Đây là một trong những nội dung giám sát “nóng” của Ủy ban, hứa hẹn sẽ nhận được sự quan tâm của xã hội khi trình Quốc hội vào kỳ họp tới đây.
Đoàn giám sát của Ủy ban đã làm việc với 4 bộ ngành liên quan tới chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tham vấn chuyên gia đồng thời trực tiếp giám sát, khảo sát tại 6 tỉnh, thành phố.
Ở các địa phương còn lại, HĐND tỉnh, thành phối hợp tổ chức giám sát về nội dung này và gửi báo cáo về Ủy ban. Dự thảo báo cáo giám sát cho thấy, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đủ về số lượng, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo so với quy định hiện hành đạt cao, phẩm chất đạo đức và tư tưởng chính trị đa phần vững vàng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đội ngũ nhà giáo có phạm vi điều chỉnh tương đối toàn diện; đã xây dựng được kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông trong giai đoạn tới.
Một số địa phương đã ban hành chính sách riêng để thu hút người giỏi trong tuyển dụng công chức, viên chức, trong đó có viên chức ngành giáo dục. Đáng chú ý, dự thảo báo cáo giám sát đưa ra nhận định thu nhập của nhà giáo ở một số địa phương tương đối ổn định, giúp số đông nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục yên tâm với nghề.
Tuy nhiên, dự thảo báo cáo cũng chỉ ra rằng, về tổng thể, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nước ta còn thiếu, nhất là ở giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đặc biệt, trước yêu cầu tinh giản biên chế, ngành giáo dục càng gặp khó khăn hơn trong việc đảm bảo quyền học tập của học sinh cũng như đáp ứng đòi hỏi gia tăng về quy mô trường lớp và nâng cao chất lượng giáo dục.
Các giáo viên ở TPHCM tham gia Dự án Dạy học sáng tạo để đổi mới phương pháp dạy học trên nền tảng công nghệ thông tin
Bên cạnh đó, một bộ phận giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn bộc lộ những hạn chế về năng lực và động lực đổi mới. Tương quan giữa thu nhập và lao động của nhà giáo chưa cân xứng; hệ thống chính sách, pháp luật đối với nhà giáo còn chồng chéo, một số quy định đã lạc hâu…
Từ thực tế giám sát, một trong kiến nghị mà Ủy ban dự kiến đưa ra là cần tăng cường cơ chế tự chủ, nhất là về tài chính, nhân sự cho các trường. Đặc biệt, cần sớm xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo, nhằm luật hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về vị thế nhà giáo và đặc điểm nghề giáo, cũng như các chính sách nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới. Đồng thời, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức phù hợp với chủ trương quản lý viên chức trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó cần chú ý tới tính đặc thù của viên chức ngành giáo dục.
Tại buổi làm việc với Hội Cựu giáo chức Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định lại, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Muốn xã hội phát triển thì không chỉ xóa đói giảm nghèo nhanh mà cần bền vững, có yếu tố rất quan trọng là nhờ vào giáo dục. Chân, thiện, mỹ hay ý thức con người đều từ giáo dục.
“Vì sao Nhật Bản phương tiện ô tô nhiều như thế nhưng tai nạn rất ít. Cũng do giáo dục mà ra. Nếu không quan tâm đặc biệt đến đội ngũ thầy giáo, cô giáo thì đổi mới giáo dục sẽ không thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Với quan điểm xuyên suốt đó của Chính phủ, không chỉ hơn 1 triệu giáo viên cả nước mà bất cứ ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà đều mong muốn, sau kết quả giám sát của Quốc hội, chúng ta sẽ có thêm cơ hội để nâng cao chất lượng đội ngũ và vai trò, vị thế nhà giáo. Cùng với đó là nâng cao đời sống của các thầy cô để họ yên tâm với việc giảng dạy…