
Hà Nội, những ngày cuối tháng 10-1967. Tiếng máy bay Mỹ rú lên mỗi ngày không át nổi tiếng hát vang lên từ Thư viện Quốc gia trên đường Tràng Thi.

Tấm ảnh trước ngày lên đường chụp chung với đồng chí Tố Hữu - vật kỷ niệm vô cùng quý giá của anh chị em những người đi B.
Tại vị trí mượn tạm này, hơn 20 nghệ sĩ được Ban Thống nhất Trung ương chọn từ Trường Âm nhạc Việt Nam, Đoàn Ca múa Trung ương, Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, Trường Múa Việt Nam, Dàn Hợp xướng - Giao hưởng quốc gia, khẩn trương luyện tập dưới dự dìu dắt của những ca sĩ, nhạc sĩ lừng danh như: nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Đắc Nhẫn, Văn Lưu; ca sĩ Trần Hiếu, nghệ sĩ Văn Thoa... để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt.
Trước ngày lên đường, chương trình được tổng duyệt với sự hiện diện của đại diện Ban Bí thư Trung ương Đảng - đồng chí Tố Hữu. Sau buổi biểu diễn báo cáo, trong căn hầm của Bảo tàng Cách mạng, đồng chí Tố Hữu giao nhiệm vụ cho “đội quân đặc nhiệm” này: bổ sung cho Đoàn Văn công Giải phóng từ chiến khu Nam bộ, và cử đi biểu diễn làm công tác tuyên truyền tại Vương quốc Campuchia.
Vài ngày sau, mặc quần áo đẹp, sách valy đựng ba lô, võng dù, quân trang, quân dụng... đoàn đã lên ô tô chờ ngay trước cửa Đài Tiếng nói Việt Nam. Chỉ có thân nhân và những cán bộ đưa tiễn biết chúng tôi lên đường.
Chuyến vượt Trường Sơn bằng con đường đặc biệt giúp chúng tôi chỉ 4 ngày sau đã có mặt ở chiến khu miền Đông. Khẩn trương ráp vào chương trình của anh chị em trong Đoàn Văn công Giải phóng (Ban Tuyên huấn Trung ương Cục R), ít ngày sau, đoàn đã tới Phnôm Pênh – thủ đô Vương quốc Campuchia – biểu diễn.

Chiếc địa bàn - kỷ vật của Thiếu tướng Hoàng Niệm.
Thành công của đoàn góp thêm tiếng nói mạnh mẽ khuếch trương thanh thế lực lượng của Mặt trân Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam . Sau những đêm biểu diễn ở Campuchia, chúng tôi trở về căn cứ miền Đông, tiếp tục biểu diễn và tham gia chiến đấu cho tới ngày chiến thắng hoàn toàn. Tấm ảnh trước ngày lên đường chụp chung với đồng chí Tố Hữu đã qua 48 năm là vật kỷ niệm thân thương, vô cùng quý giá của anh chị em chúng tôi - những người đi B.
- Kỷ vật của Thiếu tướng Hoàng Niệm, nguyên Tư lệnh Binh chủng Thông tin, là chiếc địa bàn được sử dụng từ tháng 12-1974, dùng soi cốt đường rừng triển khai hệ thống thông tin vô tuyến điện trong chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
- Bản đồ miền Đông Nam bộ, kỷ vật của đồng chí Bùi Phòng, Cục Trưởng Cục Hậu cần Miền, dùng để chỉ đạo các đoàn vận tải, đặt địa điểm các đoàn hậu cần, phục vụ nhiều chiến dịch trên chiến trường miền Đông và cả miền Nam từ 1965 đến 1975.
TH.H & BTMĐ