Một ngày trong “vương quốc những người cô độc nhất”

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cảm ơn thầy cô Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu
Một ngày trong “vương quốc những người cô độc nhất”

“Người mù là người cô độc nhất trên thế giới khi không thể nhìn thấy, không thể cảm nhận được vô số sự vật hiện hữu ở thế gian”, ông Louis Braille – cha đẻ của hệ thống chữ nổi dành cho người khiếm thị trong phút bi quan đã từng thốt lên nỗi lòng ai oán. 200 năm sau, ở TPHCM, ngôi trường khiếm thị lớn nhất miền Nam đã nuôi dạy trẻ thoát khỏi định kiến “người mù là gánh nặng xã hội”, những thế hệ học sinh của trường đã “nhìn” ánh sáng mặt trời như thế nào?

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cảm ơn thầy cô Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu

Trong lần được vinh dự diện kiến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, một HS khiếm thị miền Bắc đã bày tỏ niềm khát khao có đầy đủ bộ sách giáo khoa chữ nổi để học. Chủ tịch nước đã hứa sẽ tặng em sách, nhưng khi ấy, cả nước chưa có ai đủ sức để làm một công trình đồ sộ như thế.

Để giữ tròn lời hứa với người học trò mù hiếu học, Chủ tịch “đặt hàng” TPHCM. Tập thể GV Trường PTĐB đã làm việc ngày đêm, đến hè năm 2008, bộ SGK gồm 311 quyển, 11.000 trang chữ nổi và 600 trang hình được hoàn thành.

Chủ tịch nước đã có thư cảm ơn và khen ngợi tập thể nhà trường sáng tạo, vượt khó trong việc giúp HS khiếm thị học hòa nhập.

Bộ sách của trường cũng đã được kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận kỷ lục vào đầu năm 2009.

7 giờ sáng: Sân trường Phổ thông đặc biệt (PTĐB) Nguyễn Đình Chiểu (tọa lạc trên đường Nguyễn Chí Thanh TPHCM) tuy không đông đúc nhưng khá sống động với âm thanh phát ra từ “gậy dò đường” của những “tân binh”. Bài học đầu tiên của các em chính là học cách đi vào lớp học, leo cầu thang, đi vệ sinh… sao cho không “đụng” tường, không “đụng” bạn. Nếu như các em hớn hở với những trải nghiệm mới mẻ thì cha mẹ các em hồi hộp dõi mắt theo từng bước chân con trẻ.

9 giờ sáng: Trong khi nhiều HS lần lượt ra về thì hai chị em Phương và Trang vẫn hồn nhiên đùa giỡn, chơi rượt bắt nhau. Chị Tím, mẹ của hai cô trò nhỏ sinh đôi thoáng chau mày khi một trong hai đứa bị té dưới nền gạch. Chị nói: “Tụi nó quậy lắm, giỡn suốt ngày luôn. Song từ khi đưa hai đứa vào trường này cách đây một năm, lòng tôi mới có giây phút bình yên”. Hai vợ chồng chị đều là công nhân với mức lương khá khiêm tốn nhưng người vợ vẫn sẵn lòng nghỉ việc để hàng ngày đưa rước con đi đi – về về như “con thoi” giữa quận 12 và quận 10.

10 giờ sáng: Một vài PHHS lớp mẫu giáo gặp gỡ trực tiếp giáo viên để được tư vấn thêm về cách chăm sóc trẻ ở nhà sao cho đồng bộ với phương pháp giảng dạy ở trường. Bước ra cửa, mẹ của bé Phúc Hồng cười rạng rỡ, vì chỉ có mấy ngày đến trường, đứa con bị chứng đa tật (khiếm thị, thiểu năng vận động, tâm thần dạng nhẹ) của bà đã có nhiều đổi khác. Bé đã tự biết lấy và rót nước uống, mẹ chỉ cần dìu đỡ đi chứ không cần phải “vác lên vai” như trước.

11 giờ 30: Một cựu PHHS của Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu bước vào phòng của thầy Nguyễn Thanh Tâm, Hiệu trưởng trường, xin địa chỉ của bất kỳ trung tâm nào của TP có thể “trị” đứa con ngỗ nghịch của ông. Ông rầu rĩ than: “Nó đã 16 tuổi nhưng sống theo bản năng quá! Má nó hiện đang nằm bệnh viện vì bị nó đánh”. Thầy hiệu trưởng nhắc: “Ngày xưa, tôi đã nói với anh là đừng chiều cháu quá sẽ dễ khiến cháu hư. Anh thử đến Trung tâm Nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật để được tư vấn…”. Người cha cảm ơn thầy Tâm rồi lầm lũi bước ra sân, ngoài trời mưa lất phất bay.

Bộ sách giáo khoa chữ nổi do giáo viên Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu biên soạn đã nhận kỷ lục Guiness Việt Nam. Ảnh: D. D.

Bộ sách giáo khoa chữ nổi do giáo viên Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu biên soạn đã nhận kỷ lục Guiness Việt Nam. Ảnh: D. D.

12 giờ 15: Mưa như trút nước. Chiếc xe máy của ông Nguyễn Đình Thắng đỗ xịch sát mé phòng thầy Tâm. Trưa nào ông cũng chở con đến đây để nó đi cùng với bạn đến Trường THCS Hoàng Văn Thụ, quận 10 học hòa nhập. “Anh mới mua xe máy à?”, thầy hiệu trưởng hỏi thăm dường có ý chúc mừng. “Chiếc xe này là tôi mượn của người ta” – người đàn ông lam lũ trả lời. Thầy Tâm mời ông vào phòng ngồi nghỉ chờ mưa dứt. Vừa ngồi xuống ghế, ông nhắc lại câu chuyện ngày xưa: “Thằng Phụng con tôi tự dưng phát hiện bị ung thư một con mắt năm nó 3 tuổi, vậy là phải múc bỏ mắt đi. 6 tuổi, nó vào Trường Nguyễn Đình Chiểu học, nhờ công quý thầy cô dạy dỗ cho nó biết nhiều thứ, thậm chí nó còn dạy kèm toán cho đứa chị sáng mắt. Mấy năm trước, chứng ung thư di căn đến con mắt còn lại, tôi làm bảo vệ ở ga Hòa Hưng, má nó thất nghiệp nuôi đến 4 đứa con thì làm sao có tiền lo cho nó. May nhờ nhà trường lại dang tay giúp gia đình tôi lần nữa trong việc chữa trị cho cháu. Thằng con tôi bữa nay mập mạp, trắng trẻo, học giỏi, tuy mù mà không lòa, thiệt lòng gia đình tôi tri ân trường lắm!…”. Thầy hiệu trưởng hơi bối rối trước sự bày tỏ mộc mạc, chân tình. Ông ngắt lời vị PHHS: “Trường chỉ đứng ra vận động thôi, chứ lo cho Phụng là tấm lòng xã hội đó chứ! Ở trường này, nhiều HS có hoàn cảnh éo le cũng đã được các mạnh thường quân chở che, nâng đỡ”. Gần đến giờ đi học của con mà mưa vẫn giăng giăng đầy trời. “Mưa lớn quá nên tôi sẽ chở cả hai đứa đến trường. Thôi xin chào thầy nhe!”. Ông Thắng nhường chiếc áo mưa của mình cho bạn của con. Chiếc xe máy lao đi trong màn mưa.

Học sinh Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu khát khao con chữ học hòa nhập.

Học sinh Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu khát khao con chữ học hòa nhập.

14 giờ: 4 HS của trường đang lau rửa phòng nhạc cụ, chuẩn bị đón năm học mới. Các em lau chính xác từng góc bàn, khe cửa; thoăn thoắt leo cầu thang đổ nước, hứng nước khéo léo hơn cả người mắt sáng.

16 giờ: Nhiều bạn về quê chưa lên, trong căn phòng rộng trống trải, Hòa và Cường – hai HS thâm niên nhất với 12 năm gắn bó với trường - thấy lòng se thắt lại khi thời gian ở “ngôi nhà thứ 2” không còn được bao lâu. Thầy cô đã trang bị cho các em những giá trị sống, lòng tự tin để bước vào đời. HS đã gọi nhiều giáo viên bằng ba, má một cách không gượng ép, không chỉ vì “hễ có đồ ăn ngon, má Quỳnh đều dành phần cho trò; ban đêm ba Đức còn đến trường phụ đạo cho trò yếu”…

Tình thương yêu xuất phát từ trái tim đã đến được trái tim. Cuộc sống không phải ai cũng vì đồng tiền đặc biệt đúng ở Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu, khi mà thầy cô nào cũng hy sinh cho trò vì lý tưởng nghề nghiệp. Như là cô Nguyễn Thị Ngọc Hân, tổ trưởng chuyên môn và là giáo viên giỏi của quận 3, sau đúng 10 năm công tác ở trường tiểu học đã chuyển hẳn sang dạy ở trường mù, giữ tròn tâm niệm của mình. “Thầy cô đã cho chúng tôi một cuộc đời mới, chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy bất hạnh vì sự khiếm thị của mình, tuy rằng, xét ở “lợi thế so sánh”, chúng tôi sẽ không bằng người khác”, Hòa và Cường nói. “Nhưng nghịch cảnh thử sức người, một số anh chị học ở đây vẫn đậu ĐH, có việc làm ổn định, thậm chí có 6, 7 người còn được cấp học bổng du học Nhật, Mỹ”.

19 giờ đến 21 giờ: Giờ tự học mỗi ngày, Cường, Hòa và một số bạn “xem” lại đề cương bài giảng sáng nay. Không cần đèn đuốc thắp phòng mà trong lòng các bạn đang có những ngọn lửa thắp sáng những mơ ước và hy vọng khi hòa nhập với đời.

Trong những ước vọng thầm kín, những HS khiếm thị đều mong ước có được một khoảnh khắc sáng mắt để ngắm nhìn vẻ đẹp của cuộc sống như lúc “bình minh ló dạng” hay “hoàng hôn đỏ ối”. Tha thiết hơn nữa, có em mong một lần trong đời sáng mắt chỉ để nhìn lại khuôn mặt thân thuộc của cha mẹ đọng lại những nếp hằn sâu hơn xưa vì chăm lo cho con. Thỉnh thoảng, ước mơ “siêu thực” này lặng lẽ đến với các em trong những giấc mơ và rồi lắng lại thành niềm tin và hy vọng từ những công trình nghiên cứu khoa học và tiến bộ của y khoa. Tương lai bắt đầu bằng việc học hôm nay, nên đối với những HS trường Nguyễn Đình Chiểu, việc học không chỉ là nghĩa vụ mà còn để gửi gắm khát vọng.   

HỒNG LIÊN

Tin cùng chuyên mục