Nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam - Bài 1: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển

Thực tế thời gian qua cho thấy, khi tình hình càng phức tạp, thì đòi hỏi đối ngoại của Việt Nam càng phải kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Đối ngoại Việt Nam dựa vào cái bất biến là bản sắc đối ngoại, đường lối đối ngoại để ứng phó với cái vạn biến của thế giới, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, lẽ phải, chính nghĩa, phù hợp với những giá trị chung của nhân loại, đóng góp vì một thế giới hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển.
Lễ ký kết các văn kiện hợp tác Việt Nam - Singapore tại Hà Nội, 28-8-2023. Ảnh: QUANG PHÚC
Lễ ký kết các văn kiện hợp tác Việt Nam - Singapore tại Hà Nội, 28-8-2023. Ảnh: QUANG PHÚC
LTS: Đại hội XIII của Đảng xác định nền ngoại giao của Việt Nam phải toàn diện, hiện đại với ba trụ cột quan trọng là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, ngoại giao Việt Nam tiếp tục thực hiện sứ mệnh mới, góp phần tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Kế thừa truyền thống, phát huy tiến bộ

Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết: Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”.

“Gốc vững” chính là truyền thống tự lực, tự cường, là lợi ích quốc gia - dân tộc, được dẫn dắt bởi nền tảng tư tưởng của Đảng. “Thân chắc” chính là bản lĩnh kiên cường trước mọi thử thách, khó khăn, là những cốt lõi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong thời kỳ đổi mới đã được thực tiễn kiểm chứng và vun đắp hơn ba mươi năm qua. “Cành uyển chuyển” là ứng xử “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, linh hoạt về phương thức ngoại giao. Đó cũng chính là vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, như đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Tính đến hết tháng 9-2023, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước. Trong đó, Việt Nam đã nâng quan hệ lên đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước (trong đó có 5 nước là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tất cả các nước lớn khác). Dấu ấn của Việt Nam cũng in đậm trên nhiều diễn đàn, hội nghị cấp cao của thế giới, khu vực như Liên hợp quốc, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC)… Cùng với đó, Việt Nam cũng đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của gần 60 nền kinh tế, bao gồm các nước công nghiệp phát triển.

Sau 9 năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực được cộng đồng thế giới đánh giá cao. Năm 2023, ngoại giao Việt Nam sôi động với nhiều đoàn cấp cao đến thăm và làm việc, trong đó có nguyên thủ của nhiều quốc gia, trên các châu lục, địa bàn chiến lược. Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các nước để kỷ niệm 30, 40, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, qua đó đánh giá kết quả, định hướng phát triển quan hệ hiệu quả, thiết thực hơn. Tất cả những điều trên là minh chứng sinh động của sự chuyển hóa “lượng” thành “chất” trong đối ngoại của Việt Nam. Điều đó càng có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường hiện nay; mặt khác cũng cho thấy tính đúng đắn của đường lối “ngoại giao cây tre” mà Việt Nam đang thực hiện.

Những thông điệp quan trọng

Những kết quả đã đạt được trong công tác đối ngoại của năm 2023 cũng là những thông điệp quan trọng về chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trước hết, đối ngoại của Việt Nam đã hình thành mạng lưới quan hệ sâu rộng, đa phương, đa chiều, đa tầng nấc, tạo nền tảng định vị vững chắc, xác lập vị thế quốc gia có lợi trên trường quốc tế. Qua đó, tạo nền tảng để hợp tác cùng có lợi với các nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới. Giữ vững độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, gia tăng đan xen lợi ích chiến lược với các đối tác là cách tối ưu để Việt Nam khai thác lợi thế địa chiến lược, duy trì môi trường quốc tế thuận lợi, thu hút các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, đối ngoại của Việt Nam đã tạo bước đột phá, duy trì sự hài hòa “cân bằng động” quan hệ với các nước lớn trong bối cảnh mới, tránh phụ thuộc vào một đối tác nào.

Đơn cử, trước và ngay sau khi sự kiện nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam đã chủ động trao đổi để các nước hiểu rõ, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện không phải là liên minh quân sự, không đi với nước này chống nước khác, không để mối quan hệ này cản trở mối quan hệ kia. Quyết định và đối sách thể hiện bản lĩnh chính trị, sự độc lập, tự chủ, uyển chuyển, linh hoạt, hiệu quả của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nền ngoại giao “cây tre Việt Nam”.

Những sự kiện ngoại giao năm 2023 cũng đánh dấu việc đối ngoại Việt Nam đã triển khai đồng bộ các trụ cột, toàn diện các lĩnh vực ngoại giao với tư duy mới, tốc độ mới. Các chuyến thăm, gặp gỡ thượng đỉnh, tham dự hội nghị cấp cao ngày càng đa mục đích, lồng ghép nhiều lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, ngoại giao đến kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục.

Ngoại giao kinh tế là động lực, hợp tác khoa học công nghệ cao là đột phá, góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị, quan hệ giữa các nhà nước. Sự tin cậy chính trị tạo nền tảng thúc đẩy hợp tác kinh tế, công nghệ, quốc phòng, an ninh.

Ngoại giao văn hóa, hợp tác giáo dục, đào tạo là cầu nối mở rộng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân. Tất cả những kết quả của công tác đối ngoại đồng thời là thông điệp mạnh mẽ về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, lịch sử, truyền thống dân tộc và tiềm năng phát triển của Việt Nam. Đó là truyền thống hòa hiếu, nhân văn, nhân ái, khoan dung, yêu chuộng hòa bình, chủ trương gác lại quá khứ, sẵn sàng chào đón, là bạn với tất cả những ai có thiện chí hợp tác cùng phát triển.

Ông LÊ HOÀI TRUNG, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương: Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đất nước ta đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn và thách thức to lớn, chưa từng có. Thế giới ngày càng trở nên khó đoán định, khó dự báo. Các quốc gia trên toàn cầu một mặt tiến hành nhiều điều chỉnh trong đường lối, chính sách phát triển; mặt khác vừa đấu tranh, vừa cố gắng tránh đối đầu trực tiếp, kiểm soát rủi ro, duy trì hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích chung. Trong bối cảnh đó, như lịch sử đã nhiều lần chứng minh, càng trong gian khó, Việt Nam lại càng tỏa sáng, càng vững vàng. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.

Ông BÙI THANH SƠN, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Bối cảnh tình hình kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, tuy vậy công tác ngoại giao của chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Các nhiệm vụ ưu tiên của ngoại giao được đẩy mạnh, như tiếp tục củng cố cục diện đối ngoại ổn định, hòa bình và thuận lợi để phát triển, đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng khác đi vào chiều sâu, thực chất, gia tăng tin cậy chính trị và đan xen lợi ích.

Việt Nam cũng đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương. Cùng với đó, chúng ta cũng đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, định vị Việt Nam trong chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và chuyển đổi xanh.

Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh, kịp thời tham mưu đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục