Chưa bao giờ mối quan tâm đến môi trường lại “sục sôi” như hiện nay, khi sự kiện cá chết bất thường với mức độ chưa từng có xảy ra ven biển miền Trung có liên quan đến “nghi án xả thải” từ Formosa. Sự quan tâm ấy không chỉ với người dân trong nước mà lan ra cả cộng đồng quốc tế.
Mặc dù bước đầu cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tỏ ra lúng túng trong việc ứng phó khiến dư luận hoài nghi có sự mờ ám, nhưng ngay sau đó Chính phủ đã có động thái vào cuộc mạnh mẽ với lời hứa quyết tâm tìm ra và xử lý nghiêm thủ phạm, đã phần nào làm cho người dân và dư luận an tâm hơn.
Mặc dù có biểu hiện lợi dụng sự kiện để kích động dư luận của một số đối tượng, nhưng mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ sự cố môi trường này là giọt nước tràn ly khi mà hàng loạt vấn đề liên quan đến môi trường sống xảy ra cùng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt có phần trách nhiệm trong bảo vệ môi trường ở đất nước ta.
Chúng ta đều biết, môi trường là sự sống. Không có môi trường trong lành, sự sống sẽ què quặt và dần dẫn đến bị hủy diệt. Vì vậy, bảo vệ môi trường luôn là việc làm vô cùng quan trọng và cấp bách để bảo vệ sự sống. Nó phải được thấm sâu và thường trực trong nhận thức và hành vi của tất cả mọi người, ở bất cứ đâu trên hành tinh này, đặc biệt ở những nơi, những người mà hành vi của họ có liên quan trực tiếp đến việc tác động vào môi trường sống.
Không riêng ở nước ta, hiện môi trường sống đang bị xâm hại, tàn phá đến mức báo động trên khắp thế giới, gây nên những hệ lụy khủng khiếp. Năm nào các cuộc họp của Liên hiệp quốc về môi trường cũng diễn ra hết sức căng thẳng, khi vấn đề biến đổi khí hậu do môi trường bị xâm hại ngày một nặng nề hơn.
Bài toán nan giải là làm sao trong phát triển kinh tế, các nước vừa thực hiện được công nghiệp hóa lại vừa giữ gìn, bảo vệ được môi trường sống? Thực tế, chưa có nước nào giải được bài toán này, và có lẽ sẽ khó có thể giải được, khi mà công nghiệp hóa và sự phát triển của môi trường tự nhiên luôn là hai chiều nghịch nhau.
Chính vì các nước không ngừng chạy đua phát triển nóng, trong khi ý thức bảo vệ môi trường sống của con người ở nhiều nơi trở nên yếu kém, đã dẫn đến những thảm họa môi trường do biến đổi khí hậu gây ra ngày một khốc liệt hơn, mà trong đó, Việt Nam đã được liệt vào danh sách một trong những nước phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Hơn lúc nào và hơn ai hết, Việt Nam giờ đây cần có những nỗ lực vượt bậc để tự cứu mình, nhằm bảo vệ môi trường sống cho sự phát triển bền vững, lâu dài của đất nước, của dân tộc, nhất là khi sức khỏe của con người đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi đủ mọi thứ ô nhiễm hiện nay.
Tuy nhiên, trước khi nói đến trách nhiệm đương nhiên của các cơ quan chức năng, của Chính phủ, liệu đã có mấy ai trong chúng ta đặt ra một cách có trách nhiệm và trả lời thấu đáo câu hỏi: Cá nhân mình có liên can gì đến thảm họa môi trường mà tất cả đang phải gánh chịu?
Chưa bao giờ sự quan tâm đến môi trường dâng cao như hiện nay. Chưa bao giờ sự phản ứng với việc môi trường bị tàn phá dữ dội như hiện nay. Thế nhưng sự thật đáng buồn mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy: rác, chất thải có đủ mọi loại và có mặt ở khắp mọi nơi, từ trên rừng xuống biển, từ thôn quê tới thành thị, từ nhà ra ngõ, từ chợ đến nhà máy, từ trên cạn đến sông rạch… với đủ mức độ ô nhiễm. Bạn có biết vì sao ai cũng quan tâm đến môi trường, ai cũng than thở, thậm chí giận giữ khi môi trường sống của mình bị đe dọa, nhưng môi trường sống lại ngày càng ô nhiễm đến như vậy?
Đó là vì phần lớn chúng ta chỉ biết quay sang người khác chê trách và đòi hỏi, mà quên mất đi trách nhiệm của chính bản thân mình.
Chắc chắn ai trong chúng ta đã từng nghe câu nói: Muốn thế giới thay đổi thì bản thân mình phải thay đổi trước. Môi trường sẽ chẳng bao giờ được cứu, thậm chí nó sẽ ngày càng tệ hại hơn như chúng ta đã và đang thấy, khi mà mỗi chúng ta chỉ biết đòi hỏi người khác phải thay đổi, đòi hỏi người khác phải có ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, trong khi bản thân mình thì hàng ngày vẫn xả rác nơi công cộng, vẫn làm những việc gây tổn hại đến môi trường sống của chính mình và cộng đồng.
PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG