Ngành thiết kế vi mạch Việt Nam: phải biến giấc mơ thành hiện thực

Thế kỷ 21 - thời đại bùng nổ về công nghệ, từ ô tô đồ chơi, ấm đun nước cho tới máy tính bảng Ipad đều rất thông minh nhờ được gắn chip. Vốn “ngoại đạo” nhưng năm 2008, một trung tâm nghiên cứu, đào tạo thuộc ĐH Quốc gia TPHCM đã chế tạo thành công chip vi xử lý, khiến cả giới khoa học trong và ngoài nước ngỡ ngàng. Từ đó, con chip thuần Việt này được kỳ vọng sẽ là hạt nhân để xây nên một ngành công nghiệp mới - ngành thiết kế vi mạch.
Ngành thiết kế vi mạch Việt Nam: phải biến giấc mơ thành hiện thực

Thế kỷ 21 - thời đại bùng nổ về công nghệ, từ ô tô đồ chơi, ấm đun nước cho tới máy tính bảng Ipad đều rất thông minh nhờ được gắn chip. Vốn “ngoại đạo” nhưng năm 2008, một trung tâm nghiên cứu, đào tạo thuộc ĐH Quốc gia TPHCM đã chế tạo thành công chip vi xử lý, khiến cả giới khoa học trong và ngoài nước ngỡ ngàng. Từ đó, con chip thuần Việt này được kỳ vọng sẽ là hạt nhân để xây nên một ngành công nghiệp mới - ngành thiết kế vi mạch.

  • Những bước tiến dài 

Tại Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch - ICDREC (lầu 7, nhà điều hành ĐH Quốc gia TPHCM), ngay lối vào là 3 khung kính đặt 3 con chip nhỏ bé nhưng nó ghi dấu toàn bộ chặng đường mà ICDREC đã đi trong suốt 5 năm.

Đầu tiên là SigmaK3 (tháng 1-2008), con chip Việt đầu tiên, kết quả của 3 năm nghiên cứu, mổ xẻ các bản thiết kế của các đối tác nước ngoài như Synopsys, Analog Devices ra đời. Tiếp đến là VN8-01 (tháng 11-2009) với 100% kiến trúc, tập lệnh… do người Việt Nam thiết kế. Cuối cùng là TH7150 (tháng 1-2010), chip quản lý năng lượng, mặt hàng mà cả thế giới đang có nhu cầu rất lớn.

Th.S Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, chia sẻ: “Đây là 3 niềm tự hào của chúng tôi, của người Việt nhưng để phát triển được ngành thiết kế vi mạch bán dẫn, nước ta cần phải thực sự tâm huyết và dốc sức trong một khoảng thời gian tối thiểu 3 - 5 năm bởi trình độ nhân lực, vốn đầu tư, công nghệ, kinh nghiệm… của ta còn hạn chế”.

Âm thầm, tâm huyết và dốc sức, ICDREC đã dần giải được bài toán nhân lực, với đội ngũ kỹ sư thiết kế đông đảo (100 người), trong đó có 7 kỹ sư được chiêu mộ từ các chi nhánh Việt Nam của Công ty Thiết kế vi mạch Altela (Mỹ). Đặc biệt, trong đội ngũ kỹ sư của ICDREC có cả “cô gái vàng” lĩnh vực thiết kế vi mạch Trần Thị Hồng. Tháng 3-2010, Hồng đã đạt giải cao nhất trong cuộc thi thiết kế vi mạch LSI 2010 dành cho sinh viên, học viên cao học tại Okinawa (Nhật Bản).

PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, trao bằng khen tặng đội Little Chickens (ĐH Quốc gia TPHCM) giành giải nhất cuộc thi thiết kế vi mạch LSI tại Nhật Bản năm 2010.

PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, trao bằng khen tặng đội Little Chickens (ĐH Quốc gia TPHCM) giành giải nhất cuộc thi thiết kế vi mạch LSI tại Nhật Bản năm 2010.

  • Khéo léo chọn phân khúc riêng 

Thị trường vi mạch thế giới (trên 18 tỷ thiết bị được nhúng chip) lâu nay vốn là “đất riêng” của các doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đặc biệt, khi người hàng xóm Trung Quốc đã có thể xuất khẩu chip với đơn vị tính bằng “rổ” thì chip gắn mác Việt luôn sống trong hoài nghi: “Đó là việc của Intel, Samsung mà!”; “trình độ thấp hơn thế giới bao nhiêu?”...

Th.S Ngô Đức Hoàng thừa nhận, Việt Nam xuất phát sau thế giới ngót nửa thế kỷ, hiện bị tụt lại 10 đến 12 năm trong sản xuất chip. Do vậy, chip Việt sẽ chỉ hướng vào những phân khúc mà các đại gia này không đụng tới như bộ xử lý sản phẩm gia dụng; thẻ nhận dạng qua sóng truyền thanh (RFID) phục vụ công tác quản lý phương tiện giao thông, bệnh nhân; ứng dụng chứng minh thư điện tử…

Đại tá Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tecapro - Viện Khoa học Công nghệ Quân sự (đơn vị hàng đầu ở nước ta về “nhúng” chip) đánh giá, Việt Nam đang phát triển thẻ thông minh và hộp đen, chip Việt sẽ có đất dụng võ!

Thực tế, một trong những ứng dụng nổi bật của thẻ thông minh là chứng minh thư điện tử, hiện đã được rất nhiều quốc gia như Malaysia (năm 2001), Thái Lan (năm 2004), Tây Ban Nha (năm 2009)… phát triển.

Theo TS Đặng Lương Mô, cố vấn ĐH Quốc gia TPHCM, trong tương lai, nước ta sẽ không đứng ngoài xu thế này. Khi đó, chip không thể nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc… mà phải do Việt Nam thiết kế, sản xuất để đảm bảo an ninh, bảo mật. Như vậy, với trên 80 triệu dân, nước ta cần trên 80 triệu thẻ, sản xuất mới và thay thế (hư hỏng) khoảng 4 triệu thẻ/năm. Ngoài ra, công nghệ này còn có thể xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Mục tiêu gần hơn cần hướng tới là sản phẩm “hộp đen” giám sát hành trình. Vừa qua, quy định của nhà nước về việc bắt buộc các phương tiện vận tải lắp đặt hộp đen từ 1-7-2011 là thời cơ lớn cho chip Việt được các nhà sản xuất hộp đen lựa chọn.

Hiện tại, sau khi chứng minh được khả năng ứng dụng đa dạng (hệ thống quang báo, kiểm soát hàng hải…), UBND TPHCM đã đầu tư sản xuất 150.000 chip 8 bit SG8-01. Theo thông tin từ ICDREC, khoảng 50.000 chip đã được hoàn thiện, sẽ có mặt tại thị trường Việt Nam vào tháng 12-2010, bảo đảm chất lượng, rẻ hơn 30% so với hàng ngoại nhập. Tất nhiên, đầu ra đã có.

Tháng 6-2010, ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức chuỗi hội thảo “Công nghệ vi mạch Việt Nam 2010”, với sự tham gia của 35 giáo sư nổi tiếng về vi mạch của Nhật Bản, Mỹ, Na Uy, Thụy Sĩ và 200 nhà quản lý, nhà khoa học Việt Nam cùng bàn về hướng đi cho ngành thiết kế vi mạch.

Tại hội nghị này, hầu hết các đại biểu đều cho rằng: “Sự nghiệp công nghiệp hóa sẽ khó hoàn thành nếu bỏ qua vi mạch”. Những bước tiến dài của ICDREC và sự đồng lòng của nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học đang dần biến giấc mơ phát triển công nghiệp vi mạch Việt Nam thành hiện thực. 

KIÊN GIANG

Tin cùng chuyên mục