Nâng cao trách nhiệm nhà sản xuất

Thực tế cho thấy, phần lớn những sự cố gây ô nhiễm môi trường thời gian qua đều xuất phát từ các doanh nghiệp (DN).

Nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc quản lý vòng đời sản phẩm là xu hướng đã được hầu hết các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) triển khai từ những năm 1980, nhằm giải quyết các thách thức ngày càng lớn, phức tạp trong quản lý chất rắn. Theo hướng tiếp cận này thì trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm của mình được mở rộng tới khi sản phẩm đã được tiêu thụ trong vòng đời của nó. Điều này không những giúp giảm gánh nặng tài chính lên ngân sách nhà nước, chuyển một phần trách nhiệm cho các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, mà còn giúp gia tăng tỷ lệ thu hồi, tái chế chất thải và giảm áp lực trong xử lý chất thải rắn. 

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), cho biết hiện nay, theo xu thế chung của thế giới trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, các DN cần phải có trách nhiệm thu hồi, tái sử dụng, tái chế và xử lý sản phẩm của DN mình sau sử dụng. Như vậy, ngay từ khâu thiết kế, lựa chọn nguyên vật liệu sản xuất, vật liệu bao bì đóng gói…, DN đã phải tính toán, lựa chọn phương án tối ưu nhất để giải quyết các vấn đề về chi phí sản xuất, chi phí thu hồi, tái sử dụng, tái chế cho toàn bộ vòng đời sản phẩm. Về vấn đề chính sách quy định, trách nhiệm của DN sản xuất phải tiếp cận để xây dựng mô hình kinh doanh của mình theo hướng “tuần hoàn”. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành một số chính sách như Thông tư 34/2017 của Bộ TN-MT về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, hướng dẫn các bên tham gia vào quá trình thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý sản phẩm thải bỏ đối với nhà sản xuất, người tiêu dùng và các cơ sở thu gom, xử lý. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách nâng cao trách nhiệm của các nhà sản xuất ở Việt Nam, theo hướng xác định rõ các sản phẩm sau sử dụng phải thu hồi và tỷ lệ thu hồi bắt buộc đối với từng loại sản phẩm thải bỏ. Đồng thời, quy định cơ chế tài chính - mà nguồn hình thành là nhà sản xuất và nhà nhập khẩu - một cách minh bạch và có kiểm soát để thực hiện việc thu, nộp, hỗ trợ được hiệu quả. Ở Việt Nam cần có sự quản lý giám sát của Nhà nước cùng với sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân. Đây là cơ chế quan trọng nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, do vậy, cần thiết phải có sự đồng bộ với thị trường tái chế và các tổ chức thu gom, tái chế chuyên nghiệp. 

Có thể thấy rằng, việc thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ giúp các DN phát triển bền vững thông qua các hoạt động như: tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm, tái chế chất thải, tiết kiệm tài nguyên. Trong xu thế toàn cầu hóa, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và quyết liệt, mỗi nền kinh tế, mỗi DN đều phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Trong đó, tăng khả năng cạnh tranh bằng các giải pháp phát triển xanh, chú trọng đến bảo vệ môi trường, trách nhiệm với xã hội… được xem là những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công.

Tin cùng chuyên mục