Hãng Reuters ngày 31-10 đưa tin, sau nhiều giờ đàm phán, Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) đã giải quyết được khúc mắc chính trong ký kết thỏa thuận nối lại nguồn cung khí đốt của Nga sang Ukraine, đó là đảm bảo tài chính cho khả năng thanh toán của Kiev.
Đảm bảo đủ năng lượng
Theo đó, có 3 nguồn đảm bảo về khả năng thanh toán của Kiev gồm: hỗ trợ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), doanh thu của tập đoàn năng lượng Ukraine Naftogaz và các khoản EU cho vay trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ.
Theo khẳng định của Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Yuri Prodan, van đường ống khí đốt dẫn sang Ukraine sẽ được mở lại ngay khi Nga nhận được khoản chuyển đầu tiên 1,451 tỷ USD mà Kiev trả nợ tiền mua khí đốt tháng 11 và 12 năm 2013, dự kiến trong vài ngày tới.
Chủ tịch Tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom Aleksey Miller cho biết, Nga đồng ý giảm giá khí đốt bán cho Ukraine trong quý IV năm nay xuống 378USD/1.000m3, còn đến quý I năm tới, giá khí đốt sẽ được thiết lập tùy theo thị trường. Tuy nhiên, dự báo ở mức 365USD/1.000m3, mức giá mà Thủ tướng Ukraine từng yêu cầu trước đó.
Các quan chức Nga, Ukraine và EU tại lễ ký kết.
Thỏa thuận về cung cấp khí đốt trị giá 4,6 tỷ USD mà Nga và Ukraine đã ký kết thành công là sự đảm bảo cho an ninh năng lượng của châu Âu trong mùa đông tới. Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng Guenther Oettinger tuyên bố như vậy ngay sau lễ ký kết mà ông làm trung gian.
Ông Oettinger khẳng định thỏa thuận trên có lợi cho tất cả các bên và đảm bảo rằng tới đây, lượng khí đốt trung chuyển qua Ukraine sẽ tăng, các nước như Czech, Romania, Bulgaria và Áo sẽ không lo thiếu nguồn nhiên liệu trong mùa đông tới.
Theo đánh giá của ông Dettinger, thỏa thuận đảm bảo quyền lợi của phía Nga được thanh toán các khoản nợ cũ. Còn về phía Ukraine, với việc khai thông lại nguồn cung khí đốt từ Nga, Kiev sẽ được đảm bảo vị trí đối tác ngay tại châu Âu cũng như được hưởng các chương trình hỗ trợ tài chính từ đây. Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, EU sẽ đóng vai trò đầy đủ trong việc phối hợp với các đối tác như Mỹ, IMF… nhằm tạo điều kiện thực hiện thỏa thuận khí đốt vừa ký kết giữa Nga và Ukraine.
Cần có nhau
Giới quan sát cho rằng trước khi lễ ký kết diễn ra, cộng đồng quốc tế đã tỏ ý tin tưởng rằng sẽ không có một cuộc chiến khí đốt như hồi năm 2008 bởi nhiều tín hiệu cho thấy Nga và EU sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng. Hội nghị Thượng đỉnh EU kết thúc ngày 24-10 vừa qua chủ yếu tìm cách dàn xếp việc nối lại khí đốt giữa Nga và Ukraine. Các nhà lãnh đạo châu Âu hiểu rằng Nga đang ở “cửa trên” khi đàm phán bởi Mátxcơva vừa ký hợp đồng bán cho Trung Quốc 400 tỷ USD trong 10 năm tới.
Về phía Nga, nước này cũng đã để ngỏ khả năng có sự thay đổi trong cách tiếp cận đối với Ukraine và phương Tây. Chính phủ Nga đã rút lại một số biện pháp có thể khiến cho Mátxcơva bị phương Tây cô lập thêm, trong đó có đề xuất áp dụng lệnh cấm bay đối với các hãng hàng không của EU và Mỹ qua không phận nước này.
Phát biểu sau cuộc gặp với lãnh đạo EU và Ukraine trong diễn đàn Á-Âu tại Milan, Italia, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định Mátxcơva không hề muốn xảy ra cuộc khủng hoảng khí đốt cho mùa đông năm nay. Nước Nga luôn là nhà xuất khẩu khí đốt đáng tin cậy.
Các nhà phân tích cho rằng 2 bên có một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về nhiều mặt. Và việc một bên cố gắng trừng phạt bên khác, có thể sẽ đem lại nhiều kết quả ngược với mong đợi. Khả năng Nga cắt toàn bộ khí đốt cho châu Âu là điều chưa từng xảy ra, ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Nga vẫn bán khí đốt cho EU bởi lẽ Nga cũng cần nguồn ngoại tệ từ bán khí đốt cho EU như là điều mà các nước châu Âu cần ở nước Nga.
ĐỖ CAO (tổng hợp)