Tự phát triển nền tảng
Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam như VinGroup, FPT, VNPT, Viettel… đang phát triển các sản phẩm AI ứng dụng cho nhiều lĩnh vực. Trong đó, FPT hình thành hệ sinh thái đa dạng các sản phẩm, giải pháp, nền tảng AI giúp doanh nghiệp, tổ chức tối ưu vận hành, nâng cao hiệu suất.

Đến nay, có hơn 100 doanh nghiệp sử dụng các giải pháp AI của FPT, phục vụ cho hơn 14 triệu người dùng thiết bị đầu cuối. Nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI giúp doanh nghiệp giảm 60% chi phí, tăng năng suất lao động, tối ưu hóa quy trình kinh doanh; hay akaTrans - dịch tự động tài liệu chuyên ngành Anh - Nhật - Việt với hơn 6.000 người của hơn 100 doanh nghiệp đang sử dụng giúp chuẩn hóa quy trình và nâng cao 75% năng suất dịch thuật…
Bắt kịp xu hướng ứng dụng AI trong quản trị, Công ty MISA đã phát triển Trợ lý AI MISA AVA, tích hợp vào nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS. MISA AVA giúp doanh nghiệp truy vấn nhanh số liệu, báo cáo trực quan và phân tích chuyên sâu, tạo nền tảng vững chắc cho các quyết định chiến lược. MISA AVA còn dự báo chỉ số quan trọng, hỗ trợ quản trị linh hoạt, tối ưu hiệu quả vận hành. “Việc ứng dụng AI giúp tăng năng suất chăm sóc khách hàng lên 1,71 lần nhờ sử dụng 350 người thay vì 600 người để chăm sóc khách hàng, đồng thời tối ưu quy trình tài chính, tự động hóa kế toán và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn nhanh hơn. Hiện tại, hơn 5.000 doanh nghiệp đã được cấp hạn mức vay 25.000 tỷ đồng thông qua nền tảng AI của MISA, với tỷ lệ giải ngân thành công cao gấp 10 lần phương thức thông thường”, ông Lê Hồng Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP MISA, cho biết.
VNPT cũng đẩy nhanh đầu tư vào AI và tập trung cho các sản phẩm ứng dụng hàng ngày. VNPT BioID là nền tảng giúp quản lý dữ liệu định danh sinh trắc học, giúp các tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng ứng dụng công nghệ sinh trắc học vào hoạt động định danh và xác thực điện tử. Đây là giải pháp xác thực, định danh điện tử mạnh mẽ dựa trên công nghệ AI và tích hợp với các công nghệ sinh trắc học khác nhau như Face, Finger, Voice, Iris… VNPT BioID đã được VNPT cung cấp cho nhiều đối tượng khách hàng doanh nghiệp lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán… mang tới khả năng lưu trữ và xử lý nhận dạng so sánh hàng triệu mẫu sinh trắc học tốc độ cao.
“AI đã góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp khác, như công ty bán lẻ sử dụng AI để cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm, dự đoán xu hướng tiêu dùng, tối ưu hóa quản lý hàng tồn kho. Ngân hàng và các tổ chức tài chính sử dụng AI để phát hiện gian lận, đánh giá rủi ro và cung cấp dịch vụ khách hàng tốt hơn… Như vậy AI đã hiện diện cùng đời sống doanh nghiệp và đang phát huy hiệu quả”, một đại diện FPT chia sẻ.
Ứng dụng trên nền tảng toàn cầu
Bên cạnh tự phát triển nền tảng, xu hướng ứng dụng AI của các tập đoàn công nghệ quốc tế là một hướng khai thác AI hiện nay. Nổi bật phải kể đến Meta AI, một ứng dụng AI riêng biệt hoạt động trên nền tảng của mô hình Llama 4, mở ra trải nghiệm AI mang tính cá nhân hóa cao hơn. Chị Thanh Ngân, một tiểu thương hàng thủ công mỹ nghệ ở phường Sài Gòn, TPHCM, chia sẻ: “Vì Meta AI được tích hợp sâu và xuyên suốt trên các nền tảng WhatsApp, Messenger, Facebook, Instagram và phiên bản web… nên nó giúp tôi dễ dàng sử dụng trợ lý AI mọi lúc”.
Theo ông Khôi Lê, Giám đốc quốc gia của Meta tại Việt Nam, 66% doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng AI để giao tiếp với khách hàng và 63% sử dụng để tìm kiếm khách hàng mới. Điều này cho thấy AI không còn là công nghệ của tương lai, mà đã trở thành một phần thiết yếu trong chiến lược tăng trưởng của các doanh nghiệp. Hiện Meta cung cấp nhiều giải pháp AI mới ở thị trường Việt Nam, như: Opportunity Score - một công cụ mới giúp doanh nghiệp đánh giá và tối ưu hiệu quả chiến dịch quảng cáo theo thời gian thực trong Ads Manager; hay Transfer with Your Payment App (chuyển khoản qua ứng dụng thanh toán), cho phép khách hàng thanh toán trực tiếp trong Messenger thông qua các ứng dụng ngân hàng và ví điện tử phổ biến tại Việt Nam.
Việc ứng dụng nền tảng lớn của các tập đoàn công nghệ hàng đầu đã mang đến nhiều lợi ích. Viettel với trợ lý pháp lý ảo ứng dụng GenAI trên nền tảng Llama 3.3 giúp nhân viên pháp chế tra cứu văn bản nhanh hơn, chính xác hơn, rút ngắn khoảng 30% thời gian làm việc. Còn Cỏ Mềm HomeLab, thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên thuần Việt, đã đạt bước tiến nhờ tích hợp giải pháp quảng cáo của Meta, chiến dịch kinh doanh của công ty này ghi nhận mức đơn hàng tăng gấp 1,4 lần, trong khi chi phí đơn hàng giảm 30%...
Tuy nhiên, ông Lê Hồng Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP MISA, nhận định, việc triển khai AI không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn đòi hỏi một sự thay đổi toàn diện về mô hình vận hành và tư duy quản trị. AI không thể vận hành hiệu quả nếu không có một chiến lược rõ ràng. Việc chỉ tích hợp AI vào một số bộ phận mà không có định hướng dài hạn có thể khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng đầu tư dàn trải nhưng không đạt hiệu quả mong muốn. Do đó, AI cần được xem là một phần cốt lõi trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp, chứ không chỉ là công cụ hỗ trợ nhất thời.
Tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng AI vào quản trị tăng từ 33% năm 2022 lên 72% năm 2024 (theo IBM, Forbes, McKinsey). Công nghệ này đang hỗ trợ mạnh mẽ trong dịch vụ khách hàng (56%), an ninh mạng (51%), quản lý quan hệ khách hàng (42%) và sản xuất nội dung (40%). Các doanh nghiệp ứng dụng dữ liệu để ra quyết định có thể tăng khả năng thu hút khách hàng cao hơn 23 lần so với doanh nghiệp truyền thống. Để triển khai AI một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần tập trung vào 3 yếu tố chính là hạ tầng dữ liệu vững chắc, đào tạo nhân lực thay đổi văn hóa doanh nghiệp và ứng dụng AI theo từng giai đoạn, tránh ứng dụng, triển khai dàn trải.