Ngân hàng ngưng gia hạn và cơ cấu nợ

Ngân hàng Nhà nước đã quyết định ngưng cho phép tổ chức tín dụng gia hạn và cơ cấu lại nợ cũng như không nới hạn mức (room) tín dụng.

Từ đầu năm đến nay, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 8,2%, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (4,8%). Đặc biệt, tại TPHCM, tín dụng trong 6 tháng đầu năm đã tăng đến 9,3% - mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Dư nợ cho vay tăng nhanh cho thấy tín hiệu tích cực trong mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi sau đại dịch Covid-19 của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định ngưng cho phép tổ chức tín dụng gia hạn và cơ cấu lại nợ cũng như không nới hạn mức (room) tín dụng.

Doanh nghiệp dần hồi phục 

NHNN sẽ ngưng gia hạn Thông tư 14/2021 về việc cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khi thông tư này hết hiệu lực vào ngày 30-6 tới. Có nghĩa là, từ ngày 1-7, nhiều doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục được vay vốn tín dụng của ngân hàng nếu không thể trả nợ. Động thái này có thể hiểu là ngành ngân hàng sẽ quyết liệt với các khoản vay triển vọng xấu. 

Ông Nguyễn Đăng Phi, Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc NHNN, cho biết, hiện dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, doanh nghiệp và người dân đã trở lại trạng thái hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, nên việc kéo dài Thông tư 14/2021 là không cần thiết. Tuy nhiên, sau khi dừng thực hiện Thông tư 14/2021, NHNN vẫn tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh cũng như vướng mắc của doanh nghiệp để có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời. 

Lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cũng cho biết, tính đến đầu tháng 6-2022, các khoản dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được các ngân hàng trên địa bàn TPHCM cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đã giảm gần 28% so với tháng 10-2021 (thời điểm thực hiện Thông tư 14/2021). Việc này cho thấy, doanh nghiệp đang khôi phục sản xuất kinh doanh, có thu nhập và có dòng tiền trở lại để trả nợ vay ngân hàng. 

Về phía các ngân hàng thương mại, lãnh đạo Agribank cho rằng, việc dừng cơ cấu, giãn, hoãn nợ là hợp lý, bởi lẽ trong năm qua, doanh nghiệp nào “khỏe” thì đã có thể vực dậy sản xuất kinh doanh, làm ăn và trả nợ cho ngân hàng; những doanh nghiệp còn lại không có khả năng chống đỡ, nếu tiếp tục được cơ cấu, giãn, hoãn nợ để cho vay thì nguy cơ xuất hiện nợ xấu trong tương lai là rất lớn.

“Sau khi dừng thực hiện Thông tư 14/2021, chúng tôi sẽ đánh giá lại khách hàng, dựa vào khả năng phục hồi của từng doanh nghiệp để có thể hỗ trợ tín dụng mà không cần giãn, hoãn nợ”, một lãnh đạo Agribank cho hay. 

Còn theo đại diện Hiệp hội Ngân hàng, 2 năm qua, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Quy định cho phép cơ cấu nợ khiến những khoản nợ dưới chuẩn được cơ cấu để khách hàng được vay tiếp tăng lên. Theo thống kê, nợ cơ cấu chỉ rơi vào khoảng 300.000 tỷ đồng. Nhưng theo các chuyên gia tài chính, thực tế nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng cao hơn nhiều so với số liệu trên sổ sách kế toán nên việc dừng thực hiện Thông tư 14/2021 sẽ giúp các ngân hàng nhận diện rõ hơn nợ xấu, qua đó có hướng xử lý hiệu quả.

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, hiện tổng dư nợ nền kinh tế khoảng hơn 12 triệu tỷ đồng. Với mức tăng trưởng tín dụng định hướng khoảng 14% trong năm 2022, sẽ cung ứng thêm 1,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Trong khi đó, hiện tăng trưởng tín dụng mới đạt 8,2% nên ngân hàng không thiếu nguồn vốn cho doanh nghiệp vay. Chỉ có một số NHTM là gần cạn room nên thời gian qua các NHTM này có động thái “phòng thủ”, tức ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực phục hồi nhanh và các khoản vay có chất lượng cao vì đây là cơ hội để ngân hàng “gạn đục khơi trong”, cơ cấu lại chất lượng tín dụng của mình.

NHNN đã xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% từ đầu năm, nhưng cũng có thể điều chỉnh cao hơn, từ  15%-16%, và cũng có thể giảm còn 12%-13%. Mục tiêu là ưu tiên kiểm soát lạm phát nhưng vẫn cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Tùy diễn biến thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và dựa vào “sức khỏe” của từng tổ chức tín dụng để nới room tín dụng. 

Ngành ngân hàng sẽ quyết liệt với các khoản vay triển vọng xấu

Còn nhiều chương trình ưu đãi

Trong bối cảnh nhiều NHTM đang hết dần hạn mức tín dụng và NHNN có chủ trương không gia hạn Thông tư 14/2021 thì tuần qua, một số NHTM vẫn đưa ra nhiều gói lãi suất ưu đãi dành cho cá nhân cũng như doanh nghiệp có nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất hấp dẫn.

Chẳng hạn như MSB vừa có gói tín dụng vay kinh doanh thế chấp 2.500 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 4,99%, cố định trong toàn thời gian vay. Thậm chí, khách hàng cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh gia đình, chủ doanh nghiệp tư nhân có nhu cầu vay vốn dài hạn để đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị còn được MSB cung cấp hạn mức lên tới 20 tỷ đồng, thời hạn vay tới 10 năm để doanh nghiệp an tâm phát triển hoạt động kinh doanh. 

Vietbank cũng vừa triển khai nguồn vốn ưu đãi 8.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay để phục vụ nhu cầu đời sống và hoạt động kinh doanh với lãi suất chỉ từ 6%/năm và miễn phí trả nợ trước hạn… Những ngân hàng đưa ra được các gói ưu đãi vào lúc này, hầu hết đều là những NHTM có quy mô hoạt động không lớn và còn room tín dụng. Thế nhưng, khi nhu cầu vay vốn tăng cao, những NHTM đã gần hết room tín dụng cũng đã có nhiều giải pháp để thu hút khách hàng. 

Lãnh đạo Eximbank cho biết, mặc dù dư địa tín dụng hiện không còn nhiều nhưng ngân hàng vẫn cân đối được. Lý do, room tín dụng “kín rồi sẽ hở” theo chu kỳ trả nợ của doanh nghiệp nên ngân hàng sẽ tùy biến nguồn vốn cũng như cơ cấu lại danh mục cho vay để có thể tiếp tục cung cấp vốn cho khách hàng.  Theo một lãnh đạo Eximbank, vẫn có thể thu xếp vốn để thực hiện cho vay gói ưu đãi lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước vì sẽ có một số doanh nghiệp tranh thủ trả nợ đúng hạn để có thể vay gói hỗ trợ này. 

Ngoài ra, để ứng phó với hạn mức tín dụng eo hẹp, một số NHTM đã “tranh thủ” nguồn vốn từ các định chế tài chính nước ngoài nhằm gia tăng nguồn vốn cho vay trong nước. Cụ thể, SeaBank vừa được Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) cấp khoản vay lên tới 200 triệu USD nhằm hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Mới đây, Techcombank cũng huy động thành công khoản vay hợp vốn trên thị trường quốc tế trị giá lên tới 1 tỷ USD để bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho đơn vị, giúp Techcombank đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn trung dài hạn của khách hàng khi nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt sau đại dịch Covid-19.

* Ông VŨ THÁI SƠN, Chủ tịch Hiệp hội Điều Bình Phước (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn): Hiện tại, ngành điều đang gặp rất nhiều khó khăn do chi phí vận chuyển tăng, giá điều thô tăng, lương công nhân tăng… nhưng giá xuất khẩu điều lại giảm, sức mua yếu do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, NHNN chấm dứt giãn nợ là hợp lý bởi nhiều doanh nghiệp đã từng bước ổn định sản xuất. Thế nhưng, NHNN cũng cần sớm xem xét đưa ra các gói hỗ trợ mới cho doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều chi phí “leo thang” và không ít đối tác của doanh nghiệp cũng gặp khó nên đã bắt buộc doanh nghiệp phải thanh toán tiền ngay sau khi giao dịch. Trước đó, nhiều đối tác cho công ty thanh toán chậm từ 30-45 ngày nên công ty không quá bị áp lực phải có ngay tiền để xoay vòng kinh doanh. 

* Ông TRẦN VĂN LĨNH, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước: Giá xăng dầu tăng liên tục và chưa có thời điểm dừng lại. Năm 2009, chi phí vận chuyển của công ty chỉ 2 tỷ đồng, đến năm 2020 là 20 tỷ đồng, nhưng năm 2021 là gần 140 tỷ đồng. Năm nay, chắc chắn còn tăng mạnh hơn nữa. Ngoài ra, công ty cũng chi hơn 30 tỷ đồng để chống dịch nhưng không có các khoản thu nào để bù vào. Do đó, bên cạnh gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2%, chúng tôi mong muốn có thêm các gói hỗ trợ khác vì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang phải bù lỗ chi phí cho đơn hàng. Thứ nữa, các doanh nghiệp chỉ được vay tối đa 50%-60% vốn của mình, trong khi nhu cầu vay để sản xuất lớn hơn nhiều.

Tin cùng chuyên mục