
Đã 10 năm nay, hàng chục hộ dân ấp Minh Tân, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước phải sống trong một khu vực mà… sờ đâu cũng thấy điện! Nhưng oái oăm, cũng đã ngót chục năm những lá đơn cầu cứu của họ đến cơ quan chức năng vẫn “bặt vô âm tín!”
- Sờ đâu cũng bị... giựt!
Nhóm phóng viên chúng tôi đến ấp Minh Tân, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, một trong nhiều khu dân cư nằm dưới đường dây điện 500KV Bắc–Nam - vào một ngày mùa khô bình thường. Thế nhưng khác với nhiều nơi tương tự, dù đường dây điện cách mặt đất dễ đến vài chục mét, từ xa, không ít người dân đã cảnh báo: “Các anh phải cẩn thận khi đụng vào các đồ kim loại”.

Chị Thủy bên chiếc tivi trắng xóa màn hình.
Quả không sai, vừa bước đến căn nhà của chị Bùi Thị Thủy - một trong nhiều hộ gia đình sống dưới hành lang đường dây 500KV ở ấp Minh Tân này, chúng tôi đột ngột cảm thấy tức ngực, khó thở hơn bình thường! Dưới ánh nắng phừng phực đang đốt cháy cây cỏ chung quanh thành một màu xám bạc, chị Thủy chỉ tay hướng mắt chúng tôi vào cái máng xối nước bằng thiếc trên mái nhà: “Chỉ cần đụng vào đó là… chín phần chết một phần sống!”. Nói rồi chị vào nhà cúp cầu giao điện, lấy bút điện cắm vào ổ cắm, những… chuyện lạ Việt Nam xuất hiện: bút thử điện cháy sáng!
Chị cho biết, ban đêm, dù đã tắt điện, bóng đèn vẫn sáng, tuy yếu hơn bình thường. Còn đồ điện tử như ti vi luôn luôn bị nhiễu, khi bắt được sóng truyền hình cũng thường xuất hiện đường sọc chạy loằng ngoằng. Chị chạy vào trong phòng mang ra chiếc radio bám đầy bụi bặm và mạng nhện, bảo: “Mua được 3 năm rồi, nhưng phải bỏ xó, vì rè, không thể bắt được sóng!”. Không chỉ đồ điện tử và vật dụng, đã 10 năm nay, 2 đứa con của chị, đã 14-15 tuổi, nhưng ốm tong ốm teo, dặt dẹo như cây củi khô.
Chúng tôi bước sang căn nhà bỏ hoang bên cạnh nhà chị Thủy. Chủ nhân của nó là ông Nguyễn Văn Đi. Dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, ông Đi chỉ tay vào bụi chuối biến dị: cây khô đét, lá cháy sém, quăn queo. Oâng nhổ lên một gốc khoai mì: củ không thẳng, suôn bình thường mà dặt dẹo như… ruột ngựa! “Các anh không hình dung được đâu, trước đây 3 năm, dù ăn uống bình thường nhưng cứ mỗi ngày tôi một gầy đi đến mức chỉ còn 46kg, người bứt rứt khó chịu. Từ ngày tôi quyết định dời đi nơi khác thì sức khỏe đã đỡ hơn, tăng được 5 ký lô!”, ông Đi nói. Ông còn cho biết, cách đây không lâu, đàn heo của một hộ gần đó, sinh ra bị dị tật giống như nhiễm chất độc da cam: móng cụp xuống, chỉ đi “cà nhắc” được vài bước lại nằm “uỵch” xuống…
Đi dọc ấp Minh Tân, chúng tôi đều bắt gặp những trường hợp, cảnh ngộ tương tự gia đình chị Thủy, ông Đi. Nhiều người dù vô cùng nghèo khó, nhưng đã phải treo biển bán nhà để đi nơi khác. “Nhưng mà chẳng ai mua khi biết ở đây bị phóng điện các anh ạ, dù giá bán chỉ bằng 1/3, 1/4 giá thị trường”, anh Cao Văn Sanh, một hộ dân trong xóm than thở.
- Ngành điện không có trách nhiệm?

Cả chục năm nay, người dân ấp Minh Tân “ăn không ngon ngủ không yên” dưới dòng điện này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực ra từ năm 1995, khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng này, Công ty Truyền tải điện 4 đã cử một đoàn công tác về địa phương xác minh.
Qua thực nghiệm bằng phương pháp dùng đồng hồ VAC nối một đầu dây vào máng xối, đầu còn lại cắm xuống đất, đã đưa ra kết quả… giật mình: kim đồng hồ chỉ độ nhiễm điện dao động từ 80V đến 100V! Kết quả này đã buộc cơ quan chức năng phải thừa nhận sức khỏe người dân và môi trường bị ảnh hưởng bởi đường dây điện 500Kv trong khu vực ven hành lang an toàn, thuộc các quãng trụ 3222 – 3224.
Sau khi thực nghiệm, kết quả này đã được chính lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 4 xác nhận bằng văn bản: “Sau khi đo đạc, đoàn nhận thấy dù tất cả các nhà trên đều nằm ngoài hành lang an toàn hơn 7 mét và khoảng cách theo chiều bất kỳ từ dây dẫn đến phần nhô ra của ngôi nhà là hơn 10 mét nhưng đều bị nhiễm điện”. Từ đây, Công ty Truyền tải điện 4 đã đề nghị
Tổng Công ty Điện lực Việt Nam xem xét đến vấn đề “bảo đảm an toàn sức khỏe, sinh hoạt của người dân trong khu vực”.
Thế nhưng, theo phản ánh của người dân, trên thực tế từ khi thực nghiệm năm 1995 đến nay, ngành điện chỉ “bảo đảm an toàn sức khỏe” cho người dân bằng một động thái duy nhất là cử người đến chỉ cách cho dân… “hạn chế nguy cơ bị điện giật”! Cụ thể, tại các máng xối, đầu ăngten tivi, ngành điện cho đấu nối đầu dây dẫn xuống đất để giảm nguy cơ phóng điện. Còn toàn bộ những ảnh hưởng khác đến sức khỏe người dân, cây trồng vật nuôi… thì ngành điện… làm lơ!
Trong khi đó, khi trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Văn Chuân – Phó Chủ tịch HĐND huyện Đồng Phú khẳng định: “Với từ trường dòng điện siêu cao áp ở mức 500KV, thì chắc chắn hiện tượng phóng điện ở khu vực này ảnh hưởng đến sức khỏe người dân!”.
Theo ông, từ kết quả thực nghiệm thực tế, độ an toàn nơi đường điện đi qua có thể bảo đảm cho những khu vực trồng cây lâu năm ngoài hành lang 15 mét mỗi bên. Còn tại các khu đông dân cư, hành lang này vào khoảng 20–25 mét mỗi bên. Tuy nhiên cũng theo ông Chuân thì rất khó giải quyết chính sách xã hội cho họ. “Hiện nay HĐND huyện chỉ có thể tiếp nhận ý kiến rồi chuyển đến lãnh đạo tỉnh và Công ty Truyền tải điện 4, mặt khác tăng cường giải thích về tác hại của việc phóng điện và khuyên nhủ bà con không nên sinh sống gần đó”, ông Chuân nói.
Đã 10 năm trôi qua kể từ khi ngành điện lực xác định tác hại của dòng điện đến cuộc sống người dân ấp Minh Tân. Từ đó đến nay, người dân vẫn tiếp tục gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng. Thế nhưng bao giờ thì ngành điện mới thật sự đồng cảm và có trách nhiệm với nỗi khổ của người dân?
PHẠM TRƯỜNG