Ở Quảng Châu đã 3 ngày, nhưng tôi vẫn chưa dám viết gì về nơi này, bởi cảm nhận của mình chưa đủ, cũng như chưa có nhiều thời gian đi đó đây để có thể hiểu hết về thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) này. Tuy nhiên, thành phố rộng đến 7.400 cây số vuông và có đến hơn 20 triệu dân (đông gần gấp 3 dân số TPHCM) dù vẫn còn khá xa lạ với chúng tôi, nhưng chí ít, nó vẫn lắng trong tôi những nét rất riêng…
Ban ngày, cầu cảng ở bến sông với vô số tàu bè tấp nập, nhưng khi đêm về, sông Châu bỗng như một thiếu nữ được trang điểm lộng lẫy và có phần hơi diêm dúa với rực rỡ đèn hoa sáng rực. Đặc biệt, những chiếc cầu nối liền 2 bờ Châu Giang được xem như những điểm nhấn ấn tượng của Quảng Châu khi đêm về, với hàng ngàn ngọn đèn tỏa sáng các kiểu, khiến những cây cầu vừa lung linh rực rỡ, nhưng cũng khiến người ta có cảm giác khá huyền bí. Chính vì thế, về đêm, những cây cầu và các con đường dọc đôi bờ Châu Giang luôn thu hút đông đảo du khách và các bác phó nháy “nửa mùa” đến sáng tác ảnh, hay những đôi tình nhân quần là áo lượt khoác vai nhau tình tứ dạo trên phố đông trong cái gió heo may se lạnh…
o0o
Ngoài dòng Châu Giang, với tôi, thành phố Quảng Châu còn thu hút bởi rất nhiều trung tâm mua sắm to vật vã đủ mọi cấp độ, từ thượng vàng cho đến hạ cám. Về kinh doanh hàng hóa, nếu Quảng Châu đứng thứ nhì, có lẽ khó thành phố nào ở Trung Quốc dám giành ngôi thứ nhất.
Ở đây, bạn có thể thấy việc mua bán diễn ra tấp nập với đủ loại hàng hóa, nhãn hiệu lẫn chủng loại. Muốn tìm những sản phẩm cao cấp đến từ các trung tâm thời trang nổi tiếng thế giới như Milan (Italia), Paris (Pháp), New York (Mỹ)… ở đây đều có cả. Tuy nhiên, khi bước ra các cửa hiệu và các phố chợ nằm xung quanh những siêu thị bán hàng thời trang cao cấp, bạn phải bình tĩnh và đừng ngất xỉu nếu “tình cờ” nhìn thấy bộ quần áo, đôi giày, túi xách, chiếc đồng hồ, thậm chí là chai nước hoa… mà bạn vừa mua, tất cả đều có mặt và bày bán nhan nhan nhản tại nơi đây, và giá chỉ bằng 2/3, thậm chí là 1/3.
Tuy nhiên, bạn yên tâm, tất cả chúng đều là hàng nhái. Vậy nhưng, ở đây “hàng nhái cũng có giá của hàng nhái”. Nếu nhái giống đến 90%, thậm chí là 100% so với sản phẩm chính hãng thì giá rất cao, sau đó cứ giảm dần theo độ giống lẫn chất lượng của sản phẩm. Một người bạn của tôi, sau khi mua đôi giày Armani ở cửa hiệu chính hãng trong siêu thị, nhưng khi nhìn các đôi giày cùng nhãn hiệu đang trưng bày trên các sạp hàng trong khu chợ trời ở đường Bắc Kinh, anh bỗng dưng lo lắng vì chẳng biết là đôi giày mình vừa mua có là hàng nhái hay không (!?).
o0o
Trong lá thư trước, tôi có kể chuyện một số người đã nói cho tôi biết Quảng Châu là nơi tập trung buôn bán rất đông của những người Việt, và ở đây, tôi đã “tận mục sở thị”. Thậm chí, người viết có một thằng em mà bình thường ở Sài Gòn rất hiếm khi gặp, nhưng lại gặp nó ở Quảng Châu khi đang “đánh” hàng giày dép về nhà chuẩn bị bán vào dịp Noel và năm mới sắp tới. Tuy nhiên, chuyện người Việt Nam mình buôn bán ở Quảng Châu ra sao, và việc mua bán thế nào, có lẽ tôi sẽ kể vào một lá thư khác, khi có dịp đi tìm hiểu nhiều hơn vấn đề này. Thế nhưng, khách sạn Dong Chen mà tôi ở, có thể nói cũng là một trong những địa điểm “đóng quân” của những thương buôn người Việt, đặc biệt là khu vực phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng… Thậm chí, những quán ăn xung quanh đây còn có cả thực đơn ghi tiếng Việt, dù từ cô nhân viên cho đến ông chủ quán, đố có nói được nửa câu tiếng Việt hay tiếng Anh nào cho ra hồn.
Việc bán buôn diễn ra tấp nập suốt ngày đêm, khiến tôi có cảm giác Quảng Châu như một cái chợ khổng lồ. Và không khí Asian Games 16 dù đang tràn ngập khắp nơi đây, nhưng xem ra người dân cũng chẳng mấy bận tâm về “cái đại hội thể thao, thể thiết gì đấy…”, như lời của họ, vì “kiếm tiền mới là điều quan trọng nhất”. Điều đó, một phần có lẽ là do làng Asian Games và các địa điểm thi đấu nằm rải rác quá xa trung tâm, đồng thời an ninh quá gắt gao, khiến sự quan tâm của dân chúng không nhiều lắm. Tuy nhiên, những ngày tới khi đại hội chính thức khai mạc, sự chú ý của mọi người sẽ nhiều hơn chăng?
Hy vọng thế!
ĐỖ TUẤN