Mô hình trung tâm dạy nghề quận, huyện - Duy trì hay xóa sổ?

Đâu là giải pháp?
Mô hình trung tâm dạy nghề quận, huyện - Duy trì hay xóa sổ?

Không có người học, thiết bị trùm mền, thu không đủ chi, cho thuê mặt bằng… là thực trạng hoạt động của các trung tâm dạy nghề tại TPHCM. Và giống một thực thể sống “thực vật”, mô hình trung tâm dạy nghề đang trong tình huống lưỡng nan, nên duy trì hay xóa sổ hẳn để tránh lãng phí cho hệ thống giáo dục - đào tạo?

Lớp điện tử tại Trung tâm Dạy nghề quận 11. Ảnh: MAI HẢI

Lớp điện tử tại Trung tâm Dạy nghề quận 11. Ảnh: MAI HẢI

Đào tạo hay cho thuê mặt bằng?

“Mọi năm ở thời điểm này đã có hơn 700 lượt học viên (HV) đến đăng ký học nghề nhưng năm nay mới có hơn 400 HV đến đăng ký”, một nhân viên bộ phận tuyển sinh tại Trung tâm Dạy nghề quận 6 cho biết.

Cảnh đìu hiu có thể thấy rõ khi một số lớp sửa chữa xe máy, tiện - phay, may gia dụng tổ chức vào buổi sáng có sĩ số chưa đến 20 học viên/lớp. Và tuy có cả thảy 13 ngành nghề đào tạo nhưng trung tâm chỉ có 2 nghề có số lượng học viên tương đối đông là sửa chữa ô tô và xe gắn máy. Còn lại là vắng bóng người học.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề quận 6, thổ lộ: “Mỗi năm, số lượng HV đến đăng ký giảm từ 15%-17%. Điều này cũng dễ hiểu bởi bên cạnh sự nở rộ của các trung tâm dạy nghề tư nhân với nhiều nghề mới như sửa chữa điện thoại di động, thiết kế quảng cáo, điện tử… thì các trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, thậm chí cả đại học cũng lao vào dạy cả nghề ngắn hạn, khiến các trung tâm dạy nghề khó thu hút được người học”.

Trung tâm Dạy nghề quận 11 cũng không khá hơn với trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu. Tại lớp sửa xe gắn máy, phương tiện thực hành chủ yếu là các dòng xe máy đã cũ kỹ, lỗi thời. Còn ở lớp dạy vi tính, hầu hết các máy thực tập đều có cấu hình thấp, thiếu cập nhật các phần mềm hiện đại nên ứng dụng chưa cao.

Hiện trung tâm đang đào tạo 22 nghề, trong đó có một số nghề được ưa chuộng như chế tác nữ trang, trang trí điện thoại di động, đặc biệt là lớp khởi sự doanh nghiệp ngắn hạn trong 1 tháng…

Mặc dù các trung tâm đã vận dụng nhiều cách để thu hút HV như miễn, giảm học phí cho bộ đội xuất ngũ, HV đăng ký một lần trọn khóa học và thậm chí lo chỗ ở nội trú cho học viên ở xa với mức giá ưu đãi, tuy nhiên, số lượng người học cũng không tăng là bao. Nhiều dãy phòng học thiếu HV được tận dụng làm lớp dạy văn hóa cho sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa.

Tại Trung tâm Dạy nghề huyện Hóc Môn, mặc dù cơ sở mới được xây dựng lại với 4 dãy nhà 2 tầng khang trang nhưng hầu hết bảng tin đào tạo dán tại đây là các thông tin việc làm và hướng dẫn đăng ký bảo hiểm thất nghiệp.

Giám đốc một trung tâm dạy nghề than thở: Hiện nay trên địa bàn TPHCM, có rất ít trường, trung tâm dạy nghề được trang bị máy móc kỹ thuật đồng bộ với máy móc tại các công ty, xí nghiệp. Còn lại, hầu hết máy móc trang thiết bị vẫn trong tình trạng thiếu và yếu.

Điển hình như máy tiện, trong khi các doanh nghiệp sử dụng máy tiện đời mới, trị giá hàng chục tỷ đồng, hoàn toàn tự động, thao tác bằng cách lập trình sản phẩm trên máy vi tính rồi “bấm nút”, các trung tâm dạy nghề vẫn còn sử dụng các loại máy cũ kỹ hoạt động theo cơ chế… thủ công.

Nhiều trung tâm dạy nghề nhìn nhận, nguồn thu chính để duy trì hoạt động chủ yếu lấy từ việc tổ chức học và thi bằng lái xe hai bánh; cho thuê mặt bằng để dạy ngoại ngữ chứ không phải tập trung phát triển một số ngành nghề chủ đạo như nhiệm vụ được giao.

Ông Nguyễn Công Phước, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề quận Bình Thạnh, chia sẻ: “Để tồn tại và tuyển đạt chỉ tiêu, chúng tôi phải ký liên kết đào tạo với các doanh nghiệp để học viên có cơ hội thực hành ngay tại doanh nghiệp, rồi giới thiệu việc làm để thu hút người học và tìm nguồn tài trợ… Về lâu dài, chúng tôi đang thực hiện nâng cấp thành trường trung cấp nghề để có thể đào tạo chính quy, phát triển đào tạo nghề, nâng cao trình độ giáo viên, chất lượng đào tạo”.

Đâu là giải pháp?

Trước tình trạng hoạt động không hiệu quả của hầu hết các trung tâm dạy nghề trên địa bàn TPHCM, có khá nhiều ý kiến đề nghị xóa bỏ mô hình này. Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề quận 6 cho rằng, nhu cầu học nghề sơ cấp của một bộ phận thanh thiếu niên là có thật. Do đó, không nên bỏ hẳn mô hình đào tạo nghề ở quận, huyện, thay vào đó nên sáp nhập những nơi nào đầu tư không hiệu quả để giảm thiểu lãng phí và tái đầu tư.

Bên cạnh đó, nhà nước cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các trung tâm dạy nghề ở từng địa phương liên kết cung ứng lao động cho các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn quận, huyện. Từ đó, mỗi trung tâm phải xác định phương hướng hoạt động đầu tư các ngành nghề chủ lực để đạt hiệu quả.

Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết: “Hiện nay TPHCM có nhiều chính sách khuyến khích học nghề, đặc biệt là đối với bộ đội xuất ngũ, con thương binh, liệt sĩ… Trung tâm dạy nghề các quận huyện là “công cụ” của các quận, huyện có thể dạy nghề cho lao động nghèo. Bởi ở những quận, huyện chưa có trung tâm, việc giải quyết học nghề cho lao động nghèo rất khó khăn”.

Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, cần phải đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên tại các trung tâm. Đối với những quận huyện đã có trường dạy nghề mà nhu cầu người học ít thì không thành lập trung tâm mà tập trung đầu tư vào các trường dạy nghề trọng điểm để thu hút người học.

Hơn hết, ở các đơn vị dạy nghề, đòi hỏi người quản lý cần phải năng động đổi mới, sáng tạo, không chỉ mãi trông chờ vào ngân sách nhà nước.

Lê Linh – Thu Tâm

Tin cùng chuyên mục