
Trước ngày cưới, anh Tư Cái Bè lần đầu tiên xách xe gắn máy chở chị Tư lên chốn “phồn hoa đô hội” dạo chơi một bữa. “Eo ôi, thành phố phát triển đến là kinh hoàng! Người thành phố sao mà ăn mặc đẹp thế!” - anh Tư tròn mắt nói với chị Tư.
Vừa bước vào thành phố đã thấy bảng hiệu chớp đèn xanh đỏ tím vàng: “Nhiệt liệt chào mừng bạn tới thành phố văn minh đô thị!”, ngang qua mỗi con hẻm lại thấy “Khu phố văn hóa xuất sắc”... Lượn một vòng, đập vào mắt anh chị Tư đầu tiên là cái chuyện đi đứng của “người Sài Gòn”. Không ít quý ông cổ cồn, cà vạt, giày da bóng nhẩy; không ít thiếu phụ, mệnh phụ, thiếu nữ quần là áo lượt rất chi sang cả, nhưng cái “văn hóa đi đường” thì quả có... hơi bị ít.

Chạy một vòng, đột nhiên chị Tư... mắc toa-lét, bắt anh Tư đi kiếm một cái để chị “giải tỏa”. Chợt thấy bên đường một ông mặt mũi đỏ gay, có lẽ vừa bước ra từ quán nhậu, bước thấp bước cao tấp vô lề vội vã, hồn nhiên úp mặt vào gốc cây làm cái việc “không nói ra thì ai cũng biết”.
Đến một đoạn đường nghe nói đang thử nghiệm phân luồng, phân tuyến gì đó, bỗng dưng xe cộ kẹt cứng. Trời ơi, nắng nôi, khói bụi... Người, xe ở đâu mà ùn ùn kéo hết ra đường đông hơn đàn kiến. Chị Tư nép sau lưng anh Tư thở muốn hổng nổi. Anh Tư xót ruột quyết định tấp vào lề gửi xe máy, bắt xe buýt, tiếp tục hành trình du phố.
Thế nhưng vừa thoát khỏi cảnh chen chúc này, anh chị Tư lại dây vào cảnh bon chen khác. Có ngồi xe buýt mới thấy chả ai nhường ai, chả ai coi cái mạng của ai ra gì, mạnh ai nấy phóng vùn vụt, vun vút, đủ kiểu đi đứng của đủ các loại xe, mặc kệ anh bên cạnh ra sao, chị đằng trước thế nào, hễ đèn đỏ là lách, là chen, là lết từng tí một lên cái vạch trắng ở trên đầu, để hễ xanh một phát là nhắm mắt nhắm mũi kéo ga, nhả thắng lao vụt qua, chỉ khổ mấy người đi đứng ngay hàng thẳng lối.
Ấy là cái chuyện đi, đến trưa, chị Tư kêu đói bụng. Vừa tấp vào lề thì chao ôi, la liệt không phải hàng ăn mà là hàng... cò. Đàn “cò ăn” này hết mời mọc đến lôi kéo, trì níu, giằng xé... cho đến chừng nào khách bước hẳn vào quán mình mới thôi. Mà không chỉ một quán, suốt một quãng đường, cảnh chào mời cứ thế diễn ra làm nín thở, hú hồn không chỉ anh Tư chị Tư, mà cả một đám du khách nước ngoài cũng hoảng kinh, xí xô xí xào từ chối.
Rồi anh chị cũng qua bữa trưa một cách suông sẻ, trừ lúc... tính tiền. Ngó quần áo, giọng điệu cùng tướng tá lóng nga lóng ngóng, họ chắc mẩm đây là “Hai lúa”, nên dễ gì bỏ qua cơ hội chặt chém. Tuy nhiên, đã chấp nhận chơi phố, nên anh chị Tư cũng chuẩn bị sẵn rồi. Anh đã bán đến 5 giạ lúa, một con heo và cả một bầy vịt tơ chưa nhiễm cúm gia cầm.
Vừa ăn uống, anh chị Tư vừa tranh thủ ngó nghiêng cảnh “người, xe như nước, áo quần như nêm” trong mùi xào rán béo ngậy. Xong, lại một phen lóng ngóng vì chẳng biết đi đâu nghỉ trưa một chút. Ngang công viên, chị thụi lưng anh: “Mình ghé công viên văn hóa đi anh?”!
Cây xanh, bóng mát, thêm gió hiu hiu... Vậy nên dù giữa trưa nhưng công viên không hề vắng vẻ tí nào, trái lại vô cùng tấp nập, đông đúc. Dắt tay nhau dạo một vòng, anh chị được “tận mục sở thị” vô số “diễn viên” đang đóng đủ loại phim trên các ghế đá, nồng nàn, mê mải đến độ quên cả trời đất, người lớn và bọn trẻ xung quanh.
Thấy chị Tư cứ đỏ mặt từng chặp, anh Tư mau mắn níu tay chị kéo xuống... hồ nước, thuê một con vịt bầu đạp ra giữa hồ. Thế nhưng, nếu như trên bờ đang... quằn quại các cuộc chiến giữa các cặp đôi, thì dưới mặt nước, cụ thể hơn là trên mấy con vịt bầu, các cuộc đại chiến “cướp răng, cướp lợi, cướp đủ thứ...” cũng chẳng kém cạnh gì. Dù đã bị anh Tư mấy phen thò tay bịt mắt, nhưng chị Tư cũng kịp liếc dọc, và nhẩm tính: Trong hơn hai chục con vịt bầu thì có tới... hai con chở gia đình, trong đó mỗi con có một chú nhóc, nên chắc bố mẹ chúng không có cơ hội bận bịu rồi; một con chở anh Tư chị Tư, còn lại con nào cũng đang trong tình trạng “không bơi, không lặn mà rung dữ dội”.
Liếc qua một con đang chao đảo như gặp bão cấp 8, con vịt không những không bớt rung, mà còn vừa rung vừa vẳng ra tiếng... chửi thề. “Dòm gì, Hai lúa? Tớ mà xong thì chết cả nút nhé?”. “Ấm đầu à?” - một tiếng quát khác phát ra từ con vịt tuốt đàng xa. Khiếp quá, anh chị Tư vội khua mái chèo tức tốc lái con vịt vô duyên đi chỗ khác. “Nghe nói chợ tình chỉ có ở vùng cao, ai dè còn có cả trên mặt nước!” - anh Tư vừa cật lực chèo, vừa lầu bầu.
Lên bờ, chị Tư bị say nắng mặt mày xây xẩm, anh Tư tìm một cái ghế đá cho chị. Tìm mãi chẳng thấy cái ghế trống nào, bởi tất cả ghế nếu không là “phim trường”, thì cũng là cửa hàng bánh nước, tạp hóa. Mỗi ghế được “xí chỗ” bằng một ca trà đá hoặc vài gói xì-nách, vậy là nghiễm nhiên thành của riêng, ai muốn ngồi phải uống nước hoặc ăn xì-nách. Cuối cùng, anh chị Tư ngồi bệt xuống bãi cỏ “Hơi nắng một chút nhưng không bị ép nhai xì-nách, cũng không phải xem phim kinh dị!” - anh an ủi chị.
Ngồi được một lúc, anh chị Tư lại tiếp tục ngạc nhiên, lần này là một nhóm người tay cầm vỏ chai nước suối loay hoay tìm cho bằng được thùng rác để vứt. “Họ là dân Tây ba-lô đấy!” - anh Tư phấn khích giảng giải cho chị Tư. “Mình cũng có dân Việt ba-lô vậy!” - chị Tư liếc anh Tư.
Còn rất nhiều “những điều trông thấy” nữa trong suốt ngày dạo phố của anh chị Tư Cái Bè. Nhưng thôi xin để dịp khác vậy, kể dông dài hết ra đây e không... văn minh đô thị!
Ngân Hà ĐK