
Giữa bàn tiệc vui vẻ của đám bạn hữu lâu ngày mới gặp, anh bạn Nguyễn Đình Bình nhất định không chịu chấm thịt gà với đĩa muối tinh trắng mịn của nhà hàng đưa lên mà lỏn lẻn cười rồi lấy trong ca-táp ra một gói muối, anh bảo đấy mới là muối sạch và mời mọi người nếm thử...
Biết tài marketing của vị Giám đốc Công ty Muối Thanh Hóa - đơn vị tiêu biểu của Tổng Công ty Muối Việt Nam - đã lâu nhưng tôi vẫn ngỡ ngàng với chiêu tiếp thị độc đáo ấy. Sau bữa tiệc, tôi tức tốc theo chân Bình về miền muối sạch.
Một thời muối đắng
Chúng tôi về xã Hải Châu huyện Tĩnh Gia Thanh Hóa nhằm đúng buổi trưa nắng như đổ lửa. Đúng là một vùng đặc trưng của nghề muối: khắp đường đi lối lại đều phủ màu trắng xóa và nhớp nháp nước muối. Gió lồng lộng thổi về từ phía biển nhưng thay vì mang theo sự mát mẻ, lại hầm người ta nóng ran thêm bởi hơi muối mặn mòi làm da dẻ khô rát.
Trên cánh đồng bát ngát với hai màu nâu (của cát) và trắng (của muối) là hàng trăm diêm dân đang đánh vật với trời: người hì hụi chở, tải cát trên sân phơi; kẻ miệt mài cào, xúc những hạt muối trắng xóa. Mồ hôi tắm ướt sũng những bộ quần áo bạc màu và ròng ròng tuôn trên những khuôn mặt sạm đen vì nắng gió.
Kỹ sư Lê Hữu Thắng, cán bộ Phòng Kế hoạch-Sản xuất, Công ty Muối Thanh Hóa quả là người tinh tế bởi trước khi đưa chúng tôi đi thăm mô hình sản xuất muối sạch, anh bắt mọi người đến “mục tại sở thị” quy trình làm muối truyền thống “để dễ bề đối chứng”.

Cán bộ kỹ thuật của Công ty Muối Thanh Hóa cùng nông dân đo nồng độ nước chạt (nước biển đã lóng qua cát, nước này được phơi để lấy muối).
Làm muối là nghề cơ cực, nhưng diêm dân ở nơi khác vất vả một thì các đồng nghiệp xứ Thanh lao tâm khổ tứ gấp bội. Bởi lẽ khí hậu ở đây không phù hợp: thời tiết phân bốn mùa rõ rệt (chứ không chỉ có 2 mùa mưa và nắng như các tỉnh miền trong), lại mưa nhiều, nắng yếu làm nước chậm bốc hơi, đã thế nước biển lại nhạt.
Nhưng làm muối là nghề tổ, là kế sinh nhai nên bao đời nay người dân nơi đây vẫn “Đời ông cho chí đời cha/Có một xe cát, xe ra, xe vào”.
Theo nghiên cứu từ phương pháp sản xuất muối truyền thống, hàng ngày, mỗi diêm dân phải làm việc quần quật từ 10-12 giờ ngoài trời trong điều kiện nắng nóng nhất; phải vận chuyển trung bình 4 tấn cát và nước.
Vậy mà thành quả lao động lại chẳng bõ bèn gì: những năm được giá, 1kg muối cũng chỉ dao động từ 400-450 đồng; mấy năm gần đây, giá muối rớt thê thảm xuống chỉ còn 250-290 đồng/kg, thậm chí có nơi chỉ còn 200 đồng/kg.
Tôi ngồi tính chi li thì thấy rằng: Thanh Hóa có 338,5ha đồng muối, có tổng số 8.400 diêm dân. Với năng suất lao động đạt 6-7 tấn/năm, trừ chi phí, giá thành đạt mức cao nhất là 380.000-420.000 đồng/tấn thì thu nhập bình quân đầu người cũng chỉ đạt 50.000-60.000 đồng/tháng, một con số ít ỏi đến khó tin. Không thu lợi được từ nghề, diêm dân đành bỏ cho toàn bộ hệ thống ô nề, kênh mương dẫn nước biển vào cánh đồng muối... mặc sức mà xuống cấp. Đời sống của diêm dân bội phần chua xót.
Lọc sạch mồ hôi
Cùng với nỗi đắng cay của nghề muối xứ Thanh, công ăn việc làm của 300 cán bộ công nhân viên Công ty Muối Thanh Hóa cũng luôn chao đảo. Là giám đốc, cũng đi từ diêm dân mà lên nên Nguyễn Đình Bình rất đau về điều ấy. “Muối là ngành vĩnh hằng, là vàng trắng; không lẽ mình đang ngồi trên đống vàng mà lại cam tâm chết đói?”. Bao nhiêu lần trăn trở, bấy nhiêu lần tự vấn như thế cuối cùng cũng giúp ông giám đốc thấy ánh sáng cuối đường hầm: đưa khoa học kỹ thuật vào để “lọc sạch mồ hôi” của diêm dân.
Nghĩ là làm, một mặt, anh chia sẻ ý tưởng và kêu gọi cả tập thể công ty cùng vào cuộc; mặt khác, anh săng sái chạy đi gõ cửa hết trung tâm khoa học này đến viện nghiên cứu nọ... Rồi công sức và tâm huyết của anh đã được đền đáp khi đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất muối sạch đi đôi với việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế xã hội nông thôn vùng muối” được đưa vào ứng dụng từ đầu năm 2002.
Mô hình này được khởi đầu ở thôn Yên Châu xã Hải Châu huyện Tĩnh Gia với 30 hộ dân. Kỹ sư Lê Hữu Thắng nhớ lại: Ban đầu, do đã quen với lối làm ăn được chăng hay chớ vốn đã bám rễ bao đời, cộng thêm tâm lý ngại thay đổi do sợ rủi ro nên nhiều hộ gia đình rất dửng dưng với cách làm muối sạch. Khó khăn đầu tiên là các hộ ngại làm thêm một số thao tác phụ phải tốn thêm từ 1 đến
1 giờ 30 phút so với quy trình làm muối thô. Thế nên các cán bộ kỹ thuật của công ty phải cần mẫn phân tích thiệt hơn biết bao nhiêu lần, diêm dân mới quen được với việc rất đơn giản là nạo muối xong thì phải rửa ô nề thật sạch rồi lại phải lau cho bằng khô thì mới được tiến hành lần phơi muối tiếp theo.
Vướng mắc kế tiếp là bà con sợ phải đầu tư vốn (chi phí vật liệu phụ tăng thêm 20.000 đồng/tấn) nhưng rồi chuyện này mau chóng được tháo gỡ khi công ty bạo tay cho mỗi hộ vay 1 triệu đồng (không tính lãi) để nâng cấp thiết bị nội đồng, lại cử cả cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn; và quan trọng nhất là công ty quyết định ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con với giá 800 đồng/kg muối loại 1 (cao gấp 2-3 lần muối sản xuất theo phương pháp thông thường).
Được bảo đảm quyền lợi nên diêm dân háo hức nhập cuộc. Từ 6ha thí điểm, đến nay tổng diện tích sản xuất muối sạch ở Thanh Hóa đã lên tới trên 30ha với sự tham gia của 9 hợp tác xã và công ty cổ phần cùng 400 hộ dân.
Lau vội những dòng mồ hôi tuôn chảy trên khuôn mặt dãi dầu sương gió, ông Vũ Khắc Cả ở thôn Yên Châu xã Hải Châu huyện Tĩnh Gia cười rạng rỡ khoe: “Gia đình tôi nhận làm một đơn vị diện tích muối (1.000m2). Tôi cũng như các hộ gia đình tham gia làm muối sạch đều được công ty đầu tư tiền nâng cấp thiết bị, có cán bộ kỹ thuật tận tình hướng dẫn từng ly từng tý, mỗi ngày gia đình tôi làm được 6 bao muối (50kg/bao).
Cuối ngày, giao muối là có tiền bỏ túi ngay. Làm muối gần trọn một đời nhưng nay tôi mới thấy say nghề”. Rồi ông vội vàng chạy ra bể chạt (khoảng đất để phơi nước biển đã lóng qua cát), cùng kỹ sư Lê Thị Lan - cán bộ kỹ thuật được công ty biệt phái xuống để “ba cùng” với diêm dân - đo độ mặn: “Mới 23o Be thôi à, thế tôi bổ sung ngay nhé!” - lời trao đổi công việc hòa trong những tiếng cười sảng khoái làm dịu đi cái nắng nóng oi nồng của đồng muối.

Đóng bao muối sạch.
Nguyễn Đình Bình, Giám đốc Công ty Muối Thanh Hóa hồ hởi cho chúng tôi biết: “Đầu tư cho 1ha sản xuất muối sạch chỉ mất 40 triệu đồng mà khai thác được từ 5-7 năm (sau 2 năm là hoàn lại vốn). Mỗi năm, 1ha cho sản lượng muối từ 100-120 tấn, cho thu nhập hơn 80 triệu đồng, gấp 3 lần so với khi sản xuất muối thường.
Mỗi lao động có thu nhập từ 7,5 - 8 triệu đồng/năm; cá biệt, Xí nghiệp Muối sạch Bãi Ngọc xã Hải Hà huyện Tĩnh Gia đạt 11-12 triệu đồng/người/năm. So với thời kỳ làm muối thường thì quả là một trời một vực”.
Hạt muối sạch Thanh Hóa không chỉ từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước, mô hình sản xuất ưu việt này cũng đã được các địa phương như Hải Phòng, Nam Định... học tập, triển khai mà điều đáng tự hào hơn là những hạt muối sạch ấy còn vượt đại dương sang cả Nhật Bản.
Người đất Phù Tang khắt khe là thế mà sau khi đến tận Thanh Hóa kiểm tra toàn bộ quy trình sản xuất, vị chuyên gia Jawoa đã phải thốt lên: “Muối ở đây ngon nhất thế giới”. Điều khiến họ sửng sốt là phương pháp làm muối phơi cát vô cùng lạc hậu, chỉ qua một công nghệ đơn giản lại cho ra những hạt muối sạch trắng tinh, vị đậm, thanh, không chất béo, không protit, không bị lẫn tạp chất, không bị váng khi hòa tan trong nước. Họ trở thành bạn hàng tin cậy của nhau: từ năm 2002 đến nay, trung bình mỗi năm, công ty xuất sang thị trường Nhật Bản hơn 400 tấn.
Thuế muối bằng 0 - Hợp lý chưa?
Có thể khẳng định rằng làm muối sạch là cách duy nhất để ngành muối tồn tại và phát triển. Thực tế, mô hình này cũng đang được nhân rộng ra cả nước và tỏ rõ tính ưu việt. Vậy nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, không chỉ Giám đốc Công ty Muối Thanh Hóa Nguyễn Đình Bình mà bất cứ chuyên gia nào trong ngành muối cũng đều ưu tư trước những bất cập của ngành.
Theo ông Bình, số tiền chi tiêu cho muối tính trên đầu người ở nước ta là quá thấp (5.000đồng/người/năm) vì giá muối quá rẻ. Đây là hệ quả của chính sách giảm thuế muối của Đảng và Nhà nước áp dụng từ năm 1961, để rồi hiện thuế muối đang bằng 0 và giá muối so với các mặt hàng tiêu dùng khác đã giảm xuống vài chục lần.
Cũng cần phải nói thêm rằng, thời Pháp thuộc, thuế muối chiếm 6%-8% tổng thu ngân sách và đủ nuôi 50% cán bộ công chức Đông Dương. Ở Trung Quốc, với tiềm năng muối gần như ta, họ thu thuế mỗi năm 1,2 tỉ nhân dân tệ (tương đương 2.200 tỉ đồng).
Giá muối iốt của họ sau thuế là 46.000 đồng/kg (trong khi ở ta chỉ là 1.000 đồng/kg. Bởi vậy, theo các chuyên gia, nhà nước nên đánh thuế gián thu vào người tiêu dùng để nâng giá muối lên gấp 3-4 lần. (Nếu tăng giá muối từ 1.000 đồng lên 4.000 đồng/kg, mỗi người cũng chỉ mất 20.000 đồng tiền muối mỗi năm, bao gồm cả muối ăn, uống, tắm, rửa rau...).
Làm được như vậy, không chỉ đời sống diêm dân được nâng cao mà nhà nước cũng vừa giảm được các khoản chi ngân sách đầu tư cho ngành muối, lại có nguồn thu không nhỏ...
Đỗ Quang - Tuấn Hoàng