Nghệ nhân Si Nê (còn gọi là ông Ba Nê) ở xã Viên An, huyện Trần Đề, Sóc Trăng đã có gần 40 năm gắn bó với nhạc cụ và âm nhạc truyền thống dân tộc Khmer. Trong ngôi nhà tôn nhỏ và cũ kỹ nằm giữa làng quê ở ấp Bờ Đập, với nghững gì đã làm suốt hàng chục năm qua, ông Ba Nê đã được cộng đồng nơi đây triều mến gọi là “báu vật nhân văn sống” giữa đời thường.
Không đơn thuần là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống dân tộc Khmer, nghệ nhân Si Nê có công trong việc lưu giữ cổ nhạc, là người thầy của bao thế hệ nghệ sĩ ở Sóc Trăng. Đoàn nghệ thuật Chông Prêk của ông trước đây đã từng một thời nổi tiếng khắp vùng.
Nhiều nghệ nhân cao tuổi kể rằng, hồi đó, hễ nghe nhắc tới Đoàn nghệ thuật Chông Prêk là nhiều người tìm đến để thưởng thức ngón nghề của ông và để học nghề. Trong số học trò theo ông học nhạc, hơn nửa số đó bây giờ vẫn còn mưu sinh với nghề; góp phần giữ được hồn cốt của âm nhạc dân tộc Khmer.
Những loại nhạc cụ xưa được ông Ba Nê giữ gìn trong gian nhà của mình.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật nên ông đã bén duyên với nghệ thuật âm nhạc dân tộc Khmer từ lúc 18 tuổi. Ông Nê đã tìm tòi, học hỏi cách chơi các loại nhạc cụ, như: Cồng Pét-Kuông-Thôn; Rô-Niết-đek cho đến cây đàn Tà-khê, đàn Khưm; đàn thuyền Rô-Niết-ek, Rô-Niết-thung; trống Sakhô-somphô, Sakhô-thôm; kèn Srô-Lây và Srô-Lây-Thung...
Năm 43 tuổi, với niềm say mê, khát khao được đem nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer đến với nhiều người, nghệ nhân Si Nê quyết tâm lập đoàn nghệ thuật với số thành viên lên đến gần 50 người. Ông Sơn Hoàng Xinh, diễn viên Đoàn nghệ thuật Chông Prêk, cho biết: “Đoàn nghệ thuật do chú Si Nê thành lập, hàng năm thường đi biểu diễn những nơi vào những dịp lễ truyền thống của dân tộc như lễ dâng y, cầu an cho phum, sóc; lễ Đôlta; Chôl Chnăm Thmây hay lễ cưới hỏi, hạ thủy ghe Ngo. Không chỉ ở phum sóc địa phương, mà đoàn còn đi biểu diễn ở nhiều địa phương ngoài tỉnh khác”.
Đạo cụ biểu diễn nghệ thuật dù kê mà nghệ nhân Ba Nê lưu giữ suốt hàng chục năm qua.
Trong gian nhà đầy kỷ niệm, ông Nê vẫn luôn lưu giữ những bộ nhạc cụ quý giá của mình. Những bộ nhạc cụ đã đi theo ông suốt bao năm tháng, qua nhiều vùng quê, mang tiếng đàn, điệu nhạc đến cho đời thêm vui tươi. Có thể xem đây là “bảo tàng” thu nhỏ, là tài sản của gia đình mà hàng ngày ông vẫn rèn dạy cho thế hệ trẻ bây giờ cách sử dụng, giữ gìn. Trong bộ nhạc cụ cổ đó, có những nhạc cụ đã mòn theo thời gian. Mỗi lần nhớ nghề, ông lại bảo con cháu lấy ra, ngồi chơi lại những giai điệu bay bổng một thời.
Sau một thời gian hoạt động, đoàn nghệ thuật của ông phải giải thể vì thiếu kinh phí. Dù vậy, ông Si Nê không bao giờ từ bỏ đam mê nghệ thuật, ông tiếp tục thành lập đội nhạc cụ dân tộc và đội Xay dăm hoạt động cho đến ngày nay. Cả làng ai cũng nể ông Si Nê vì sự nhiệt tình, chỉ cần có người đến học là ông sẵn sàng chỉ dạy. Với nhạc cụ có sẵn, học viên chỉ cần đến học. Thấy vậy, ai cũng thương, cũng quý. Ngồi lặng lẽ bên số nhạc cụ, ông vừa trò chuyện vừa lau chùi những cây đàn cũ kỹ rồi bộc bạch: “Bây giờ niềm vui lớn nhất của tôi là có nhiều người biết chơi nhạc cụ, múa Xay dăm. Nếu con cháu bây giờ không quan tâm lưu giữ, chắc chắn nhạc cụ truyền thống Chông Prêk sẽ dần bị mai một.”
Cổ nhạc Khmer cần lắm những người như nghệ nhân Si Nê. Ông là niềm tự hào, là nguồn động viên để nhiều lớp trẻ hôm nay hướng tới. Tuy tuổi đã già, sức đã yếu, mắt không còn sáng tỏ như xưa, nhưng ông vẫn giữ kỹ từng loại nhạc cụ từ xưa của đoàn nghệ thuật mà mình đã dày công sáng lập, hoạt động một thời!
HẠNH NGUYỄN