Ngành dệt may Pháp hành động vì môi trường


Pháp vừa quy định các nhà sản xuất phải ghi nhãn chi tiết thông tin về tác động đối với khí hậu trên tất cả sản phẩm may mặc được bán ở nước này kể từ năm 2023. Dự kiến, các quốc gia còn lại trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng quy định này từ năm 2026.
Các công ty dệt may Pháp sẽ phải cung cấp thông tin chính xác về nguồn gốc sản xuất quần áo của họ
Các công ty dệt may Pháp sẽ phải cung cấp thông tin chính xác về nguồn gốc sản xuất quần áo của họ

Theo đó, các nhà sản xuất sẽ phải cung cấp trên nhãn mác quần áo các thông tin về nơi sản xuất và cách thức sản xuất nguyên vật liệu, cách thức nhuộm màu vải cũng như xuất xứ sản phẩm. Nhãn mác cũng phải ghi rõ nhà máy sản xuất vận hành bằng năng lượng xanh hay than đá. Hiện Cơ quan Môi trường và Năng lượng Pháp (Ademe) đang thử nghiệm 11 đề xuất về cách thu thập và so sánh dữ liệu trên 500 mặt hàng quần áo đang được bán ngoài thị trường. Dự kiến, đến mùa xuân 2023, Ademe sẽ đối chiếu kết quả thử nghiệm trước khi gửi báo cáo đến các nhà lập pháp. Một quan chức của Ademe cho biết quy định ghi nhãn về tác động của các sản phẩm quần áo với khí hậu sẽ là bắt buộc.

Do đó, các thương hiệu thời trang cần sẵn sàng cho việc ghi nhãn các sản phẩm phục vụ truy xuất nguồn gốc và thu thập dữ liệu tự động như: Nguyên liệu thô được trồng ở đâu và như thế nào? Những gì đã được sử dụng để nhuộm màu sản phẩm? Nhà máy chạy bằng năng lượng mặt trời hay than đá?... Erwan Autret, một trong những điều phối viên tại Ademe, cho biết: “Thông điệp rất rõ ràng và sẽ trở thành bắt buộc, vì vậy các thương hiệu cần chuẩn bị cho sản phẩm của họ có thể truy xuất nguồn gốc, tổ chức thu thập dữ liệu. Dù còn nhiều ý kiến trái ngược về cách thức thực hiện, nhưng không ai đặt câu hỏi về sự cần thiết của những quy định này nữa”.

Quần áo là nhu cầu quan trọng đối với con người nhưng có một thực tế khắc nghiệt là ngành thời trang đang gây ô nhiễm và tàn phá môi trường rất lớn. Theo Liên hiệp quốc, ngành thời trang gây ra 10% lượng khí thải carbon toàn cầu, hơn cả lượng khí thải từ tất cả các chuyến bay quốc tế và hoạt động vận chuyển hàng hải cộng lại. Đây cũng là ngành tiêu thụ lượng nước lớn thứ 2 trong tất cả các ngành, với khoảng 20% lượng nước thải trên thế giới là từ ngành thời trang.

Các nhà vận động cho biết nhãn đính kèm là một phần quan trọng của giải pháp. “Nó sẽ buộc các thương hiệu phải minh bạch và sáng suốt hơn để thu thập dữ liệu và tạo mối quan hệ lâu dài với các nhà cung cấp của họ”, Victoire Sotto, thuộc The Good Goods, một công ty tư vấn thời trang và bền vững của Pháp, cho biết.

Mới đây, Premiere Vision, công ty dệt may có trụ sở tại Paris, đã giới thiệu các quy trình mới bao gồm thuộc da không độc hại, thuốc nhuộm được rút ra từ trái cây và chất thải, thậm chí cả đồ lót có thể phân hủy sinh học… “Nhưng chìa khóa cho sự bền vững là sử dụng loại vải phù hợp cho trang phục phù hợp”, Ariane Bigot, Phó Giám đốc thời trang của Premiere Vision, cho biết.

Các chuyên gia ngành công nghiệp thời trang lại có ý kiến khác. Valeria Botta, thuộc Liên minh Môi trường về tiêu chuẩn, cho biết: “Thực sự tốt khi nhấn mạnh vào phân tích vòng đời nhưng chúng ta cần tập trung vào việc thiết lập các quy tắc rõ ràng về thiết kế sản phẩm để xử lý triệt để những sản phẩm không bền vững, đồng thời đặt ra giới hạn sản xuất. Người tiêu dùng không cần phải đấu tranh để tìm ra một lựa chọn bền vững - đó phải là mặc định”.

Tin cùng chuyên mục