Sau khi Báo SGGP đăng tải loạt bài “Thảm họa” thiếu điện, số ra ngày 6-7-8 tháng 12, nhiều chuyên gia tiếp tục có ý kiến xung quanh những bất cập cũng như đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu điện gay gắt hiện nay. Sau đây là ý kiến của ông Hoàng Hữu Thuận, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phát triển Điện.
Tình trạng thiếu điện có nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan của chính ngành điện. Ở những nước đang phát triển như chúng ta, mức tăng nhu cầu điện năng (aE) luôn lớn hơn mức tăng trưởng sản phẩm quốc nội (aGDP - tỷ số aE/aGDP gọi là hệ số đàn hồi) từ 1,3 đến 2,0 lần. Vì những lý do riêng, đặc biệt là nhập công nghệ chưa tiên tiến, năng suất tiêu thụ điện năng trên một sản phẩm lớn, nên hệ số đàn hồi từ 1,5 đến 2,3 lần. Đó thực sự là một khối lượng rất lớn, đòi hỏi một sự tập trung nguồn vốn, vật tư, sức người cao độ mới làm nổi. Nếu không làm đủ, làm kịp sẽ rơi vào tình trạng thiếu điện!
Trước nhu cầu đầu tư cho ngành điện rất lớn, Nhà nước ưu tiên hết sức cũng giúp chỉ được một phần, phần chủ yếu phải do ngành điện tự cân bằng tài chính. Muốn cân bằng tài chính, giá điện phải nằm ở điểm cân bằng của dòng tiền tệ trên cơ sở thỏa mãn các ràng buộc về ổn định và phát triển kinh tế-xã hội. Giá điện phù hợp sẽ khuyến khích sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và thu hút vốn đầu tư phát triển nguồn điện, đảm bảo phát triển hài hòa của ngành điện và các ngành kinh tế quốc dân cũng như xã hội. Chính phủ chủ trương tăng giá điện theo lộ trình là thỏa đáng. Vấn đề còn lại là phải xác định được lộ trình phù hợp, lộ trình càng chậm, ngành càng thiếu vốn phát triển. Các biện pháp này cần được đẩy mạnh, thực hiện càng nhanh càng góp phần hạn chế thiếu điện.
Do nhu cầu vốn đầu tư lớn, ngành điện cần tập trung mọi cố gắng để đảm bảo thực hiện được các dự án chính yếu trong tổng sơ đồ phát triển điện theo tiến độ. Một vấn đề khác, lẽ ra chỉ tiêu tài chính các dự án do ngành thực hiện phải tốt hơn một cách rõ rệt so với dự án của các chủ đầu tư ngoài ngành, nhưng thực tế chưa được như thế. Chẳng hạn, giá thành điện của dự án do ngành thực hiện (100 – 220 MW) mấy năm gần đây từ 0,045 đến 0,062 USD/kWh, trong khi giá của dự án ngoài ngành (13,5 – 34 MW) từ 0,035 đến 0,038 USD/kWh. Điều đó cho thấy đầu tư của ngành chưa hiệu quả, tốn nhiều tiền mà giá điện lại cao, khó thu hồi vốn để tái đầu tư.
Việc tổ chức lại đầu tư, đưa ra các giải pháp kiểm soát hữu hiệu, thay đổi cung cách thực hiện đầu tư của ngành là giải pháp hàng đầu để tiết kiệm vốn và nâng cao sản lượng đáp ứng nhu cầu, góp phần rất quyết định vào việc hạn chế tình trạng thiếu điện. Giải pháp này cần giải quyết đầu tiên ở quan điểm phát triển, việc tổ chức thực hiện, từ tư vấn, quyết định đầu tư, quản lý dự án, giám sát xây dựng. Nếu không, bài toán thiếu vốn vốn khó khăn càng khó khăn hơn. Do đó, việc mời gọi, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư ngoài ngành vào góp vốn, góp sức phát triển nguồn và lưới phân phối phải coi là một biện pháp quan trọng. Nhiều dự án điện ngoài ngành không phát triển được vì lý do không có lưới đấu nối theo quy hoạch phát triển điện lực đã được duyệt. Biết bao cuộc họp đã tiến hành. Nhiều văn bản giao nhiệm vụ của cấp quản lý, nhưng vấn đề vẫn bỏ ngỏ, đến mức nhiều nhà đầu tư nguồn điện thấy vướng mắc về lưới đấu nối đã bỏ luôn dự án. Một khối lượng nguồn điện lớn tới vài ba ngàn MW đã bị chậm trễ vì lý do này.
Một vấn đề đáng lưu ý là giá theo chi phí do ngành lập là chưa thỏa đáng, thấp hơn đáng kể so với giá ngành sản xuất hoặc mua của Trung Quốc và giá đó đã gây trở ngại lớn cho các nhà đầu tư. Nếu cải thiện được hai khâu này, kèm theo một chế độ huy động nguồn công bằng, minh bạch trong điều độ vận hành hệ thống điện, chắc chắn nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ sát cánh cùng ngành điện để giải quyết rốt ráo cân bằng cung cầu, tháo gỡ một phần khó khăn ngành đang gánh chịu.
Hoàng Hữu Thuận (Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phát triển Điện)
>> Phản hồi loạt bài “Thảm họa” thiếu điện: Kìm hãm tăng trưởng
>> Phản hồi loạt bài “Thảm họa” thiếu điện - Cải tổ đồng bộ ngành điện