Nghê - Linh vật trong tín ngưỡng dân gian Việt

Nét giống sư tử, kỳ lân, thân lại giống chó… đó là nghê, một biểu tượng văn hóa Việt phổ biến ở phía Bắc từ ngàn năm qua nhưng lại ít được biết đến, mặc dù sự xuất hiện của nghê được xác định cụ thể qua các hiện vật cổ có niên đại từ thời nhà Lý đến các triều đại kế cận như Trần, Lê… vẫn thấy xuất hiện nghê trong trang trí chủ yếu ở các đền miếu, lăng tẩm với nhiều chất liệu, gỗ, đá, đồng và sứ. Qua nhiều triều đại, lãnh địa của nghê khu trú chủ yếu ở khu vực phía Bắc.
Nghê - Linh vật trong tín ngưỡng dân gian Việt

Nét giống sư tử, kỳ lân, thân lại giống chó… đó là nghê, một biểu tượng văn hóa Việt phổ biến ở phía Bắc từ ngàn năm qua nhưng lại ít được biết đến, mặc dù sự xuất hiện của nghê được xác định cụ thể qua các hiện vật cổ có niên đại từ thời nhà Lý đến các triều đại kế cận như Trần, Lê… vẫn thấy xuất hiện nghê trong trang trí chủ yếu ở các đền miếu, lăng tẩm với nhiều chất liệu, gỗ, đá, đồng và sứ. Qua nhiều triều đại, lãnh địa của nghê khu trú chủ yếu ở khu vực phía Bắc.

Nghê là con gì?

Nói một cách ngắn gọn, nghê là sự kết hợp giữa thân chó và đầu lân. Đặc điểm phân biệt giữa nghê và lân là ở bộ móng, nghê mang móng vuốt còn kỳ lân mang móng guốc. Ở Trung Quốc, người ta gọi “toan nghê” chính là con sư tử, còn ở Việt Nam, hình ảnh nghê gắn liền với con chó. Tại sao gọi là nghê? Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế giải thích: “Từ nguyên của nghê có nguồn gốc Trung Quốc. Hiện tượng phổ biến trong mã chung văn hóa vùng Viễn Đông có rất nhiều tín ngưỡng và đồ án Trung Hoa, nhưng khi sang đến Nhật Bản, Hàn Quốc, xuống đến Việt Nam dù cùng tên gọi nhưng có dung mạo, sắc thái khác. Sắc thái của con nghê Việt luôn gợi cho chúng ta một nét bình dị. Chẳng hạn con nghê gỗ - một trong những hiện vật quý ở đền thờ Lê Thánh Tông hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - dù được trang sức khá cầu kỳ, thể hiện bậc vương giả, khác với con nghê ở các chốn khác, nhưng vẫn bộc lộ một tính gần gũi, một nét thân quen phảng phất hình ảnh con chó”.

Nghê gỗ mang đuôi chó thời Lý, biểu trưng của lòng trung thành

Vì sao nghê có dáng chó? Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết: “Mỗi linh vật khi được dựng lên, đều có một khởi hình, chẳng hạn con rồng mang khởi hình từ con rắn. Con nghê, phần cấu tạo chính trong cấu trúc của con vật không có thật này mang khởi hình từ con chó”.

Khác những linh vật khác thường ở một vị trí nhất định, nghê xuất hiện khắp nơi, trên các tam quan, ngay trước cổng làng, lăng mộ, dưới nóc mái, bờ đao trong kiến trúc đình chùa, nhà ở… Nhìn vào con nghê, người ta thấy sự thân thiện, gần gũi, thân thương, chẳng hạn sự xuất hiện nghê ở cổng làng, biểu trưng như một sự đón chào, giống con chó khi thấy chủ đi xa về mang dáng điệu hồ hởi ra đón. Hiện vật nghê gốm, gỗ sớm nhất được xác định từ thời Lý mang vóc dáng của con chó bụng thon, đuôi ngắn, cổ tương đối ngẩng, những đặc điểm đó liên tưởng đến mối quan hệ giữa nghê và tín ngưỡng thờ chó trong dân gian Việt Nam.

Vị trí và ý nghĩa của nghê

Sự xuất hiện của nghê ở mỗi vị trí nhất định lại mang một ý nghĩa cụ thể. Bốn ngôi đền thiêng trấn giữ Đông - Tây - Nam - Bắc của kinh thành Thăng Long khi xưa chính là Thăng Long Tứ Trấn. Trấn Đông là đền Bạch Mã, thờ thần Long Đỗ, Thành hoàng Hà Nội, xây dựng vào thế kỷ 9. Trấn Tây là Đền Voi Phục, thờ Linh Lang, một hoàng tử thời nhà Lý, xây dựng vào thế kỷ 11. Trấn Nam là đền Kim Liên, thờ Cao Sơn Đại Vương, xây dựng vào thế kỷ 17. Trấn Bắc là đền Quán Thánh, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, xây dựng vào thế kỷ thứ 10. Trong Thăng Long Tứ Trấn, đều thấy xuất hiện hình tượng nghê ở các nét trang trí kiến trúc... nhưng rõ nét và dễ nhận nhất là các con nghê đặt trên các cột trụ biểu trước cổng đền.

Nghê trên cột trụ biểu ở đền Trấn Vũ

Việc tạo đường đi lối lại nơi các linh từ, đền thiêng, bao giờ cũng có 4 cột trụ biểu. Theo đúng cổ lệ, 2 cột trụ biểu bên trong cao hơn 2 cột bên ngoài. Trên đỉnh nóc 2 cột trụ biểu bên ngoài đặt đôi nghê chầu, đỉnh 2 cột trụ biểu bên trong là hình con chim phượng hoàng. Nghê sánh với phượng chính là những linh vật tượng trưng cho cõi trên. Người ta quan niệm rằng nghê đứng từ trên cao nhìn xuống, mang hàm ý kiểm soát tâm hồn của những người ra vào chỗ linh thiêng của ngôi đền, xem có xứng đáng hay không, nếu xứng đáng thì hãy vào, trải lòng với thần linh, nhưng nếu tâm không thiện, không tốt, không xứng đáng thì sẽ bị sự kiểm soát này trừng phạt.

Trong các lăng mộ vua quan trước thời Nguyễn ở Bắc Giang đều thấy xuất hiện nghê, như lăng họ Ngọ, lăng Đinh Hương… nhưng xét về mặt mỹ thuật thì con nghê nơi lăng mộ mang tính khác biệt hoàn toàn với con nghê ở các ngôi linh từ.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế lý giải: “Con nghê nơi lăng mộ, xét trong ý nghĩa tâm linh hơi khác những con nghê chúng ta vốn quen thuộc thân thiết ở các đình làng, bởi thường thể hiện một lòng kính cẩn thương xót, bày tỏ một niềm đau đớn mà thường trong mỹ thuật cổ truyền vùng Viễn Đông, người ta không làm hình người khóc lóc ở lăng miếu, thay vào đó là hình các con thú. Con nghê của người Việt không có biểu hiện hung dữ, ghê gớm, hăm dọa, mà gần gũi, thể hiện tâm thức người Việt, phù hợp cảnh quan, nhân tình thế thái của người Việt”.

Sang đến thời Lê Trung Hưng, nghê bắt đầu có vảy, đuôi dài, thể hiện sự linh hiển, sang trọng và có một đặc điểm khác biệt với những linh vật cùng loại khác ở vùng Viễn Đông là nghê cặp đôi với phượng hoàng (thường phượng đi kèm với rồng). Nên dân gian có câu: “Làm Phượng thì múa làm Nghê thì chầu”. Điều này phản ánh việc người Việt xưa đưa con nghê từ vị trí gốc gác là con chó, trở thành một con vật có đẳng cấp cao sang hơn hẳn bởi nó sánh ngang phượng hoàng, một linh vật trong tín ngưỡng dân gian.

Nghê trong đời sống

Đến thời nhà Nguyễn, hình tượng nghê, đặc biệt trong các lăng tẩm, trong kiến trúc cung đình, dần được thay thế bằng kỳ lân, nguyên do có sự đổi thay này là những nét văn hóa hội nhập với các nước láng giềng.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho biết thêm: “Ở thời Lê trung hưng, nghê vẫn xuất hiện trong các lăng mộ, nhưng trong hầu hết các lăng mộ ông hoàng bà chúa triều Nguyễn không có nghê mà thay bằng kỳ lân. Tuy nhiên, sự vắng bóng nghê chỉ trong các lăng tẩm hoàng gia, còn trong đời sống thế tục, để thay đổi được hồn Việt, tính cách người Việt thì không dễ, cứ nhìn hệ thống kiến trúc ở hàng trăm ngôi làng Bắc bộ, cho đến nay người ta vẫn làm hình con nghê chầu”.

Nghê gỗ mang dáng ngọc như ý, biểu trưng một trong Bát Bửu, 8 thứ quý giá của nhà Phật

Mỗi hình dáng nghê của văn hóa dân gian Việt Nam xưa được gửi gắm một thông điệp đầy thú vị. Nghê mang rất nhiều biểu trưng, từ sự thân thương, bình dị, đến chính trực, ngay thẳng, dũng mãnh, quyền uy, tôn nghiêm, linh thiêng và cả lòng trung thành. Hiếm có linh vật nào trên thế giới lại có nhiều hình dáng, nhiều biểu trưng và ý nghĩa độc đáo như nghê.

Dựa trên các bộ sưu tập nghê còn lại ở các bảo tàng và các bộ sưu tập tư nhân, có thể thấy tùy từng giai đoạn nghê có những nét đặc trưng khác nhau. Nghê thời Lý dáng thon nhỏ, nhưng đẹp và rất cầu kỳ, nghê đời Lê mang tính vương giả hơn, mình đóng vảy, biểu lộ sự thiêng hóa, đồng thời xã hội cũng đang là thời điểm giằng co giữa chế độ phong kiến bắt đầu hình thành, cộng với ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, cho nên nhiều hình tượng nghê đã lai sang kỳ lân hoặc rồng, nhưng nét cơ bản đa phần vẫn mang đậm yếu tố dân gian Việt Nam.

Nghê gỗ của đền thờ Lê Thánh Tông hiện trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Chính từ sự đa dạng trong kiểu dáng, chất liệu, niên đại và vẻ đẹp tạo hình, nghê dần trở thành một dòng hiện vật được các nhà sưu tập cổ ngoạn săn tìm. Trong bộ sưu tập nghê của nhà sưu tập Tú Anh ở TPHCM, có một con nghê rất đặc biệt, thuộc đồ dùng văn phòng tứ bảo của nhà thờ Công giáo vùng Nam Định. Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng rất lớn của nghê trong đời sống dân gian Việt Nam xưa. Nhà sưu tập Tú Anh cho biết: “Có một điều thú vị khi Pháp đô hộ Việt Nam, đưa văn minh của họ vào, nhưng cũng đồng thời bị ảnh hưởng lại văn minh Việt. Ở thời điểm ấy, rồng đã trở nên khá phổ biến trong văn hóa Việt, nhưng khi làm đồ chặn giấy dùng trong văn phòng, nếu mượn hình tượng rồng thì quá dài, hình lân hoặc sư tử thì dáng đứng dễ đổ, nên người ta sử dụng hình tượng nghê nhờ dáng linh hoạt, dễ biến tấu hơn. Cái chặn giấy là một hiện vật thú vị minh chứng cho sự ảnh hưởng của hình tượng nghê vào văn hóa, tín ngưỡng và đời sống của người Việt xưa”.*

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục