Vượt lên số phận
Ông Phan Văn Chánh kể, hơn 20 năm trước ông không nghề nghiệp, sống ở làng quê nghèo khổ, phải đi làm mía thuê khắp nơi. Trong lúc vận hành máy ép mía, không may cánh tay phải của ông đã bị cuốn vào máy gãy nát. Tương lai như sập tối trước mắt, mọi thứ bỗng chốc đảo lộn. “Từ lúc tai nạn, tôi gần như mất tất cả. Hai tay còn nghèo khổ, một tay thì biết làm gì, ai còn thuê mướn mình nữa. Mỗi khi nhìn vợ con nheo nhóc, lo nghĩ càng thêm chồng chất”, ông Chánh nhớ lại.
Với cánh tay trái còn lại, ông Chánh quyết tâm khắc phục khiếm khuyết của bản thân trong sinh hoạt cá nhân; cố tìm một công việc để có thu nhập nuôi sống gia đình. Hàng ngày, ông lân la đầu làng cuối xóm xem thử có việc gì phù hợp. Nhưng ở cái làng quê nghèo khổ này, để có một công việc dành cho người tật nguyền không dễ chút nào. Ông không nản lòng. Làng Hanh Đông có nhiều tre mọc dọc triền sông, ban đầu ông tập tành đóng bàn ghế bằng tre. Một tay ông cầm đục, còn vợ ông cầm dùi gỗ gõ đập. Hư lại sửa, vất vả trăm bề. Thế rồi bộ bàn ghế đầu tiên cũng ra đời, dù còn thô kệch nhưng với vợ chồng ông là niềm vui khôn tả.
Cứ thế, ngày qua ngày những bộ bàn ghế trở nên đẹp hơn, tinh xảo hơn. Khách hàng trong làng, trong xã bắt đầu tìm đến đặt mua. Tuy nhiên, bước ngoặt cuộc đời ông chỉ thật sự bắt đầu cách đây hơn 5 năm. Sau một trận lũ về, nước cuốn khiến trơ ra những gốc tre già. “Nhìn gốc tre sù sì nhiều hình dáng, tôi chợt nảy ra ý định: tại sao mình không dùng nó để làm những bộ bàn ghế, chắc sẽ rất đẹp và độc đáo. Vậy là tôi đi gom những gốc tre về phân loại, chọn lựa theo cặp cùng kiểu dáng, đồng thời hình dung ra những sản phẩm mới lạ sắp tới của mình”, ông Chánh kể.
Gốc tre già rất cứng, để chạm trổ ra hình, ra dáng với người tật nguyền như ông Chánh, vất vả gấp bội. Thời gian đầu, hai vợ chồng ông hì hục “đánh vật” với từng gốc tre đến trầy da, chảy máu. Sự kiên trì của ông Chánh cuối cùng cũng được đền đáp. Những bộ bàn ghế hình dáng độc, lạ lần lượt ra đời. Không chỉ vậy, sản phẩm từ gốc tre cũng ngày càng đa dạng hơn theo yêu cầu của khách, từ nôi, sạp, giường đến trang thờ, chõng… Vài năm gần đây, ông Chánh đã sắm được máy khoan, cắt nên đỡ vất vả hơn. “Tôi nghĩ âu cũng là cái duyên với nghề. Những sản phẩm của tôi không theo khuôn mẫu thiết kế gì cả. Ý tưởng cứ nảy sinh trong đầu và mình làm theo, vậy nên người khác nếu muốn học nghề cũng khó”, ông Chánh chia sẻ.
Làm giàu từ gốc tre
Danh tiếng đồn xa, sản phẩm của ông Chánh bắt đầu được khách hàng khắp nơi tìm đến. Có khách điện thoại hoặc đến tận nhà đặt hàng, cũng có người đặt hàng qua mạng Facebook, với ai ông cũng nhiệt tình tư vấn mẫu mã phù hợp. Nhìn những bộ bàn ghế làm ra được chuyển đi tận Hà Nội, hay vào tới TPHCM…, ông càng tự tin và tự hào hơn với tay nghề của mình. “Khó nhất là nguyên liệu. Gốc tre thì nhiều nhưng để tìm được cặp giống nhau, đối xứng nhau rất khó. Có khi cả trăm gốc chỉ chọn được vài cặp để làm đai trên ghế. Có những bộ bàn ghế khách hàng đặt giá cao mình cũng không dám nhận vì tìm không ra gốc tre như ý”, ông Chánh tâm sự.
Theo ông Chánh, gốc tre cứng, chắc nhất là từ tháng 11 đến tháng 12 âm lịch, cũng có thể qua đến tháng Giêng, tùy theo thời tiết. Vì thời điểm này tre chưa nhảy măng. Sau khi thu hoạch, tre phải được ngâm bùn khoảng 4 tháng nhằm chống mối mọt, sau đó phơi thật khô mới có thể sử dụng.
Bộ bàn ghế đầu tiên ông bán được 7 triệu đồng, tiếp theo là 10 triệu và đến nay giá cao nhất một bộ sản phẩm làm từ gốc tre ông Chánh bán giá khoảng 40 triệu đồng. Bây giờ, mỗi bộ sản phẩm từ gốc tre, ông bán cho khách hàng giá không dưới 5 triệu đồng. Đơn cử, nôi em bé giá khoảng 6 - 7 triệu đồng; một bộ bàn ghế làm từ gốc tre (9 món) giá khoảng 40 triệu (gồm 4 ghế đơn vuông, 1 ghế dài, 1 bàn dài, 1 bàn vuông, 2 đôn hai đầu) thời gian làm 45 ngày; giường giá 7 - 8 triệu đồng, thời gian hoàn thành 1 tuần.
“Trung bình mỗi ngày làm việc tôi kiếm được 1 triệu đồng, thu nhập bình quân 1 năm khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng chỉ nhận đặt hàng gia dụng cho gia đình, vì hàng này giá thành cao, số lượng ít. Đối với những đơn vị đặt hàng số lượng nhiều thì đành chịu vì nguồn nguyên liệu không đáp ứng đủ, hơn nữa, nếu đòi hỏi nhanh và gấp thì không thể, vì vậy số lượng sản phẩm làm ra rất hạn chế, mỗi năm cũng chỉ làm được khoảng 6 - 7 bộ thôi”, ông Chánh cho biết.
So với nhiều ngành nghề và nhiều người, có thể mức thu nhập trên không lớn, nhưng với một người tật nguyền như ông Phan Văn Chánh, sống nơi vùng quê heo hút, số tiền đó không hề nhỏ. Nhờ gốc tre, ông không chỉ nuôi được gia đình, dựng vợ, gả chồng cho các con, cuộc sống cũng trở nên khá giả hơn. Hiện ông đang xây mới 1 ngôi nhà khang trang trị giá hàng tỷ đồng cũng nhờ từ gốc tre. Không chỉ thế, ông Chánh còn san sẻ nỗi cơ cực của người dân xung quanh bằng cách quyên góp lương thực hỗ trợ người dân trong vùng khi có bão lũ.