Vụ việc ông Võ Đình Đào (ngụ huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) dùng búa sát hại hai con ruột vào ngày 17-10-2013 một lần nữa gióng lên tiếng chuông báo động về tình trạng người bị mất năng lực hành vi dân sự gây án trong thời gian sinh sống tại địa phương. Câu hỏi về trách nhiệm quản lý, cũng như việc xử lý như thế nào để đảm bảo không bỏ lọt tội phạm lại tiếp tục đặt ra.
Gây án vì tâm thần
Cách đây gần 2 năm, người dân TPHCM phẫn nộ trước vụ tạt axít nhẫn tâm tại quận Gò Vấp. Xuất phát từ thù oán cá nhân trong quan hệ hàng xóm, ngày 18-1-2012, Lâm Tiến Dũng (ngụ 274/10 Nguyễn Văn Nghi quận Gò Vấp) sang nhà anh Nguyễn Quốc Tuấn (ngụ 274/8 Nguyễn Văn Nghi quận Gò Vấp), cầm ca axít tạt vào anh Tuấn. Không dừng lại, Dũng tiếp tục tạt ca axít vào chị Phạm Thị Thanh Xuân (vợ anh Tuấn) và cháu Nguyễn Quốc Huy Bảo (con trai anh Tuấn, thời điểm đó mới 5 tuổi). Hậu quả là anh Tuấn bị thương tật 96%, phải chịu cuộc sống tàn phế suốt đời do bị bỏng vùng mặt, hai mắt mù hẳn, hoạt động tứ chi bị hạn chế... Chị Xuân và cháu Bảo phải mang hàng chục vết sẹo lồi lõm khắp cơ thể, riêng cháu Bảo bị giảm thị lực.
Vụ án được khởi tố để điều tra về hành vi “Cố ý gây thương tích” của Lâm Tiến Dũng. Tuy nhiên, đến ngày 15-6-2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Gò Vấp ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án với lý do sau khi tiến hành điều tra nhận thấy Dũng bị tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, đương sự mất khả năng nhận thức. Đồng thời, Dũng được đưa đi “điều trị bắt buộc” tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Mới đây, vào chiều 27-8-2013, nhiều phụ huynh đang đứng chờ đón con tại trước cổng Trường Tiểu học Tân Tạo A quận Bình Tân bàng hoàng khi chứng kiến cảnh Nguyễn Văn Tâm (ngụ phường Tân Tạo A quận Bình Tân) dùng dao cắt cổ hai phụ huynh. Theo kết quả xác minh, trước đó gia đình thấy Tâm có biểu hiện bệnh tâm thần nên đã đưa Tâm đến bệnh viện khám và được bác sĩ cho thuốc uống. Đến hẹn, Tâm không đi tái khám mà lại gây án. Hiện gia đình đã đưa Tâm đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 để trị bệnh.
Chiều 22-10 vừa qua, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã xét xử phúc thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phòng Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Tiền Giang trước đây. Có liên quan trong vụ án này nhưng Nguyễn Văn Nên (nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Tiền Giang) do bị mắc bệnh tâm thần trong thời gian chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án nên “thoát nạn”, được TAND tỉnh Tiền Giang ra các quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Khi nào bị cáo Nên hết bệnh sẽ xử lý sau.
Có bao che, chạy tội?
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn vào giữa tháng 10-2013, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, bức xúc nêu thực tế: Trên địa bàn TP xảy ra một số vụ mà đối tượng gây án là người bị bệnh tâm thần không được quản lý trong các cơ sở chữa bệnh, người có dấu hiệu loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp. Với kết luận giám định họ bị mất năng lực hành vi dân sự, cơ quan công an không thể xử lý hình sự đối với họ khiến người dân bức xúc. Đánh giá nguyên nhân những người có dấu hiệu loạn thần gây án, ông Minh cho rằng xuất phát từ việc tổ chức cai nghiện tại cộng đồng, quản lý sau cai còn nhiều khó khăn, bất cập, không được tổ chức phối hợp quản lý chặt chẽ. Sự quản lý lỏng lẻo từ phía gia đình, theo ý kiến của nhiều người dân, cũng là nguyên nhân “tạo điều kiện” cho người bị bệnh tâm thần thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể như trường hợp ông Võ Đình Đào và Nguyễn Văn Tâm, dù gia đình đã biết có dấu hiệu bị bệnh tâm thần nhưng không thể quản lý.
Đối với việc không ít người bỗng nhiên được kết luận bị tâm thần sau khi gây án, dư luận hoài nghi liệu có sự bao che, “vẽ” chuyện bị bệnh giúp những đối tượng này chạy tội? Luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật) cho rằng: “Thực tế nan giải là số lượng người bị bệnh tâm thần vẫn sinh hoạt bình thường trong cuộc sống xã hội hàng ngày rất đông. Theo số liệu của Bộ LĐTB-XH, có khoảng 200.000 người bị bệnh tâm thần nặng, trong đó có khoảng 154.000 người (77%) có hành vi nguy hiểm cho cộng đồng. Tuy nhiên chỉ có khoảng 10.000 người được chữa trị. Đây là nguồn nguy hiểm cao độ cho sự an toàn xã hội, nguy cơ luôn rình rập từ các hành vi bất thường của số người này.
Theo quy định pháp luật, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, mà được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”. Vì vậy, không loại trừ có trường hợp giả bệnh tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự vĩnh viễn hoặc tạm thời. Trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật phải xác định chính xác các đối tượng, bị can bị bệnh tâm thần thật hay giả; có dấu hiệu tội phạm để xử lý phù hợp.
ÁI CHÂN