
Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) chính thức công bố đạt 10.000 nhân viên vào cuối năm 2016, tương đương tốp 15 công ty phần mềm của Ấn Độ và khoảng 10% tổng nhân lực trong lĩnh vực phần mềm của Việt Nam. Như thế, FPT Software đang tiến gần hơn danh sách tốp các công ty có quy mô nhân lực lớn trong khu vực châu Á khi hướng đến mục tiêu 30.000 người, 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2020.
“10.000 nhân sự có thể không nhiều ý nghĩa với người ngoài, nhưng với chúng tôi con số này được đánh đổi bằng tuổi trẻ, bằng nỗ lực hàng ngày, thậm chí là hàng giờ”, ông Hoàng Việt Anh, người có 17 năm gắn bó với FPT Software từ vị trí lập trình viên và hiện là tổng giám đốc của công ty, chia sẻ như vậy.

FPT Software đạt quy mô 10.000 nhân sự, tương đương Top 15 công ty phần mềm lớn nhất của Ấn Độ.
Từ năm 1999, FPT bắt đầu hướng vào lĩnh vực xuất khẩu phần mềm. Ông Nguyễn Thành Nam, nguyên Tổng Giám đốc đầu tiên của FPT Software, người được giao nhiệm vụ “trên mặt trận” xuất khẩu phần mềm của FPT đã đưa ra tối hậu thư “xuất hay là chết”. Khi đó, ông Hoàng Việt Anh là một trong 13 lập trình viên hiếm hoi của FPT bắt đầu quyết tâm ngày ngày luyện tiếng Anh, luyện thi lấy chứng chỉ của Microsoft…
Thời gian như con thoi, liên tiếp mở 2 văn phòng tại Ấn Độ và Mỹ, tuyển rầm rộ lập trình viên, thuê chuyên gia nước ngoài làm marketing… nhưng doanh số từ xuất khẩu phần mềm chỉ vỏn vẹn 400.000USD, chưa bằng một nửa số chi phí đầu tư. Nên thời điểm ấy, để duy trì hoạt động, công ty đã phải cắt giảm từ con số 300 - 400 người xuống còn 100 người và đóng cửa 2 chi nhánh tại Ấn Độ và Mỹ sau chưa đầy 2 năm khai trương.
Và rồi trong lúc “bí bách”, lãnh đạo FPT đã có cuộc gặp với ông Nishida, viên chức cao cấp của Sumitomo. Mặc dù không có nhân viên nào biết tiếng Nhật nhưng lãnh đạo FPT vẫn bước chân vào thị trường Nhật Bản dưới sự mối lái của ông Nishida. Sau đó, hàng loạt các cuộc gặp với lãnh đạo của NTT, Sumitomo, Toshiba, Fujitsu, Mitsubishi… và kết quả là một hợp đồng nhỏ với NTT-IT được ký vào những ngày cuối cùng của năm 2000. Tại Nhật Bản, mới đây FPT cũng đã cán mốc doanh thu 100 triệu USD (tương đương hơn 2.200 tỷ đồng). Với kỷ lục doanh thu này, FPT Nhật Bản hiện là công ty dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản, đồng thời tiệm cận tốp 50 công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất tại Nhật Bản, bao gồm các công ty tên tuổi như Fujitsoft, DTS, Systena...
Từ thành công tại thị trường Nhật Bản, FPT tiếp tục mở rộng quy mô tại Singapore, Pháp, Malaysia, Mỹ, Úc, Đức…và gần đây nhất là Hàn Quốc. Theo ông Việt Anh, những cơ hội mới từ cuộc cách mạng số và những nỗ lực đầu tư nghiên cứu phát triển các dịch vụ chuyển đổi số (Digital Transformation) sẽ là đòn bẩy để FPT Software tiến nhanh hơn đến con số 30.000 nhân sự và khát vọng trở thành công ty biểu tượng của Việt Nam trên toàn cầu trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm
| |
BÁ TÂN