Mọi cơ sở dữ liệu phải đảm bảo được tính dùng chung

Ngày 22-7, tại trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp đã diễn ra hội nghị giữa Bộ Tư pháp và Nhóm công tác số 03 - Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Ban Chỉ đạo) về triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.

Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị
Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo, cho biết, trong 11 cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia và chuyên ngành trọng yếu; 116 CSDL chuyên ngành và các CSDL khác cần rà soát thì có rất nhiều CSDL của Bộ Tư pháp. Trong đó, CSDL hộ tịch là một trong những CSDL quốc gia đặc biệt quan trọng, bởi gắn chặt với mỗi công dân, mỗi con người. Bộ Tư pháp là nơi đầu tiên làm việc của Tổ Giúp việc để cùng rà soát, đánh giá tổng thể tất cả các nhóm CSDL.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, cho biết, với tinh thần tiên phong trong chuyển đổi số, việc xây dựng CSDL hộ tịch và nhiều CSDL chuyên ngành khác của Bộ Tư pháp được triển khai từ rất sớm. Thẳng thắn nhìn nhận “Bộ Tư pháp chưa về đích sớm” và vẫn còn nhiều vấn đề cần phải rà soát lại, song Bộ trưởng khẳng định quyết tâm chuyển đổi số.

NINH 22a.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh khẳng định quyết tâm chuyển đổi số

Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) Phạm Quang Hiếu, trong năm 2025, Bộ Tư pháp phải hoàn thành xây dựng 6 CSDL gồm: CSDL hộ tịch; CSDL trợ giúp pháp lý; CSDL thi hành án dân sự; CSDL quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; CSDL về biện pháp bảo đảm và CSDL công chứng.

Kết quả, Bộ Tư pháp đã xây dựng và sử dụng được: 2 CSDL, gồm CSDL hộ tịch điện tử và CSDL về biện pháp bảo đảm; đang xây dựng 4 CSDL, gồm CSDL trợ giúp pháp lý, CSDL thi hành án dân sự, CSDL quốc gia về xử lý vi phạm hành chính và CSDL công chứng. Bộ đã kịp thời điều chỉnh hệ thống thông tin Đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và đã kết nối với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh của 34/34 tỉnh, thành phố. Đến hết ngày 20-7-2025, Bộ Tư pháp đã hoàn thành chuyển đổi 401 triệu dữ liệu sang Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung.

DI.jpg
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ Tư pháp Phạm Quang Hiếu báo cáo tại hội nghị

Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh yêu cầu cần tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt là mỗi CSDL phải đảm bảo được khung kiến trúc chung. Từ khung kiến trúc chung đó sẽ hình thành nền tảng dùng chung. Từ nền tảng dùng chung của các bộ, ngành sẽ hình thành nền tảng dùng chung cho cả quốc gia.

“Bộ Công an đủ năng lực đảm bảo được hạ tầng về dữ liệu cho Bộ, ngành Tư pháp. Những dữ liệu nào mà Chính phủ không quy định thì khuyến khích Bộ, ngành Tư pháp thuê hạ tầng”, ông Nguyễn Văn Long khẳng định. Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đề nghị lãnh đạo Bộ Tư pháp chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch cho từng CSDL, thực hiện sớm trong tháng 7 và đề xuất rõ về kinh phí đảm bảo cho việc xây dựng vận hành các CSDL được thông suốt.

Tin cùng chuyên mục