Một nước bầu, cả châu Âu nín thở

Luigi Zingales - Giáo sư ngành Tài chính Đại học Chicago, Mỹ, cho rằng đây là cuộc bầu cử kỳ lạ. Các cương lĩnh của nhiều đảng khác nhau rất kỳ dị.
Đại diện của 3 chính đảng trong cuộc bầu cử Quốc hội Italy 2018. Ảnh: Financial Times
Đại diện của 3 chính đảng trong cuộc bầu cử Quốc hội Italy 2018. Ảnh: Financial Times

Cử tri Italia ngày 4-3 đi bầu cử quốc hội nhiệm kỳ thứ 18 kể từ năm 1948, thời điểm Hiến pháp nước cộng hòa này được phê chuẩn. Theo Le Figaro, có hơn 46,5 triệu cử tri Italia đủ tư cách đi bỏ phiếu để bầu ra 630 hạ nghị sĩ và 315 thượng nghị sĩ tại hơn 61.500 điểm bầu cử trên khắp cả nước. Các kết quả kiểm phiếu chính thức sơ bộ đầu tiên có thể được công bố vào sáng 5-3.

Theo đánh giá chung, tình trạng phân rã chính trị hiện nay của các chính đảng ở Italia, cùng luật bầu cử mới rất phức tạp được quốc hội nước này thông qua hồi cuối tháng 10-2017 và một số lượng lớn cử tri vẫn còn do dự (khoảng 15%) hoặc không tham gia bỏ phiếu khiến kết quả cuộc bầu cử lần này đặc biệt khó dự đoán.

Các lực lượng chính trị chủ chốt ở Italia gồm liên minh cánh tả của cựu Thủ tướng Matteo Renzi, liên minh cánh hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi và đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) của ông Luigi Di Maio. Nhân vật có thế lực nhất sau bầu cử có lẽ là Silvio Berlusconi, 81 tuổi, tái xuất như là “nhà lãnh đạo khôn ngoan và đáng tin cậy” bất chấp bị kết án phạm tội gian lận thuế, điều ngăn cản ông nắm giữ bất kỳ chức vụ gì cho đến năm 2019.

Luigi Zingales - Giáo sư ngành Tài chính Đại học Chicago, Mỹ, cho rằng đây là cuộc bầu cử kỳ lạ. Các cương lĩnh của nhiều đảng khác nhau rất kỳ dị. Chúng hoặc là thần tượng hóa hoặc là đổ lỗi cho EU về tất cả các vấn đề của Italia, mà không hiểu rằng nền kinh tế Italia không thể vận hành bên ngoài thị trường châu Âu, nhưng cũng khó có thể tồn tại bên trong khu vực đồng euro. Niềm hy vọng duy nhất là một cuộc tái đàm phán các quy tắc giữa Italia và các đối tác châu Âu của họ. Nhưng không bên nào có kế hoạch về cách thức thực hiện nó. Phong trào 5 sao phản đối bộ máy chính quyền dường như là đảng duy nhất đặt vấn đề tham nhũng và thiếu vắng chế độ nhân tài trong xã hội Italia lên hàng đầu, tuy nhiên không đưa ra cách giải quyết.

Trên thực tế, dù thế nào thì điều này cũng là không thể, vì chính phủ hiện tại đã thay đổi luật bầu cử vào tháng 10-2017 để về cơ bản đòi hỏi bất kỳ chính phủ nào trong tương lai cũng phải là một liên minh giữa các đảng. Sự dàn xếp này trao cho các đảng đương nhiệm nhiều quyền lực hơn; vì đây là các đảng đã dung túng cho tất cả các vấn đề thường thấy của Italia, nên nó cũng gây nguy hiểm cho bất kỳ khả năng cải cách thực sự nào. Kết quả ra sao chưa rõ, có điều chắc chắn là cuộc bỏ phiếu cho thấy sự gia tăng rõ ràng của chủ nghĩa dân túy. 

Trong bối cảnh nước Đức đang loay hoay tìm lại chính mình, nước Anh đang rời đi thì điều mà EU cần nhất lúc này chắc chắn không phải là một Italia dân túy. Sự “cô đơn” của Italia, nước đồng sáng lập EU, khi nước này phải đối phó với hơn 600.000 người tị nạn từ năm 2013 đã phá vỡ sợi dây gắn bó của người dân nước này với châu Âu. Cần lưu ý rằng kết quả của cuộc bầu cử này cũng có thể tác động lên thị trường tài chính. Italia là nền kinh tế lớn thứ ba trong eurozone.

Bất kỳ cuộc khủng hoảng chính trị nào cũng sẽ tác động ngay lập tức lên tất cả các đối tác thông qua việc tăng lãi suất đột ngột. Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã bi quan mà thốt lên rằng châu Âu có lẽ sẽ chuẩn bị cho “kịch bản xấu nhất” sau cuộc bầu cử ở Italia.

Tin cùng chuyên mục