>> TPHCM, gần 69.000 thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10
(SGGPO).- Đúng 10 giờ ngày 11-6, kết thúc giờ làm bài môn Ngữ văn, hầu hết thí sinh đều ra về trong tâm trạng hớn hở, phấn khởi.
Học sinh trường THCS Trần Bội Cơ, quận 5, trao đổi sau giờ thi môn Văn. Ảnh: Mai Hải
Em Trần Thụy Ngọc Như Ý, lớp 9/2, Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) cho biết, đề thi năm nay bám sát chương trình đã học, dễ kiếm điểm hơn đề thi năm ngoái.
Ở phần nghị luận xã hội, câu hỏi “Phải chăng những điều ngọt ngào mang lại tình yêu thương” khiến nhiều thí sinh tỏ ra thích thú, câu hỏi đặt ra gần gũi với cuộc sống giúp các em có cơ hội trình bày suy nghĩ, cảm nhận cá nhân của mình.
Phần nghị luận văn học, câu cuối cùng yêu cầu thí sinh liên hệ giữa một đoạn văn được trích dẫn trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” với một tác phẩm văn học bất kỳ trong chương trình đã học là câu hỏi mở, nếu không có kiến thức tổng quát về các tác phẩm trong phân bổ chương trình sẽ khó chọn tác phẩm phù hợp. “Trường hợp chọn được tác phẩm hay mà không nêu đúng dẫn chứng, phân tích trên cơ sở không hợp lý thì thí sinh sẽ khó đạt điểm cao”, Như Ý cho biết.
Em Lê Hoàng Tuấn, học sinh lớp 9/2, Trường THCS Âu Lạc (quận Tân Bình) đánh giá đề thi năm nay không có độ khó cao nhưng hơi dài, nếu thí sinh không phân bổ thời gian hợp lý sẽ khó hoàn thành hết bài thi, nhất là khi câu hỏi cuối cũng đồng thời là câu đòi hỏi nhiều khả năng suy luận, phân tích của thí sinh.
Em Trần Minh Thanh, lớp 9/5, Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận 10) dự đoán, năm nay sẽ có nhiều bạn đạt điểm khá, nhưng khó có bài thi đạt điểm 8,9.
Nhận xét nhanh, một số giáo viên dạy Văn của các trường THCS ở TPHCM cũng cho rằng “ Đề Văn năm nay quá hay, đúng với tinh thần đổi mới nhưng đảm bảo phân hóa trình độ học sinh để tuyển sinh vào lớp 10”.
Cô Trần Thị Tuyết Hạnh, giáo viên dạy Văn trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh cho rằng đề thi môn Ngữ Văn vừa hay vừa thể hiện sự mới lạ, bám thời sự nhưng tính thẩm mỹ, nhân văn rất cao. Đề thi theo xu hướng mớ nhưng bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng sống. Để làm bài đạt điểm cao, đòi hỏi thí sinh phải tư duy, nêu quan điểm, suy nghĩ và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn sinh động. Ở câu 1 (3 điểm), yêu cầu học sinh đọc hiểu và trình bày cảm nghĩ về ước mơ tuy dễ nhưng thí sinh phải có quá trình tích lũy kiến thức và cảm thụ văn học tốt mới có thể làm bài hay, đạt điểm cao.
Ở câu 2 - nghị luận xã hội, đề cập đến vấn đề tư tưởng, đạo lý và câu hỏi mở “ Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương” không chỉ mang giá trị nhân văn cao mà còn giáo dục học sinh hoàn thiện bản thân về nhân cách, lối sống, biết quan tâm đến người khác. Chủ đề này giúp học sinh bộc lộ cảm xúc thật và thể hiện nét đẹp văn hóa trong ứng xử, biết sẻ chia, biết yêu thương đúng cách và có ý thức, trách nhiệm với gia đình, cộng đồng xã hội.
Ở câu 3 - Nghị luận văn học (4 điểm), cách ra đề cũng rất mới và độ khó cao. Không chỉ giúp học sinh cảm thụ về văn học với nhân vật, con người, mở rộng liên hệ các tác phẩm khác lẫn đời sống xã hội phong phú, đề thi còn giúp học sinh hoàn thiện các kỹ năng sống cần thiết. Ở câu này, học sinh giỏi, có năng lực cảm thụ văn học sẽ làm bài tốt hơn, có cơ hội phát huy tư duy sáng tạo. Ngược lại, học sinh trung bình khá sẽ cảm thấy độ khó cao và việc mở rộng liên hệ sẽ hạn chế nếu không có vốn kiến thức tích lũy, hiểu biết rộng. Nhìn chung, cách ra đề thi môn Ngữ văn đi đúng hướng đổi mới đánh giá theo năng lực học sinh. Tư duy ra đề theo hướng mở đã tạo ra chỉnh thể không thể tách rời giữa văn học nghệ thuật và đời sống xã hội. Từ đó, sẽ tạo động lực để giáo viên và học sinh đổi mới cách dạy, học, từng bước triệt tiêu học văn tủ, học vẹt.
Chiều nay, các thí sinh tiếp tục thi môn Ngoại ngữ ( 60 phút).
Khánh Bình - Thu Tâm