Nam Sài Gòn phát triển vượt bậc sau 25 năm

Từ một vùng đất hoang vu đầy cỏ lác, nước phèn, nước lợ, đầy rắn rít muỗi mòng, dân cư thưa thớt, nay Nam Sài Gòn đã trở thành một khu vực phát triển năng động của TPHCM. Với 57% hộ dân có nhà cấp 4, 89,5% hộ dân có nhà vệ sinh kiểu mới, 72,5% hộ dân được cấp nước sạch, hơn 90% hộ dân sắm sửa được ti vi, tủ lạnh, xe máy và điện thoại di động... Đó là những con số ấn tượng trong Báo cáo tổng hợp đề tài nghiên cứu Điều tra xã hội học về sự đổi thay của vùng đất Nam Sài Gòn sau 25 năm.
Nam Sài Gòn phát triển vượt bậc sau 25 năm

Từ một vùng đất hoang vu đầy cỏ lác, nước phèn, nước lợ, đầy rắn rít muỗi mòng, dân cư thưa thớt, nay Nam Sài Gòn đã trở thành một khu vực phát triển năng động của TPHCM. Với 57% hộ dân có nhà cấp 4, 89,5% hộ dân có nhà vệ sinh kiểu mới, 72,5% hộ dân được cấp nước sạch, hơn 90% hộ dân sắm sửa được ti vi, tủ lạnh, xe máy và điện thoại di động... Đó là những con số ấn tượng trong Báo cáo tổng hợp đề tài nghiên cứu Điều tra xã hội học về sự đổi thay của vùng đất Nam Sài Gòn sau 25 năm.

Những chỉ số ấn tượng

Ngày 15-10-2014, Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) công bố kết quả điều tra xã hội học về sự đổi thay của vùng đất Nam Sài Gòn sau 25 năm hình thành và phát triển. Với sự đặt hàng từ IPC, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội đồng Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM, Trưởng khoa  Đô thị học Trường Đại học KHXH-NV TPHCM, cùng các cộng sự tiến hành nghiên cứu trên 500 người từ tháng 2-2014 đến tháng 8 -2014 để cho ra kết quả điều tra xã hội học này.

Panorama Phú Mỹ Hưng. Ảnh: Phạm Hữu Khánh. Giải Nhất cuộc thi ảnh Nam Sài Gòn 25 năm hình thành và phát triển

Kết quả đánh giá về kinh tế, việc làm và thu nhập cho thấy 56% người dân cho rằng mức sống của họ tốt hơn, 40,5% cho rằng đời sống gia đình so với trước kia là khá hơn và rất khá. Các hộ gia đình cho biết thu nhập của họ có sự thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Về mức thu nhập trung bình tính theo đầu người/tháng của người dân hiện nay đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Nếu như trước năm 2000 thu nhập trung bình/tháng của người dân nơi đây là 1.244.300 đồng thì nay đã tăng lên 2.862.000 đồng.

Nhận định về điều kiện việc làm, 50,5% người dân cho rằng công việc làm có thu nhập của họ cao hơn và ổn định hơn so với trước. Với nhiều khu công nghiệp mọc lên, đời sống của người dân nơi đây được cải thiện rõ rệt và cơ hội việc làm vì thế cũng nhiều hơn. Hơn 94,6% cho biết sau khi Nam Sài Gòn phát triển, cơ hội việc làm, kiếm sống của họ nhiều hơn và 90,8% thừa nhận họ có cơ hội nhiều, nhưng mức độ cạnh tranh việc làm của họ trở nên gay gắt hơn.

Đặc biệt, điều kiện nhà ở đã tốt lên rất nhiều, bằng chứng cho thấy chỉ còn 1% là nhà tạm trong khi nhà kiên cố và nhà cấp 3 lên đến 42%, điều này hoàn toàn tương phản hình ảnh cách nay hàng chục năm, nơi đây là làng xóm, nhưng gần như 100% là nhà tạm, mái tôn, tường gạch, thậm chí mái lá dừa nước che chắn rất sơ sài. Diện tích nhà ở hiện nay tính trên đầu người khá rộng rãi, lên đến 34m2.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM nhận định: “Sự phát triển đô thị Nam Sài Gòn đã nâng hiệu quả sử dụng của vùng đất trước đây thuộc huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh. Vùng đất này theo đánh giá không có lợi thế về phát triển nông nghiệp, một vùng đất nghèo nằm cạnh đô thị TPHCM, do đó việc chuyển nhanh vùng này trở thành đô thị là nâng hiệu quả sử dụng đất. Việc chuyển dịch toàn bộ một địa bàn nông thôn nghèo khó, lạc hậu trở thành một đô thị, chuyển dịch toàn bộ cơ cấu kinh tế của địa bàn này theo hướng phát triển nhanh các ngành dịch vụ, đó là ý nghĩa đóng góp rất lớn”.

Đời sống kinh tế được nâng cao, người dân nơi đây sẵn sàng chi tiêu để mua sắm các thiết bị sinh hoạt trong gia đình, vì thế các chỉ số này đều khá cao: 94% hộ dân có xe máy, 89,5% có tủ lạnh, 98,5% có ti vi, 97% có điện thoại di động, 60% có máy giặt, 32,5% có máy điều hòa… Kết quả điều tra cũng cho thấy 50% hộ dân ở đây hài lòng với cuộc sống, 18% rất hài lòng và 26% vừa lòng vừa phải và 1% không hài lòng.

Đời sống của người dân khu vực Nam Sài Gòn nhìn chung đã tốt hơn rất nhiều. Điều kiện sống, mức thu nhập của người dân nơi đây thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nếu như trước kia khu vực này chỉ có 10,5% hộ gia đình có nhà vệ sinh tự hoại, còn lại là nhà vệ sinh tạm bợ trên ao, hồ được che chắn sơ sài (cầu tõm, cầu ao) nhưng hiện nay 89,5% đều có nhà vệ sinh kiểu mới (bồn cầu ngồi xả nước). Đó thực sự là một thay đổi rất lớn trong thói quen cũng như hình thành nên một nếp sống mới. Những số liệu đó có giá trị rất lớn khi nói về văn minh đô thị của người dân.

Đồng hoang chuyển mình

Tại Hội thảo Sự đổi thay của vùng đất Nam Sài Gòn 25 năm hình thành và phát triển, ông Phan Chánh Dưỡng, Tổng Giám đốc đầu tiên của IPC, không khỏi bùi ngùi xúc động khi chia sẻ những câu chuyện về buổi đầu của vùng đất đồng hoang nước ngập này. Theo ông Dưỡng, để nghiên cứu, điều tra đưa ra những số liệu công bố về vùng đất Nam Sài Gòn quả là một quá trình gian nan, bởi vì đây là một địa bàn trải dài qua nhiều quận huyện rộng lớn, hầu hết người dân tái định cư khá lâu nên bị xáo trộn nhiều và dân trí còn thấp, người già nhiều nên việc khảo sát rất khó khăn. Tuy nhiên để có được một sản phẩm nghiên cứu là sự nỗ lực rất lớn của cả ê kíp nhiều người.

Đây là một đề tài còn nhiều tranh cãi nhưng nhìn vào những con số biết nói ấy, ông Dưỡng rất vui mừng khi 80% dân tái định cư vẫn ở đây, do từ những ngày đầu thành lập IPC luôn đặt ra phương châm phát triển song hành cùng lợi ích của người dân, với quan điểm mình đến vùng đất mới, mình phát triển được, mình cũng tạo điều kiện cho người dân tại chỗ sinh sống chứ không đẩy người ta đi. Ông Dưỡng cảm ơn nhiều người đã cùng chung tay xây dựng một Nam Sài Gòn phát triển như ngày hôm nay với hơn 80% người dân hài lòng về cuộc sống hiện tại. Nam Sài Gòn là hình mẫu thành công về nhiều phương diện, nhiều cấp độ. Nghiên cứu xã hội học này còn bổ sung thêm một cứ liệu mang tính định lượng nhằm làm sáng tỏ hơn những nhận định trước đó.

Tiến sĩ Trần Văn Thịnh, Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM đánh giá tiềm năng của vùng đất Nam Sài Gòn còn rất lớn, trong đó có thể phát triển du lịch sinh thái, du lịch sông nước để phát huy hết những tiềm năng to lớn. Trước kia, Nam Sài Gòn là một khu đồng hoang ngập nước, đời sống người dân hết sức khó khăn. Thế nhưng với sự cải tạo, thay đổi từ IPC, nơi đây đã chuyển mình mạnh mẽ trở thành một đô thị mới với nhiều dấu ấn thay da đổi thịt không ngừng.

Bên cạnh đó, ông Võ Minh Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng nêu ra những khó khăn thách thức mà Nam Sài Gòn phải đối mặt trong thời gian tới như tình trạng ngập nước, eo hẹp quỹ đất để phát triển... Tuy nhiên, với sự thành công và phát triển mạnh mẽ trong 25 năm qua, ông Thành tin rằng, vùng đất Nam Sài Gòn sẽ như con rồng mạnh mẽ tiến ra biển lớn để bay cao bay xa hơn nữa.

Cô Nguyễn Thị Tho, 821 lô A, chung cư Tân Mỹ, phường Tân Phú, quận 7, cho biết: “Tôi sống ở đây khá lâu, tôi thấy khu vực này phát triển từng ngày. Ngày trước đất trống nhiều lắm, toàn ruộng, đất và vũng lầy, nhưng nay có nhiều khu công nghiệp, nhà máy và công ty phát triển, người dân cũng “thơm lây”. Đường sá đi lại thuận lợi hơn, cuộc sống người dân nhờ vậy cũng phát triển theo. Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến Khu đô thị Phú Mỹ Hưng với đường sá, nhà cửa được quy hoạch hiện đại. Nhờ vậy mà người dân ở gần khu vực này cũng dễ dàng làm ăn hơn trước”.

Nam Sài Gòn phát triển vượt bậc sau 25 năm ảnh 2

Biểu đồ thể hiện mức độ hài lòng về cuộc sống của người dân tại khu dân cư.

Nguồn: Báo cáo tổng hợp đề tài nghiên cứu Điều tra xã hội học về sự đổi thay của vùng đất Nam Sài Gòn sau 25 năm.

HOÀNG TUẤN

Tin cùng chuyên mục