nhà lưu niệm Bác Hồ tại thị trấn miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) gây sự xúc động lớn lao cho những người biết chuyện. Ở chốn núi rừng ấy, 100 triệu đồng là cả một tài sản lớn. Trong cái nắng nóng bỏng rát của vùng núi Bắc Trà My chúng tôi đã gặp hai vợ chồng bác Dân.

“Miền Trung nhớ Bác” ảnh 2

Người lính già Tử Vi Dân bên tượng đài Bác do chính gia đình ông dựng trong vườn nhà. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Bác Dân sinh ra và lớn lên tại xã Điện Nam (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) anh hùng, với cái tên đầu tiên là Võ Như Thông. Đến năm 1955, ông tập kết ra Bắc, đổi tên thành Vũ Như Tống. Năm 1964, ông nhận lệnh vào Nam chiến đấu giải phóng quê hương. Để đảm bảo bí mật, một lần nữa ông tự đặt tên mình là Tử Vi Dân với ý nghĩa là “chết vì nhân dân” để thể hiện tinh thần sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc.

Hòa bình lập lại, vợ chồng cựu chiến binh Tử Vi Dân chọn mảnh đất Bắc Trà My, vốn là căn cứ Khu V, nơi ông có một thời gian dài chiến đấu để định cư. Ngày ấy, mảnh đất này còn hoang sơ, nhà dân thưa thớt, bốn bên là núi rừng, vợ chồng ông đã biến những mảnh đất đầy lau sậy thành cánh đồng xanh mướt. Vợ chồng ông đã đặt ảnh Bác lên bàn thờ gia tiên và cứ đến ngày 2-9 hàng năm, vợ chồng ông cùng con cháu làm giỗ Bác như giỗ ông bà, cha mẹ.

Cuối năm 2008, ông bàn với vợ dựng tượng đài Bác Hồ ngay trong vườn nhà. Ông mang 50 triệu đồng dành dụm suốt bao năm qua của hai vợ chồng ra tận làng đá Non Nước (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) tìm hiểu và đặt nghệ nhân tạc một bức tượng Bác có chiều cao 1,6m. Ông dùng đá xanh – một loại đá đặc trưng của vùng đất Bắc Trà My – xây dựng đài cao 1,7m để an vị tượng.

Ông tiếp tục dùng hơn 50 triệu đồng còn lại xây dựng nhà lưu niệm 3 gian, trưng bày những hình ảnh, sách báo về Bác Hồ. Có dịp đi đến bất cứ nơi đâu, ông cũng sưu tầm hình ảnh, sách báo, những câu chuyện và cả những bức thư pháp viết những bài thơ của Bác mang về trưng bày ở nhà lưu niệm này.

Nói về việc xây dựng Nhà lưu niệm Bác Hồ và dựng tượng đài tại nhà, cựu chiến binh Tử Vi Dân tâm sự: “Trong kháng chiến, làm theo lời Bác chiến đấu ngoan cường, thà chết chứ không làm nô lệ; trong thời bình, làm theo lời Bác xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp. Mình là lính Cụ Hồ, tại sao mình không dựng tượng Bác để tỏ lòng tôn kính cũng như để giáo dục cháu con học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh? Nghĩ vậy nên tui quyết tâm dựng tượng đài, xây nhà thờ Bác để giáo dục con cháu, giáo dục thế hệ trẻ của quê hương học tập và theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại. Một mai vợ chồng tui chết đi, gia tài để lại cho con cháu là những hình ảnh, sách báo viết về Người chứ không phải là tiền bạc, của cải”. 

Bài 2: Nửa thế kỷ sưu tập tem Bác Hồ

LTS- Với tấm lòng yêu kính Bác Hồ, nhiều cựu binh đã bỏ nhiều tâm sức làm nên những bộ sưu tập về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ để lưu lại cho đời sau; trong số nhiều bộ sưu tập quý giá ấy có những bức tranh được làm bằng tem thư mang hình ảnh Bác. Chúng tôi giới thiệu với bạn đọc về những cựu binh đang sống ở những nơi rất xa nhau nhưng  có cùng cách bày tỏ lòng yêu kính Bác - sưu tập tem thư mang hình ảnh Bác Hồ.

52 năm sưu tập tem Bác Hồ

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm nép mình bên góc phải Cố đô Huế thuộc phường Thuận Thành, TP Huế vào một buổi sáng đầu mùa hạ. Thoáng ngạc nhiên về sự xuất hiện đường đột của người lạ, nhưng khi biết chúng tôi tìm đến để nghe ông kể về thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ qua bộ sưu tập tem thì ông rất vui vẻ tiếp chuyện. Đó là nhà sưu tập tem Nguyễn Lương Hốt.

Ông Nguyễn Lương Hốt

Ông Nguyễn Lương Hốt

Bằng chất giọng đặc sệt phương ngữ miền Trung, ông nói: “Bộ tem Việt Nam đầu tiên phát hành vào năm 1946 thì “cái tật” mê tem của tui cũng hình thành ngay rồi ăn sâu vào tâm trí không biết khi mô”.

Ông Nguyễn Lương Hốt tham gia cách mạng từ năm 1945 với nhiệm vụ lúc đầu dạy bình dân học vụ và xây dựng cơ sở cách mạng tại huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Năm 1957, bị địch bắn trọng thương, tổ chức quyết định đưa ông ra miền Bắc điều trị đúng vào ngày Hiệp định Genève hết hiệu lực. Vết thương lành, ông được phân về công tác tại Ban Thống nhất Trung ương rồi Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội. Từ đó, ông nung nấu khát vọng tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tem. 

Ông đã tuyển chọn và cho ra mắt 5 bộ sưu tập tem với chủ đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp; Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tem bưu chính Việt Nam từ năm 1945 đến nay; Thơ ca ca ngợi Bác Hồ trên tạp chí tem bưu chính Việt Nam; Cây tre Việt Nam và Điện Biên Phủ trên tem. Trong đó, bộ sưu tập tem “Cuộc đời và sự nghiệp Bác Hồ” đã đoạt giải khuyến khích tại cuộc Triển lãm tem khu vực miền Trung và giải 3 tại cuộc Triển lãm tem toàn quốc năm 2008.

Trước khi kết thúc câu chuyện giữa chúng tôi, từ phía cổng nhà ông Nguyễn Lương Hốt có 3 thiếu niên tuổi 15-16 vui vẻ đi vào. “Mấy đứa học trò mê chơi tem đến học hỏi kinh nghiệm đó mà. Được tiếp cận, tìm hiểu và đam mê tem về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ giúp lớp trẻ trưởng thành, vững vàng hơn về lý tưởng”, ông Hốt phấn khởi nói.

Ông Ngô Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế - bày tỏ sự trân trọng ý tưởng sâu sắc, tâm huyết suốt nhiều năm qua của ông Nguyễn Lương Hốt.

Đây là một tấm gương điển hình của đợt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cần nhân rộng. Qua tem thư bưu chính, hình ảnh Bác Hồ sẽ đến với mọi người, mọi nhà và cả nhân dân tiến bộ trên khắp thế giới. Đây là một trong những hình thức sinh động, độc đáo trong Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

“Vẽ” chân dung Bác bằng... tem

Mặc dù đang nằm viện nhưng khi nghe chúng tôi vừa đề cập đến bức chân dung Bác Hồ do ông tự họa và dùng tem thư ghép nên, ông Lâm Thành Ron - 80 tuổi, ở thị trấn Sa Huỳnh tỉnh Quảng Ngãi, vội vàng ngồi dậy ngay.

Ông Lâm Thành Ron

Ông Lâm Thành Ron

Ông sinh năm 1930, năm 1946 vào bộ đội tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1965, ông khoác ba lô trở lại chiến trường cùng hành quân trên con đường Trường Sơn huyền thoại vào Nam chiến đấu.

“Từ khi tôi tập kết ra Bắc, tiếp xúc với tem thư, tôi đã nghĩ ngay đến chuyện tích cóp các con tem để sau này ghép thành chân dung Bác Hồ. Năm 1960, Bác Hồ đến thăm đơn vị, tôi may mắn được gặp Bác, từ đó tôi càng quyết tâm sưu tầm tem về Bác”, ông Ron vừa nói, vừa chỉ tay lên tường nhà, nơi có chân dung Bác Hồ bằng tem thư mà ông đã lồng kính, đặt nơi trang trọng nhất.

Nhìn vào bộ sưu tập tem độc đáo này, có thể dễ dàng nhận ra nhiều con tem có tuổi đời ngót nửa thế kỷ. Trong đó có nhiều tem thư quý như các con tem Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác đang nghe báo cáo công việc qua điện thoại, đọc báo; tem các chiến sĩ, công nhân, nông dân đang bảo vệ, lao động và xây dựng đất nước...

“Tôi thức gần cả 3 tuần để hoàn thành công trình này. Hôm xong việc, tôi mời mấy ông bạn hưu trí, làm một mâm cỗ, gọi là lễ Bác Hồ, xin phép Bác được treo ảnh này lên tường nhà”. Hoàn thành chân dung Bác Hồ, ông Ron thấy còn dôi ra quá nhiều tem, nên ông ghép một bản đồ thế giới ở bên dưới, nhưng đây là “bản đồ thiếu”. Ông giải thích: “Tôi chỉ dán tem có 24 nước mà Bác Hồ từng đặt chân đến thôi”. Số tem còn lại được ông tiếp tục ghép hoàn chỉnh thành một bản đồ Việt Nam, treo cạnh chân dung Bác Hồ.

Chia tay chúng tôi, cụ Lâm Thành Ron nói: “Có Bác mới có nước Việt Nam thống nhất ngày nay. Cũng như bao nhiêu người dân Việt Nam khác, bằng việc làm cụ thể là sưu tập tem về Bác suốt nửa thế kỷ qua, tôi muốn thể hiện lòng kính trọng và biết ơn vô hạn đối với Người!”.

Lặng lẽ một tình yêu

Đến nay, rất nhiều người biết và tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Phú, 75 tuổi, ở thôn Phố Lang Quán xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang để chiêm ngưỡng bộ tư liệu khổng lồ về Bác Hồ mà ông đã lặng lẽ sưu tầm hơn nửa đời người. Tấm lòng của ông đối với Bác kính yêu khiến mọi người đều mến phục.

Ông Nguyễn Văn Phú

Ông Nguyễn Văn Phú

Ông Nguyễn Văn Phú, sinh năm 1935, quê gốc Vụ Bản, Nam Định. Năm 1942, ông theo cha mẹ lên Tuyên Quang sinh sống. Sau khi tham gia dạy bình dân học vụ, ông Phú xin vào làm tại ngành giao thông, công tác tại Hạt Giao thông huyện Yên Sơn cho đến khi nghỉ hưu.

Từ thời trẻ ông đã luôn phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng và ông được kết nạp Đảng năm 1960. Ông tìm hiểu kỹ về Đảng và về Bác, niềm kính trọng của ông được nhân lên gấp bội. Ông tâm sự đó là một tình yêu không thể diễn tả, mỗi khi nhìn thấy hình Bác, đọc những bài báo của Bác, ông lại thấy cảm xúc mình dâng trào khó tả. Và ông đã thể hiện tấm lòng yêu kính Bác của mình bằng cách lưu giữ các tấm ảnh, các bài báo của Bác và những tài liệu về Bác.

Những cán bộ Bưu điện thị xã Tuyên Quang còn nhớ như in anh công nhân cầu đường gầy gò, nhỏ bé nhưng tuần nào cũng đạp xe hàng chục cây số đến bưu điện để xin tem thư và tìm mua những tờ báo có bài về Bác Hồ. Khi đến thăm bạn bè, trước lúc ra về, bao giờ ông cũng dặn bạn - nếu đọc được bài báo nào về Bác thì nhớ gửi hoặc nhắn ông đến nhận. Ông còn là “khách quen” của các bà kẹo lạc, kẹo bột khắp nơi trong thị xã vì nhiều khi, trong những tờ báo cũ, ông đã tìm được nhiều tài liệu rất quý về Bác.

Vợ ông, bà Vũ Thị Nho, kể lại, thời ấy ông đi công tác biền biệt, nhưng có ngày nghỉ nào là ông vội vàng làm cho xong việc nhà, dành thời gian sưu tầm tư liệu. Bà Nho rất tự hào vì tuy không có tiền bạc nhưng bộ sưu tập về Bác và lòng kính yêu Bác vô hạn là báu vật ông bà để lại cho con cháu, giúp chúng luôn có ý thức học tập, rèn luyện để trở thành những công dân tốt.

Suốt gần nửa thế kỷ lặng lẽ với tình yêu lớn của đời mình, ông Phú đã sưu tầm được cả ngàn con tem, bức ảnh, bài báo về Bác Hồ.

Để dễ khai thác, ông sắp xếp theo các giai đoạn của cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Bộ sưu tập của ông Phú về Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu giữ khá khoa học, rất quý, giúp cho việc học tập và nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của các cháu sinh viên, học sinh ở địa phương nhiều năm qua.

Vào dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Bác, ông đã dành hơn 2 tháng trời để ghép bức tranh “Lăng Bác” bằng những con tem. Bức tranh này hiện được treo tại vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà đơn sơ của gia đình ông.

Nhóm PV

“Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”

Tại TP Tuy Hòa còn một Nhà thờ Bác Hồ do anh Lê Minh Tâm, hiện là cán bộ Phòng Thi hành án tỉnh Phú Yên, xây dựng bằng tiền riêng của gia đình. Nhà thờ này nằm trong khuôn viên rộng 3.000m2 giữa cánh đồng quanh năm xanh tốt của làng Xuân Dục. Nhìn từ xa, công trình này vừa giống ngôi nhà Bác ở làng Sen (Nghệ An), vừa có nét đặc trưng của nông thôn Nam Trung bộ.

Bức tượng Bác Hồ được tạc từ đá trắng Non Nước nguyên khối cao 1,6m đặt trang trọng ở gian giữa. Phía trên là bức hoành phi cẩn xà cừ với dòng chữ “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”.

Ngoài ra, trong khuôn viên Nhà thờ Bác Hồ còn có hồ sen, ao cá và rất nhiều loài hoa, cây kiểng được chăm sóc cẩn thận. Người dân địa phương rất tự hào về Nhà thờ Bác Hồ và xem đây là nơi thiêng liêng để bày tỏ lòng kính yêu đối với Người. Đây còn là nơi để mọi người tự soi rọi mình và giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ nhiều năm qua.

Lê Văn

Tin cùng chuyên mục