Ngành công nghiệp thép Việt Nam tiếp tục thu hút hàng tỷ USD đầu tư trong và ngoài nước

Ngành công nghiệp thép Việt Nam tiếp tục thu hút hàng tỷ USD đầu tư trong và ngoài nước

* Dự kiến đến năm 2010 sẽ xuất khẩu thép

Dù được đánh giá là quốc gia có nhiều mỏ quặng sắt và ngành công nghiệp thép Việt Nam cũng có quá trình phát triển lâu dài, thế nhưng hiện nay, khoảng 70% nguồn phôi thép phục vụ cho sản xuất trong nước phải nhập khẩu khiến thị trường thép Việt Nam luôn bấp bênh và phụ thuộc lớn vào diễn biến thị trường nguyên liệu nhập khẩu.

Giá thép: 6 tháng đạt 2 kỷ lục

Ngành công nghiệp thép Việt Nam tiếp tục thu hút hàng tỷ USD đầu tư trong và ngoài nước ảnh 1

Dây chuyền sản xuất thép cuộn ở Công ty Bluescop Steel Việt Nam (KCN Phú Mỹ 1, BR-VT). Ảnh: ĐỨC THÀNH

Giá thép những tháng đầu năm 2007 xuống đến mức kỷ lục so với vài năm gần đây khiến các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước điêu đứng. Nguyên nhân là do Trung Quốc thay đổi chính sách thuế đối với mặt hàng thép từ cuối năm 2006 khiến chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007 trên 330.000 tấn thép của Trung Quốc tràn vào Việt Nam, tăng gấp đôi so với cả năm 2006, với giá rẻ hơn cả phôi thép được nhập về để sản xuất thép.

Bước sang tháng 6, giá thép trong nước lại tăng với tốc độ chóng mặt từ trên 8 triệu đồng/tấn thép cuộn hồi tháng 6 lên hơn 9 triệu đồng/tấn vào tháng 7 và đạt ngưỡng trên 10 triệu đồng/tấn vào đầu tháng 8, đây được xem là mức giá cao từ trước đến nay và tăng khoảng gần 2 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ 2006. Nguyên nhân chính theo Hiệp hội Thép là giá nguyên liệu nhập khẩu tăng. Như vậy chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007, thị trường thép trong nước đã “đạt được” cả hai ngưỡng kỷ lục và gần như thoát khỏi sự kiểm soát của các nhà sản xuất trong nước.

Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phụ thuộc vào chính sách thuế xuất khẩu của các nước, phụ thuộc vào chính sách thuế trong nước… đã khiến các nhà sản xuất thép trong nước luôn trong tình trạng “vừa sản xuất vừa trông chừng”. Cụ thể, sau khi Trung Quốc có những thay đổi về chính sách thuế như thoái thu thuế VAT, giảm thuế xuất khẩu… dẫn đến giá thép nhập vào Việt Nam rẻ một cách “bất ngờ”. Đứng bên cạnh một nước có tiềm lực lớn về sản xuất thép với trên 300 triệu tấn/năm và cũng là thị trường chính cung cấp phôi thép cho Việt Nam nên ngành thép Việt Nam (có năng lực sản xuất khoảng trên 3 triệu tấn/năm) hoàn toàn bị động.

Năm 2006, sản xuất phôi thép trong nước chỉ đạt trên dưới 1 triệu tấn/năm đáp ứng khoảng ¼ nhu cầu nguồn phôi. Nhà máy thép Thái Nguyên được xem là “đại gia” trong lĩnh vực sản xuất phôi thép của Việt Nam nhưng cũng chỉ sản xuất được khoảng 300.000 tấn phôi từ nguyên liệu quặng sắt, còn đa số các doanh nghiệp đều sản xuất phôi từ thép phế liệu. Như vậy ngành thép vẫn còn phụ thuộc trên 50% nguồn phôi thép từ nước ngoài.

Từng bước chuyển mình

Nhằm nâng cao tính chủ động nguồn phôi thép cho sản xuất trong nước cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm thép Việt Nam, thời gian gần đây, đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư lớn vào luyện phôi thép và có rất nhiều dự án của các tập đoàn thép nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Ngành công nghiệp thép Việt Nam tiếp tục thu hút hàng tỷ USD đầu tư trong và ngoài nước ảnh 2

Các chuyên gia nước ngoài đang chạy thử nghiệm Nhà máy luyện phôi thép của Công ty Thép Việt.

Về phía doanh nghiệp trong nước, Công ty Thép Việt được xem là một trong những doanh nghiệp đầu tiên dám đầu tư gần 100 triệu USD xây dựng nhà máy luyện phôi thép tại KCN Phú Mỹ huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đầu tháng 8-2007, mẻ phôi thép thử đầu tiên được xuất xưởng thành công báo hiệu những tin vui đầu tiên cho ngành công nghiệp thép Việt Nam.

Ông Trịnh Văn Nam, Phó ban Quản lý dự án Nhà máy luyện phôi thép của Công ty Thép Việt cho biết: “Công nghệ luyện phôi của nhà máy là công nghệ hiện đại nhất Việt Nam hiện nay và cũng là công nghệ mới của thế giới góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất. Hiện chúng tôi vẫn đang trong quá trình chạy thử nghiệm, dự kiến cuối năm 2007 sẽ chính thức đi vào hoạt động…”. Với công suất 500.000 tấn phôi/năm, Công ty Thép Việt đã tự chủ được 100% nguồn phôi cho nhà máy cán thép thương hiệu Pomina của mình.

Theo kế hoạch, đến 2010, công ty sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao công suất luyện phôi, xây dựng thêm dây chuyền cán thép và đến 2015 sẽ hoàn thành khu công nghiệp luyện thép khép kính tại đây với công suất 3 triệu tấn/năm, tổng kinh phí đầu tư 1,5 tỷ USD. Tiếp đó là Công ty cổ phần Hoa Sen, sản xuất thép và vật liệu xây dựng tại KCN Phú Mỹ 2; Nhà máy Thép Vạn Lợi ở Bắc Cạn; Công ty cổ phần Thép Đình Vũ - Hải Phòng… Ngoài ra các công ty liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài đã và đang triển khai nhiều dự án luyện phôi và sản xuất thép tại Việt Nam với tổng vốn hàng tỷ USD.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, sự có mặt của các các tập đoàn sản xuất thép lớn trên thế giới trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO đã khẳng định vị thế của Việt Nam như một môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực sản xuất thép. Trước mắt, năm 2007 ngành thép sẽ cố gắng chủ động sản xuất khoảng gần 2 triệu tấn phôi, đáp ứng 50% nhu cầu. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, thời gian qua, việc phát triển ngành thép thiếu quy hoạch, tập trung nhiều vào sản xuất thép xây dựng mà không quan tâm phát triển sản xuất thép nguyên liệu, vì vậy ngành thép phụ thuộc lớn vào việc nhập nguyên liệu. Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, cơ quan chức năng cần xem xét kỹ khi quyết định đầu tư các công trình thép mới, nhằm bảo đảm ngành thép Việt Nam phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh với ngành thép khu vực và thế giới. 

CHIẾN DŨNG 

Dự kiến đến năm 2010 Việt Nam sẽ xuất khẩu thép

Giai đoạn 2007 - 2015 cần đầu tư khoảng 8 tỷ USD phát triển ngành thép, đến năm 2015 Việt Nam sẽ xuất khẩu 0,5 triệu tấn gang thép các loại, đó là một trong những mục tiêu của quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong những ngày đầu tháng 9-2007.

Theo dự báo của Bộ Công thương, nhu cầu thép thành phẩm của Việt Nam năm 2010 là 11 - 12 triệu tấn; năm 2015 là 15 - 16 triệu tấn; năm 2025 khoảng 24 - 25 triệu tấn. Mục tiêu đến năm 2010 Việt Nam sẽ luyện được 3,5 - 4,5 triệu tấn phôi/năm, và sẽ đạt đến 12 - 15 triệu tấn/năm vào năm 2025. Đặc biệt, sản xuất thép thành phẩm dự kiến sẽ đạt 6,3 - 6,5 triệu tấn vào năm 2010; 11 – 12 triệu tấn vào năm 2015; 19 - 22 triệu tấn vào năm 2025, xuất khẩu từ 0,5 - 0,7 triệu tấn gang thép các loại.

Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, bản quy hoạch nhấn mạnh tới việc tập trung đầu tư 6 dự án lớn của ngành thép giai đoạn 2007 – 2015. Đó là: liên hợp thép Hà Tĩnh (công suất dự kiến 4,5 triệu tấn/năm, dự kiến đi vào sản xuất năm 2011); liên hợp thép Dung Quất (công suất 5 triệu tấn/năm, bắt đầu giai đoạn 2 vào năm 2011); dự án nhà máy cán thép nóng, thép nguội, mạ kẽm chất lượng cao công suất 3 triệu tấn/năm do POSCO (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư; dự án nhà máy thép cuộn, thép lá cán nóng chất lượng cao công suất 2 triệu tấn/năm do liên doanh ESSA của Ấn Độ phối hợp với một số công ty trong nước thực hiện; dự án mở rộng Công ty Gang thép Thái Nguyên. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho ngành thép giai đoạn 2007 - 2025 lên tới 10 - 12 tỷ USD, trong đó giai đoạn 2007 - 2015 cần khoảng 8 tỷ USD. 

CH.D.

Các công trình và dự án đầu tư ngành thép được công bố từ đầu năm 2007 đến nay

Công trình của nước ngoài và liên doanh với nước ngoài:

– Nhà máy cuộn cán nóng liên doanh giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam và Tập đoàn ESSAR (Ấn Độ) tại Bà Rịa – Vũng Tàu công suất 2 triệu tấn, tổng đầu tư trên 500 triệu USD.

– Nhà máy cán nguội 1,2 triệu tấn/năm và cuộn cán nóng 3 triệu tấn/năm tổng đầu tư trên 1 tỷ USD của Tập đoàn POSCO (Hàn Quốc) tại Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu.

– Nhà máy Liên hợp thép Hà Tĩnh liên doanh giữa Tập đoàn TATA (Ấn Độ) với Tổng Công ty Thép Việt Nam sản xuất thép cuộn cán nóng cán nguội, thép tấm... với công suất dự kiến 4,5 - 5 triệu tấn/năm, tổng đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD.

– Nhà máy thép liên hợp liên doanh giữa Tập đoàn thép POSCO (Hàn Quốc) với Tập đoàn Vinashin công suất dự kiến 5 triệu tấn/năm sản xuất thép tấm, thép cuộn cán nóng, cán nguội.

– Liên hợp thép giữa Công ty Thép Jinnan (Trung Quốc) với Tycoon (Đài Loan - Trung Quốc) công suất 5 triệu tấn phôi/năm đầu tư trên 1 tỷ USD ở Dung Quất (Quảng Ngãi).

Công trình đầu tư trong nước:

– Nhà máy luyện kim công suất 300.000 tấn/năm Cửu Long – Vinashin, khởi công xây dựng tại Yên Bái.

– Nhà máy lò cao, lò điện ở Hải Phòng của Công ty CP Thép Vạn Lợi. công suất dự kiến 500.000 tấn/năm.

– Nhà máy liên doanh giữa Công ty Thép Vạn Lợi và Công ty Thương mại và Khoáng sản Hà Tĩnh sản xuất phôi thép.

– Nhà máy Thép Vạn Lợi ở Bắc Kạn sản xuất 500.000 tấn phôi/năm.

H.M.

Tin cùng chuyên mục