Mùa trăng, mùa đi sim của các chàng trai, cô gái người Pacôh ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã kém phần lãng mạn bởi vắng tiếng nhạc, lời hát.
Kèn amam không thổi một người
Mười chín giờ, Lê Văn Trung, chàng trai 18 tuổi ở thôn Tà Rụt 1, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, thay đôi pin mới cho cái đèn để bắt đầu một tối đi sim. Điểm đến của Trung là nhà cô gái Hồ Thị Ngơi, 13 tuổi, ở cuối thôn. Quen nhau đã gần hai năm nhưng tối nay cũng như bao đêm trước, câu chuyện của Ngơi và Trung vẫn chỉ quẩn quanh hết trời trăng mây nước đến chuyện lớp, chuyện nhà. Là bởi Trung chỉ biết đánh đàn piano, không biết chơi nhạc cụ truyền thống nào nên khi Ngơi cất giọng hát thì không có gì hòa điệu.
Hỏi chuyện đi sim của người Pacôh, anh Kray Sức, cán bộ văn hóa của UBND xã Tà Rụt, buồn bã: “Thanh niên bây giờ không còn biết đàn, hát nên những buổi đi sim toàn chỉ nói chuyện suông, mất hết vẻ lãng mạn”. Thật vậy, cứ nhắm chỗ nào có ánh đèn pin loang loáng là tôi bám theo, nhưng đi đến tận 23 giờ, mỏi nhừ chân mà vẫn chưa thấy cặp nào trai đàn, gái hát hoặc nam nữ hát đối đáp như lời kể của các già làng về mùa đi sim! Tôi đành thất thểu về nhà chị Hồ Thị Bụi, cán bộ phụ nữ xã, chị Bụi hăng hái dẫn tôi “đến nhà một anh biết đi sim kiểu xưa”.
Đến một căn nhà sàn ở đầu thôn, tôi mừng như bắt được vàng khi thấy một cảnh tượng đẹp như mơ: một người đàn ông đang đánh đàn cho vợ và hai con nghe. Vừa nghe chị Bụi giới thiệu: “Anh Hoàng ở Sài Gòn ra, muốn nghe chuyện đi sim”, anh Hồ Văn Hóa cười tươi tắn khoe ngay: “Đi sim phải biết đàn, biết hát. Tôi nhiều tuổi rồi nhưng thổi sáo được, thổi khèn được, đánh đàn được nên cô ấy thích. Thế là tôi lấy được vợ trẻ hơn mình đến 14 tuổi”. Nghe thế, chị Hồ Thị Vân, vợ anh, phụ họa bằng nụ cười bẽn lẽn nhưng vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc. Anh Hóa năm nay 44 tuổi, chị Vân 30 tuổi và đã có hai con, một 9 tuổi, một 8 tuổi.
Anh Hóa bảo theo phong tục của người Pacôh, khi đôi nam, nữ đã phải lòng nhau, chàng trai phải đến nhà đưa lễ vật cho bố mẹ cô gái để xin cho cô đi chơi với mình. Thời cha ông, chàng trai đưa bằng bạc, thời hiện đại thì đưa bằng tiền. Ngày đến chơi nhà chị Vân, anh đưa hẳn 200.000 đồng làm quà. Sau lần ra mắt, tối tối tầm 22 giờ, anh Hóa mang theo sáo, đàn tư lư, đàn apel, khèn… (đi sim chơi nhạc cụ gì cũng được, không câu nệ, nhưng đặc trưng nhất là đàn apel) đến nhà chị Vân. Họ thường đi xa làng: ra bãi cát, bìa rừng, bờ suối… đàn, hát đối đáp, tâm sự để không gây ồn ào cho mọi người mà cũng là để có không gian riêng tư. Họ lấy lá khô rải làm chiếu ngồi bên nhau dưới ánh trăng tâm sự, đánh đàn, thổi sáo, thổi khèn, hát bằng tiếng Pacôh, tiếng phổ thông những điệu hát giao duyên như cha chấp, oát, xa nớt... thâu đêm. Sau ba năm với biết bao đêm đi sim lãng mạn như thế, năm 2000, anh chị cưới nhau. Và nay, đối mặt với biết bao khó khăn của cuộc sống, tình yêu của anh chị vẫn đằm thắm như thuở nào. Chiều chiều, tối tối, sau một ngày lao động nặng nhọc, anh thường ngồi bên cầu thang đàn, hát cho vợ con nghe.
Chỉ còn đi sim suông...
Anh Kray Sức rủ tôi đến nhà ông Mai Sen, người biết chơi 12 loại nhạc cụ dân tộc. Giữa rừng chiều, một ông lão ngồi trên cầu thang nhà sàn đang chơi đàn mpreêh hòa điệu cùng tiếng gió thổi, suối reo, chim vỗ cánh về tổ… Ông Mai Sen, 70 tuổi, được bầu làm già làng thôn KHep, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị từ 6 năm qua. Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn chăm sóc trang trại rộng hơn 100ha, thu nhập trung bình từ 40 - 50 triệu đồng/năm. Rất mong muốn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Pacôh của mình, ông lưu giữ hàng chục loại nhạc cụ gồm bộ tale (chiêng) sáu chiếc theo kích cỡ, cùng (cồng), ciên (khèn bè), đàn mpreh, sáo tiơre…
Ông Mai Sen cắt nghĩa: “Đi sim tiếng Pacôh là pốq (pô): đi, xu: chòi. Xưa kia làng phát rẫy ở tập trung một khu vực, đêm đêm mùa cây trái đơm hoa kết quả, dân làng mỗi nhà đều cử một người thanh niên ra ngủ ở chòi để canh giữ hoa màu. Chòi dựng ở trung tâm rẫy, tối tối các cô gái, chàng trai rủ nhau tụ tập ngủ chung vừa đỡ sợ vừa cho vui. Chòi nào cũng có ít nhất một cây đàn mpreh, lá thuốc... Tối tối, đám con trai rời chòi của mình đến chòi của đám con gái, họ đứng dưới chòi đàn, hát, các cô gái ưng thì mời lên chòi trò chuyện, hát giao duyên hoặc rủ nhau ra bờ suối, bãi cát, bìa rừng trò chuyện, đàn hát. Giữa cảnh núi rừng thơ mộng, họ trao cho nhau lời tỏ tình bằng những điệu hát dân ca lằm, tà oái ngọt ngào. Dần dần, trai gái không ngủ ở chòi canh rẫy nữa thì chàng trai đến nhà cô gái rủ đi sim. Nhưng thủ tục thì vẫn phải đúng như xưa”.
Đi sim, luật lệ đầu tiên mà các chàng trai phải thuộc là không được ép buộc người con gái, không được tranh người yêu và phải nhường người đến trước. Khi đã phải lòng nhau, nếu không ngủ ở nhà xu, đôi trai gái có thể rủ nhau ra rừng ngủ. Cô gái mang theo một cái chăn, một cái gối, ra rừng họ bẻ lá khô lót làm chiếu. Đến sáng, cô gái phải dậy sớm để về lấy nước, đâm lúa, bẻ bắp… cho gia đình. Đi sim chỉ được tâm sự, nếu quan hệ tình dục sẽ bị xử phạt theo luật tục: một con trâu, bảy con gà, bảy chai rượu, một thúng gạo nếp.
Làng Tà Rụt gồm bốn thôn: Tà Rụt 1, Tà Rụt 2, Tà Rụt 3 và Apul thuộc xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, có 402 hộ, 1.852 nhân khẩu người dân tộc Pacôh. Làng có hơn 30 nghệ nhân văn nghệ dân gian làm nòng cốt cho các đội văn nghệ của đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội người cao tuổi. Các đội thường xuyên tập luyện các điệu hát ru, hát đối đáp, đánh chiêng, thổi khèn, đánh đàn mpreêh… để giải trí, biểu diễn trong các dịp lễ hội, bảo tồn bản sắc dân tộc. Thế nhưng những hạt nhân văn nghệ ấy cũng toàn tuổi từ trung niên trở lên. Còn thanh niên nam nữ bây giờ chỉ thích nhạc mới, không ai đến học văn nghệ truyền thống để mà truyền dạy. Ông Mai Sen buồn thiu bảo chiều nào cũng ngồi trên hiên nhà làm, chơi nhạc cụ truyền thống. Nhà ông ở ngay mặt đường nhựa, thanh niên nam nữ đi qua nườm nượp nhưng không thấy ai vào xem, học hỏi. Anh Kray Sức góp chuyện: những dịp xã, huyện, tỉnh tổ chức các hội diễn văn nghệ truyền thống, anh đi vận động đến rã chân, mỏi miệng mà cũng không được nam, nữ thanh niên nào tham gia.
Suốt một tuần trăng lang thang ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, tôi chỉ toàn gặp trai, gái đi sim suông. Cảnh núi, tình rừng bớt hẳn vẻ lãng mạn!
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG