Miễn học phí, phổ cập giáo dục cho trẻ 3-5 tuổi: Cần bảo đảm lộ trình, nguồn lực khả thi

Các đại biểu cho rằng, cần có chính sách đủ mạnh để xã hội hóa, thu hút đầu tư cho giáo dục mầm non để bảo đảm đủ trường đủ lớp cho việc phổ cập.

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ, chiều 22-5. Ảnh: QUANG PHÚC
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ, chiều 22-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 22-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về 3 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội: về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; về phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi; về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.

Giảm áp lực tài chính cho người dân

Về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, các ý kiến đều đồng tình và nhất trí cao.

Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM), ĐB Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) và các ĐB, nghị quyết này không chỉ có ý nghĩa về giáo dục mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện chiến lược dân số quốc gia. Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với tỷ lệ sinh thấp ở nhiều đô thị lớn và bước vào giai đoạn già hóa dân số, thì việc miễn, hỗ trợ học phí sẽ giúp giảm áp lực tài chính, các gia đình yên tâm sinh đủ 2 con và nuôi con, góp phần bảo đảm cơ cấu dân số hợp lý, phát triển bền vững đất nước.

Điều mà hầu hết các ĐB quan tâm, đề xuất là cần tính toán kỹ nguồn lực để bảo đảm thực hiện khả thi, nhất là ở các địa phương còn khó khăn. ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) cho rằng, để nghị quyết thực hiện đi vào cuộc sống, không ai bị bỏ lại phía sau, cần quy định chặt chẽ, tính toán cụ thể hơn.

“Ví dụ đối tượng được cấp quốc tịch Việt Nam, được cấp Giấy chứng nhận căn cước có được thụ hưởng không? Hay về hỗ trợ học phí cho học sinh dân lập, nhiều gia đình có điều kiện không cần hỗ trợ thì tính sao, có quy định nào nếu họ không nhận?”, ĐB Nguyễn Minh Đức nêu.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM).jpg
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) cho rằng, những địa phương đã tự cân đối được ngân sách thì có thể giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ cụ thể; với những địa phương chưa tự cân đối được thì đề nghị quy định cụ thể mức chi để đảm bảo tính công bằng.

1.jpg
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), đây là điều chúng ta đã chờ đợi từ lâu, đất nước hiện nay có thể đủ nguồn lực thì thực hiện ngay. “Chúng ta có thể phải thắt lưng buộc bụng để triển khai những chính sách cho giáo dục, vì đó là quốc sách hàng đầu”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói. Tuy nhiên, ĐB cho rằng, cần tính kỹ việc thực hiện để khả thi; việc chi trả lương giáo viên không chỉ từ ngân sách mà trích từ học phí chuyển sang, do đó cần nói rõ nguồn bù đắp khoản hụt từ học phí này sẽ được bù đắp như thế nào để bảo đảm việc thực thi suôn sẻ, không để ảnh hưởng đến đội ngũ nhà giáo.

Bảo đảm lộ trình thực hiện

Về phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi, nhiều ĐB đặc biệt quan tâm, tán thành và có nhiều đề xuất để chính sách sớm đi vào cuộc sống.

Theo đề xuất của Chính phủ, để hoàn thành mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi vào năm 2030, cần nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực rất lớn (tổng dự toán kinh phí để thực hiện giai đoạn 2026-2030 là 116.314,1 tỷ đồng). Theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi là hạnh phúc với cả dân tộc, do giáo dục trẻ 3-5 tuổi rất quan trọng, là bậc học quan trọng với sự phát triển con người, là tiền đề để phát triển nguồn nhân lực. Trước đây, chúng ta chưa có điều kiện cả về kinh phí lẫn đội ngũ để làm, bây giờ đã chuẩn bị cơ bản thì quyết tâm làm. ĐB Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cân đối ngân sách để triển khai ngay chính sách này; đồng thời, phải khẩn trương bổ sung giáo viên mầm non để thực hiện phổ cập.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM).jpg
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề cập việc sắp xếp tỉnh thành, dôi dư nhiều trụ sở công, nên tính toán để sử dụng cho GDMN. ĐB đề nghị nên chuẩn bị kỹ, có thể triển khai từ năm học 2026-2027.

ĐB Nguyễn Minh Đức cho rằng, đây là chính sách rất lớn nhưng nguồn lực triển khai vẫn cần tính toán. TPHCM năm 2024 nộp ngân sách hơn 500.000 tỷ đồng nhưng nhiều địa phương khác thì ngân sách trung ương phải cấp bổ sung, vậy kinh phí để xây trường ở những tỉnh này để bảo đảm trẻ 3-5 tuổi được đến trường được tính thế nào? Do đó, cần quy định rõ lộ trình xây dựng trường lớp, tuyển dụng giáo viên mầm non để đáp ứng yêu cầu phổ cập.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Phan Văn Mãi (TPHCM) cũng bình luận đây là chính sách rất quan trọng, quyết định rất lớn đến việc phát triển nhân lực, vì đó là 5 năm đầu đời cần được chăm sóc tốt. ĐB Phan Văn Mãi cho rằng, cần đầu tư để có 1 chương trình GDMN chất lượng, cả về thể chất, trí tuệ.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) cũng cho rằng, cần có chính sách đủ mạnh để xã hội hóa, thu hút đầu tư cho GDMN để bảo đảm đủ trường, đủ lớp cho việc phổ cập.

ĐB Y Vinh Tơr (Đắk Lắk) nhấn mạnh, chính sách này còn góp phần giải phóng sức lao động cho cha mẹ các em tham gia tạo thêm của cải vật chất cho xã hội. Tuy nhiên, đối với những khu vực phân bố dân cư thưa, cần tính toán cả về địa điểm, chi phí và nhân lực để nuôi dưỡng các em cả ngày. ĐB Sùng A Lềnh (Lào Cai) đề nghị đưa vào dự thảo nghị quyết thời hạn thực hiện chính sách vì lo ngại trường hợp có quy định rồi nhưng hàng năm sau vẫn chưa thực hiện được...

Tin cùng chuyên mục