Ngành công nghiệp dệt may tự sản xuất 50% nguyên phụ liệu vào năm 2010

Ngành công nghiệp dệt may tự sản xuất 50% nguyên phụ liệu vào năm 2010

Bộ Công nghiệp đã đưa ra đề án cho ngành dệt may, từ nay đến năm 2015 sẽ sản xuất 1,5 tỷ mét vải dệt thoi, với tổng vốn toàn ngành cần đầu tư là 1,7 tỷ USD. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cùng nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã đẩy mạnh đầu tư, liên doanh hợp tác với nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư, sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, hướng đến mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu lên 50% vào năm 2010, tạo ra ưu thế cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước.

  • Nhiều dự án lớn được đầu tư

Nhân viên kỹ thuật Công ty cổ phần may Sài Gòn 2 kiểm tra chất lượng veston nữ trước khi xuất khẩu. Ảnh: THÀNH TÂM

Nhân viên kỹ thuật Công ty cổ phần may Sài Gòn 2 kiểm tra chất lượng veston nữ trước khi xuất khẩu. Ảnh: THÀNH TÂM

Liên tục từ đầu năm đến nay, trên khắp cả nước, nhiều dự án đầu tư vào ngành dệt may đã được khởi công, đưa vào hoạt động. Ở phía Bắc, Vinatex vừa đưa vào hoạt động 3 dự án lớn tại KCN dệt may Phố Nối B (Hưng Yên). Đó là dự án sản xuất chỉ khâu của Nhà máy Chỉ khâu Hà Nội thuộc Tổng Công ty Phong Phú; Trung tâm Dệt kim Phố Nối của Vinatex giao cho Tổng Công ty Hà Nội; Nhà máy nhuộm liên kết giữa Vinatex - Công ty TNHH Thiên Nam và Tập đoàn Teachang (Hàn Quốc).

Thời gian tới, 3 đơn vị này sẽ hợp tác liên doanh sản xuất vải demin tại Nam Định với công suất 30 triệu mét/năm, vốn đầu tư 40 triệu USD.

Trong tháng 3-2007, Công ty liên doanh Phong Phú – ITG (Mỹ) đã khởi công xây dựng khu liên hợp dệt nhuộm tại KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), với tổng vốn đầu tư trên 80 triệu USD. Liên doanh này sẽ sản xuất các loại vải cotton cao cấp xuất khẩu - dự kiến đến năm 2008, Phong Phú sẽ có sản phẩm may mặc bằng loại vải này, đưa vào tiêu thụ trong hệ thống toàn cầu của ITG.

Và mới đây, Công ty CP Việt Tiến Đông Á đã khởi công xây dựng cụm nhà máy, xí nghiệp trong KCN Vinatex - Tân Tạo tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Trong đó, đáng chú ý là liên kết với Tập đoàn Tung Shing (Hồng Công, Trung Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp thiết bị, linh kiện may công nghiệp Việt Tiến Tung Shing, với vốn đầu tư ban đầu 2 triệu USD.

Trong giai đoạn 2008 - 2010, Công ty CP Việt Tiến Đông Á sẽ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất chỉ khâu, với sản lượng 10 triệu cuộn/năm và nhà máy wash công nghiệp có công suất 10 triệu sản phẩm/năm, với vốn 3 triệu USD. Hiện công ty đang tuyển dụng các nhân sự cao cấp, chuyên gia quản trị, kỹ thuật và công nghệ để đưa đi đào tạo, thực hành tại Mỹ và Ấn Độ.

  • Cần trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu

Thực tế hiện nay, gần 90% nguyên phụ liệu cho ngành dệt may trong nước là hàng nhập khẩu - chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hồng Công, Nhật Bản. Tham vọng của Vinatex và nhiều doanh nghiệp khác là đầu tư xây dựng các trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu chuyên ngành dệt may để làm nơi giao dịch giữa những nhà cung ứng nguyên phụ liệu hàng đầu thế giới với các nhà sản xuất, thiết kế may mặc Việt Nam phục vụ xuất khẩu và nội địa.

Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 3 năm theo đuổi dự án xây dựng, Trung tâm Kinh doanh Nguyên phụ liệu dệt may tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM, Vinatex vẫn chưa thể khởi động được, vì vướng đền bù giải tỏa.

Công ty Paiho (KCN Tân Tạo TPHCM) sản xuất nhiều loại phụ liệu ngành may xuất khẩu. Ảnh: THÀNH TÂM

Công ty Paiho (KCN Tân Tạo TPHCM) sản xuất nhiều loại phụ liệu ngành may xuất khẩu. Ảnh: THÀNH TÂM

Hiện nay, ngoài dự án đầu tư có tính quy mô của Vinatex chưa tiến hành, Trung tâm Giao dịch thương mại siêu thị ngành vải sợi, dệt may và căn hộ với quy mô 34 tầng do Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM làm chủ đầu tư, đã được khởi công vào tháng 3-2007 tại số 922 Nguyễn Trãi, P14, Q5, TPHCM, dự kiến đến năm 2010 sẽ đưa vào hoạt động. Trong đó, sẽ dành 4 tầng kinh doanh vải sợi, nguyên phụ liệu dệt may cho các hộ kinh doanh di dời từ chợ vải Soái Kình Lâm về đây.

Có lẽ, nhanh nhất là Trung tâm Kinh doanh Nguyên phụ liệu dệt may Sanding Tam của Công ty CP May Sài Gòn 2, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 8-2007 tại đường Ba Gia, P7, Q.Tân Bình. Sanding Tam có một lợi thế lớn là nằm gần khu vực chợ Tân Bình, một chợ đầu mối nguyên phụ liệu may mặc lớn ở TPHCM và có thể cung ứng nguyên phụ liệu cho hệ thống các cơ sở dệt may gia công thuộc làng nghề truyền thống Bảy Hiền gần khu vực này.

Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3, nhận xét, để thúc đẩy ngành dệt may phát triển, thật sự Việt Nam cần phải có những trung tâm giao dịch có tính quy mô như dự án của Vinatex, vì sẽ đáp ứng được sự đa dạng, phong phú về chủng loại hàng hóa để khách hàng lựa chọn, cập nhật nhanh phụ liệu trang trí theo xu hướng thời trang của thế giới. Mô hình Sanding Tam được xem như là bước đột phá cần thiết, mở đầu cho việc phát triển ngành nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam trong thời gian tới. 

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục