Mở cánh cổng đầu tư công nghệ

Sự kiện UBND TPHCM trao quyết định đầu tư vào Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) cho 9 doanh nghiệp (DN), với tổng vốn đầu tư 777,29 triệu USD vừa qua đã “mở lại” cánh cổng đầu tư vào SHTP, sau một thời gian gặp trở ngại vì vướng mức giá thuê đất hàng năm.
Một góc Khu Công nghệ cao TPHCM
Một góc Khu Công nghệ cao TPHCM

Không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư

Tháng 5-2019, có 14 lượt nhà đầu tư, trong đó có 5 nhà đầu tư nước ngoài, đến SHTP để tìm hiểu thông tin, cơ hội đầu tư. Kết quả, Ban quản lý SHTP chỉ cấp phép cho dự án của Công ty Key Tech Engineering (Việt Nam) với vốn đầu tư 46 tỷ đồng và dự án của Công ty TNHH PEC Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký 5 triệu USD. Đây là con số ít ỏi nếu so sánh với những năm trước, SHTP luôn là điểm sáng thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao của TPHCM - trung bình hàng năm thu hút khoảng 500 triệu USD, nhiều dự án có quy mô đầu tư hàng tỷ USD. Nguyên nhân chính do chờ TPHCM phê duyệt bảng giá cho thuê đất mới tại SHTP.

Bà Lê Bích Loan, quyền Trưởng ban Quản lý SHTP, cho biết, khi UBND TPHCM ban hành Quyết định số 3907/QĐ-UBND ngày 13-9-2019 về mức giá thuê đất hàng năm áp dụng từ ngày 9-4-2018 đến ngày 31-12-2019 trong Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý SHTP đã tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ. Việc 9 dự án đầu tư vào SHTP được cấp phép (gồm một dự án có vốn FDI và 8 dự án vốn trong nước; tổng đầu tư 777,29 triệu USD) được coi là nỗ lực lớn của thành phố trong kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. 

“Thu hút thành công 9 dự án giúp SHTP hoàn thành và vượt kế hoạch thu hút đầu tư FDI năm 2019 đã đăng ký với thành phố. Cụ thể, vốn FDI là 655,5 triệu USD/200 triệu USD, đạt 328%, vốn trong nước là 146,5 triệu USD/100 triệu USD, đạt 146%”, bà Lê Bích Loan cho biết.

Điều này là minh chứng cho thấy lãnh đạo TPHCM và Ban quản lý SHTP đã luôn lắng nghe, không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư để các nhà đầu tư triển khai dự án và hoạt động đạt hiệu quả cao nhất. Tại sự kiện UBND TPHCM trao quyết định đầu tư vào SHTP cho 9 DN, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã khẳng định: “Về phía thành phố, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN an tâm đầu tư, triển khai dự án một cách hiệu quả, sẵn sàng lắng nghe giải quyết các vướng mắc của DN”. 

Chú trọng vào R&D

Trong 9 dự án vừa được cấp phép đầu tư vào SHTP, có một dự án FDI thuộc lĩnh vực vi điện tử, 2 dự án sản xuất và 6 dự án nghiên cứu - phát triển (R&D). 

6 dự án với mục tiêu R&D khá rõ ràng. Dự án Trung tâm Nghiên cứu và phát triển công nghệ cao HDKING tập trung xây dựng trung tâm nghiên cứu công nghệ nhận diện khuôn mặt kết hợp công nghệ AI và Big data trong lĩnh vực an ninh, xã hội và giám sát giao thông; nghiên cứu công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây trong chính quyền điện tử và đô thị thông minh. Hay dự án Trung tâm Nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ chiếu xạ tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ chiếu xạ ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano, lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. Dự án Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ DFM hướng đến mục tiêu nghiên cứu ứng dụng và sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực IoT, trí tuệ nhân tạo, robot và thực tế ảo; nghiên cứu ứng dụng, triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực hàng không vũ trụ…

"Các doanh nghiệp trong nước đã có đủ năng lực nắm bắt công nghệ, sẵn sàng tham gia vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, xử lý dữ liệu lớn; công nghệ sinh học; công nghệ năng lượng mới, vật liệu mới và công nghệ cơ khí chính xác… hình thành một cộng đồng công nghệ cao mạnh, góp phần cùng TPHCM hướng đến xây dựng đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, trong đó SHTP đóng vai trò hạt nhân kết nối Đại học Quốc gia TPHCM và Trung tâm Tài chính Thủ Thiêm" - Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THÀNH PHONG

Theo Ban quản lý SHTP, 6 dự án R&D nói trên được bố trí vào Khu không gian khoa học SJTP với hạ tầng hoàn chỉnh, đủ điều kiện để nhà đầu tư tiến hành xây dựng ngay. Điều này cũng nằm trong chiến lược phát triển SHTP với 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn khởi nghiệp (2002-2010); giai đoạn định hình (2011-2020); giai đoạn tăng tốc sáng tạo công nghệ cao (sau 2020). Do đó, 6 dự án trung tâm nghiên cứu ứng dụng triển khai công nghệ mới dự kiến sẽ tạo ra hơn 100 sản phẩm công nghệ mới thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí chính xác tự động hóa, công nghệ sinh học, năng lượng mới và vật liệu mới có hàm lượng công nghệ cao. SHTP sẽ tập trung đầu tư mạnh cho hoạt động R&D trong thời gian tới, nhằm góp phần xây dựng thành công khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố.

Tin cùng chuyên mục