Ngành Điều: Vẫn cung cách làm ăn nhỏ

Ngành Điều: Vẫn cung cách làm ăn nhỏ

Dù hạt điều Việt Nam đã ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế nhưng thực tế các doanh nghiệp sản xuất, chế biến vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức: chưa xây dựng được thương hiệu riêng, thiếu nguyên liệu và lao động có tay nghề.

Yếu tất cả các công đoạn sản xuất

Ngành Điều: Vẫn cung cách làm ăn nhỏ ảnh 1
Dây chuyền chế biến hạt điều. Ảnh: T.L.

Hiện nay, tổng số lao động ngành điều trên 300.000 người, đáp ứng nhu cầu được 60%. Một chủ cơ sở chuyên chế biến hạt điều cho biết, đến vụ điều hàng năm phải tìm… đỏ con mắt mới tạm đủ công nhân. Hơn nữa, công nhân mới tuyển vào chưa có tay nghề nên phải đào tạo khá mất công và tốn kém. Thực tế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phát triển thị trường của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hạt điều nói riêng và của ngành điều Việt Nam nói chung.

Theo đánh giá của Hiệp hội Điều, chất lượng giống điều của nước ta không đồng đều, các dòng điều cao sản chưa chiếm diện tích chủ yếu. Nhiều vườn điều già cỗi, năng suất thấp nhưng vẫn được nông dân duy trì. Vì thế, theo Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cần có các biện pháp hỗ trợ nông dân mạnh dạn chặt bỏ những vườn điều già cỗi, năng suất thấp chuyển sang trồng các giống cao sản.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Đức Thanh (Hiệp hội Điều Việt Nam), những năm qua, ngành điều ít thay đổi công nghệ chế biến sản phẩm. Các quy trình sản xuất chủ yếu dựa vào lao động phổ thông là chính, năng suất thấp, tỷ lệ hạt vỡ cao, sản phẩm không đạt chất lượng.

Trong khi đó, một số đề tài nghiên cứu thiết bị công nghệ chế biến điều chưa sát với thực tiễn. Một số khâu cần cơ giới hóa như tách nhân, tách vỏ lụa, phân loại hạt điều... chưa có nhiều đề tài nghiên cứu và vẫn làm theo phương pháp thủ công là chính.

Nghiên cứu nhiều, hiệu quả chưa cao!

Một số công ty, nhà máy được cấp giấy chứng nhận chất lượng và quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế ISO, HACCP,… nhờ tiếp cận công nghệ, nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học. Điển hình như Công ty cổ phần Dầu thực vật Bình Định, đã chế tạo thành công thiết bị hấp hạt điều liên tục, với công nghệ hấp tự động bằng hơi nước bão hòa. Đây là phương pháp xử lý hạt điều lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, đảm bảo được chất lượng hạt điều, giảm thiểu bể vỡ nhân…

Trường ĐH Bách khoa TPHCM cũng đã nghiên cứu và chế tạo thiết bị rang tẩm hạt điều có chất lượng cao; xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường của công nghiệp chế biến hạt điều.

Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên đã tạo ra được 5 giống điều mới cho năng suất từ 1,5 - 2 tấn hạt/ha, cao gấp 3 lần năng suất giống điều đang được trồng rộng rãi ở các tỉnh Tây Nguyên hiện nay. Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cùng các viện, trung tâm vùng, đã thực hiện một số giải pháp trong việc chọn lọc cây điều mẹ đầu dòng trên các vùng sản xuất điều chủ yếu, làm phong phú thêm nguồn giống điều cả nước.

Viện cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến cáo nông dân trong từng vùng trồng các giống điều ghép có năng suất, chất lượng cao phù hợp; triển khai quy trình nhân giống điều bằng phương pháp ghép chồi vạt nhọn tạo lượng cây giống dồi dào.

Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ cũng có nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón, tưới bổ sung, mật độ trồng đến sinh trưởng phát triển; nghiên cứu điều tra thành phần sâu bệnh chính hại điều. Công ty Chế biến xuất khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) đã chính thức sản xuất cây điều giống cao sản bằng phương pháp lai ghép vô tính.

Đối với các sản phẩm từ điều, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã chế tạo thiết bị tạo bột ma sát từ dầu vỏ hạt điều, để chế tạo má phanh cho xe cơ giới đường bộ. Còn mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ xây dựng nhà máy chế biến gỗ điều Đồng Phú (Bình Phước) nhằm tận dụng gỗ điều làm vật dụng sinh hoạt, nội thất…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Điều và Bộ Khoa học và Công nghệ, việc tiếp cận khoa học- công nghệ trong nhân giống, chế biến hạt điều vẫn rất bị động. Cụ thể, còn gần 80% các nhà máy chế biến điều ở Việt Nam đang áp dụng công nghệ chao dầu trong chế biến hạt điều. Phương pháp này gây ô nhiễm môi trường do nước ngâm ủ thải ra và hơi dầu phát tán trong quá trình chao; nhân hạt điều bị nhiễm dầu, bị đổi màu, làm giảm giá trị thành phẩm. Ngoài ra, nhiều kết quả nghiên cứu về giống điều, chế biến hạt điều chưa ứng dụng hiệu quả. Diện tích điều cao sản cho năng suất cao chưa được trồng đại trà…

Để ngành sản xuất và chế biến hạt điều nước ta vươn lên đỉnh cao, cần quy hoạch lại các vùng trồng điều theo hướng chuyên canh và thâm canh bằng các giống cao sản mới cho năng suất cao; các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn về khoa học và công nghệ để cho sản phẩm đa dạng, chất lượng, tạo dựng thương hiệu…  

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, hiện nay diện tích trồng điều cả nước đạt trên 433.000 ha với sản lượng thu hoạch khoảng 350.000 tấn điều thô mỗi năm. Cả nước có 225 doanh nghiệp chế biến điều với gần 300 nhà máy, chế biến và xuất khẩu được 127.000 tấn nhân điều.  

HỮU BẰNG - HÂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục