Đến năm 2020, xuất khẩu 4,5 - 5 triệu tấn gạo, giá trị kim ngạch 2,2 - 2,3 tỷ USD/năm, đến 2030 xuất khẩu còn khoảng 4 triệu tấn.
Thu hoạch lúa tại ĐBSCL Ảnh: CAO THĂNG
Sự dịch chuyển tích cực
Bộ Công thương cho rằng, cần chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu gạo, tỷ trọng gạo trắng hạt dài cấp thấp và trung bình còn khoảng 20%, gạo trắng hạt dài cấp cao lên 25%, gạo thơm và đặc sản (bao gồm gạo hạt tròn Japonica) lên 30%, gạo nếp 20%, các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng khoảng 5%. Đến năm 2030, tỷ lệ này lần lượt là 10%, 15%, 40%, 25% và 10%. Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo 5 năm nay có xu hướng giảm dần, từ 7,7 triệu tấn năm 2012 xuống còn 4,8 triệu tấn năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu từ 3,4 tỷ USD xuống còn 2,1 tỷ USD. Nhưng năm nay, đến hết tháng 9, các doanh nghiệp (DN) đã xuất khẩu được 4,3 triệu tấn gạo, thu về gần 1,9 tỷ USD, dự báo con số gạo xuất khẩu đến cuối năm 2017 ở mức 5,6 triệu tấn. Điều đáng mừng là cơ cấu có sự chuyển dịch tích cực: Gạo trắng hạt dài cấp cao tăng lên 26%, gạo trắng hạt dài cấp thấp và trung bình còn hơn 13,6%, gạo thơm các loại (bao gồm gạo hạt tròn Japoniaca) hơn 30,4%, nếp 23,4%. Trong đó, theo VFA, ấn tượng trong sự chuyển dịch nhất là gạo thơm và gạo nếp, nhưng ấn tượng hơn nữa là gạo tròn Japonica. Ngay trong thời kỳ khó khăn, cơ cấu và chủng loại gạo đã có sự thay đổi mạnh mẽ. 10 nước nhập khẩu chính là Trung Quốc, Indonesia, Nigeria, Philippines, các nước EU, Ảrập Saudi, Iran, Bangladesh, Iraq, Malaysia với nhu cầu nhập khẩu khoảng 15-17 triệu tấn. Trong khi đó, 5 nước xuất khẩu gạo chính là Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan, và Mỹ. Vì vậy, theo VFA, định hướng thị trường và mục tiêu thời gian tới là tận dụng lợi thế cạnh tranh để củng cố và phát triển các thị trường gần và truyền thống, có nhu cầu phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước như Philippines, nhất là Trung Quốc và khu vực châu Phi. Đồng thời khắc phục bất cập, tận dụng ưu đãi theo các thỏa thuận thương mại tự do với EU, Liên minh Á - Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc; mở rộng các thị trường mới có nhu cầu chất lượng cao như châu đại dương. Thay đổi cách tiếp cận thị trường chủ lực Trung Quốc Theo Bộ Công thương, cần đa dạng hóa, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, khai thác cơ hội, tiềm năng, lợi thế từ các hiệp định thương mại FTA, các cam kết quốc tế. Thị trường nhập khẩu gạo tập trung chủ yếu là châu Á, bao gồm Trung Đông (chiếm hơn 71%) và châu Phi (15,3%), còn thị trường truyền thống Philippines với nhu cầu khởi điểm khoảng 350.000 tấn/năm, nằm trong khối Asean. Vì vậy, các DN cần phải có sự chuẩn bị với những thay đổi của thị trường, biết tận dụng lợi thế cạnh tranh nhờ giao dịch nội khối Asean để giữ vững thị trường gần này. Tuy nhiên, thị trường quan trọng trước mắt và lâu dài là Trung Quốc, chiếm 38% - 40%. Nhu cầu tiêu thụ gạo của Trung Quốc rất lớn, nhưng Trung Quốc không công khai thông tin về nhu cầu, đồng thời chủ trương bảo hộ sản xuất nội địa. Mấy năm nay, Trung Quốc kiểm soát hoạt động nhập khẩu rất nghiêm ngặt nhất là việc cấp quota nhập khẩu gạo. Việc xuất khẩu gạo sang Trung Quốc trước đây chủ yếu theo đường tiểu ngạch, nhưng 2 năm nay hầu như xuất theo đường chính ngạch. Trung Quốc chỉ đồng ý cho 22 DN Việt Nam xuất khẩu gạo vào thị trường này. Nhưng hiện nay các DN Việt Nam luôn phải ở “kèo dưới” trong thương thảo hợp đồng xuất khẩu. Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Intimex Group, với việc sử dụng hạn ngạch (quota), về lâu dài hạt gạo trắng Việt Nam sẽ gặp khó xuất khẩu vào Trung Quốc do Trung Quốc ưu tiên sử dụng gạo của Thái Lan, Campuchia cũng như không thể cạnh tranh với gạo của Pakistan, trừ gạo nếp. Vì vậy, cần có sự đàm phán trong hiệp định thương mại tự do giữa 2 nước để giúp hoạt động xuất nhập khẩu 2 bên đi vào nền nếp và hiệu quả hơn. Ý kiến của các DN cho rằng, trước hết 22 DN trong danh sách xuất khẩu vào Trung Quốc cần có sự liên kết, hợp tác lại với nhau để bảo bệ quyền lợi chung của các DN Việt Nam. Theo ông Huỳnh Minh Huệ, trước hết cần nâng cao năng lực cạnh tranh của thương nhân xuất khẩu gạo cũng như sự đoàn kết để tạo sức mạnh.