Triển lãm ảnh Chim rừng mùa kết bạn do Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) và Nhà văn hóa Thanh niên tổ chức đã lay động tâm thức của bao người. Nhiều người đã tâm sự rằng mình được truyền cảm hứng để yêu chim rừng Việt Nam nói riêng, yêu thiên nhiên nói chung.
Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có dịp trò chuyện với nghệ sĩ Tăng A Pẩu, tác giả của 150 bức ảnh tại triển lãm.
* Phóng viên: Được biết anh chụp ảnh chim rừng Việt Nam từ 7 năm nay. Sao anh lại chọn đề tài này?
* Nghệ sĩ TĂNG A PẨU: Năm 2005, một lần vào thăm rừng tình cờ tôi bắt gặp thú rừng chạy ngang giữa lối mòn của Vườn quốc gia Cát Tiên, thấy đẹp quá, tôi giơ máy ảnh lên bắt những khoảnh khắc ấy. Nhưng việc chụp thú rừng cũng không dễ vì ngày càng hiếm gặp chúng giữa ban ngày nên sau này tôi chuyển qua chụp chim rừng. Dĩ nhiên tôi vẫn chụp những gì bắt gặp trong rừng như hoa rừng, kỳ hoa dị thảo, côn trùng, rừng đẹp bốn mùa… Sau những ngày làm việc căng thẳng, tôi lại vác máy ảnh vào rừng, kiên nhẫn chờ đợi cơ duyên hội ngộ với từng cánh chim rừng. Tôi hy vọng người xem phần nào thấy được những khoảnh khắc đẹp đẽ, độc đáo của chim rừng như tôi đã may mắn chứng kiến. Tôi cũng mong mỗi người hãy cùng tôi tham gia bảo vệ chim rừng và thiên nhiên Việt Nam”.
Khướu đầu đen má xám (Collared Laughingthrush). Ảnh do Tăng A Pẩu chụp.
* Bức ảnh chim rừng Việt Nam đầu tiên mà anh chụp được là gì? Anh chụp ở đâu? Chụp chim rừng chắc là vất vả?
* Lần đầu tiên tôi chụp chim rừng tình cờ lại là con chim đẹp nhất trong số những loài chim quý ở Việt Nam. Đó là chim thiên đường đuôi phướn (Asian Parradise Flycatcher). Điều đó khiến việc chụp chim rừng ngày càng trở nên hấp dẫn, cuốn hút tôi. Chụp chim rừng đều là những khoảnh khắc may mắn. Có loài tôi phải chủ động kiếm tìm hoặc thăm hỏi từ những người đi rừng, kiểm lâm hoặc những nhà nghiên cứu chim. Có lúc tôi phải di chuyển hàng ngàn kilômét đến vùng khu trú của một loài đã xác định (như muốn chụp khướu Konkakinh thì phải đi rừng Măng Đen (Kon Tum) hoặc khướu Ngọc Linh thì phải leo núi Ngọc Linh (Kon Tum) lên độ cao 2.500m kiếm tìm hoặc muốn chụp con khướu đầu đen má xám phải lên đỉnh Bidoup-Núi Bà (Lâm Đồng), cũng có loài tôi phải ngụy trang núp cả ngày để rình chụp con đuôi cụt bụng vằn (Bar-bellied Pitta)…
* Bức ảnh nào anh chụp dễ nhất, bức nào chụp khó nhất?
* Loài khướu khó chụp nhất là khướu đá vôi (Limestone Barbler). Đây là loài khướu đặc hữu Đông Dương vì chỉ có ở Việt Nam và một vùng nhỏ ở Lào. Tôi đã phải bay ra Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), đi sâu vào rừng leo lên những dốc núi đá vôi để kiếm tìm. Do chúng nhảy loi choi trên những mỏm đá vôi, hình dạng nhỏ bé (chỉ hơn 5cm) nếu không may mắn thì không thể chụp thành công... Hoặc như con khướu đầu đen (Black-hooded Laughingthrush) chụp rất khó vì chúng chui rúc trong bụi rậm rất tối, lủi nhanh và cặp mắt láu lỉnh ngờ vực, ít ai có thể chụp được loài chim này một cách hoàn hảo.
* Anh đã chụp được ảnh của hơn 500 loài chim rừng ở Việt Nam (chiếm 2/3 số loài chim rừng Việt Nam), một con số mà ai cũng thèm muốn. Anh làm thế nào thu xếp được công việc kinh doanh và cuộc sống gia đình để đi khắp nơi chụp ảnh chim rừng?
* Chụp ảnh các loài chim rất tốn kém công sức, thời gian, tiền bạc, và sức lực. Tốn tiền vì tôi phải di chuyển trên một quãng đường dài, có khi hơn hàng trăm kilômét hoặc hàng ngàn kilômét bằng máy bay. Có người đã ví chụp chim rừng chịu phí tổn nhiều hơn cả người chơi golf. Thường những người chụp ảnh chim cần rất nhiều thời gian, bởi có khi đi đi lại lại cả năm trời mới chụp được ảnh một loài chim, chuyện rình cả ngày để chụp được một bức ảnh là quá bình thường. Với tôi, thời gian chụp ảnh và thời gian cho công việc mưu sinh luôn hài hòa, xen kẽ nhau. Có khi phải hy sinh thời gian kinh doanh cho việc đi chụp chim. Thiệt thòi về kinh tế một chút là chuyện đương nhiên, kể cả những quan hệ xã hội thường nhật như tiệc tùng, lễ lạt, cưới xin… Sinh hoạt giao tiếp cộng đồng xã hội, bạn bè vì đó cũng dần xa lánh. Thức sớm và di chuyển liên tục, lội suối trèo non hiểm trở, giá lạnh, gió núi luôn thử thách sức lực của người săn ảnh chim rừng. Ăn uống đơn giản cũng cần thiết do đòi hỏi của công việc. Ngoài ra người đi chụp chim lội rừng cũng cần cơ thể mạnh mẽ. Với tôi thì việc luyện tập một môn thể thao hỗ trợ là cần thiết. Hiện tôi vẫn chơi tennis đều đặn mỗi tuần ba lần để có sức.
* Trên facebook, anh từng “đau đớn” vì mỗi năm sếu đầu đỏ về huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang càng ít. Diện tích đồng cỏ nay bị thu hẹp nhường chỗ cho những nhà máy xi măng, vuông tôm... nên sếu đầu đỏ càng hiếm đất sống. Theo anh, chúng ta phải làm gì để hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên?
* Về vấn đề này tôi nghĩ thật tế nhị giữa lợi ích kinh tế thiển cận địa phương và lợi ích dài lâu của những thế hệ nối tiếp. Cần hoạch định chiến lược có tầm nhìn xa về độ bền vững bởi những nhà quản lý có thực lực và được trang bị kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực thiên nhiên môi trường. Tiếng nói của những nhà khoa học môi trường phải được trọng thị. Thái độ ân cần với thiên nhiên cần được giáo dục cho học sinh từ khi còn ở những lớp tiểu học. Đôi khi sự mất mát đó là vĩnh viễn (vuông tôm thật sự không mang lại lợi ích kinh tế rõ ràng cho đến thời điểm hiện nay so với sự phá hoại hàng trăm ngàn hécta sinh cảnh). Sự đào xới đất phù sa cổ ở ấp Lung Lớn (Kiên Giang) để làm phân bón cũng cần xem xét lại một cách nghiêm túc. Người ta đã chạy theo một thứ lợi nhuận ít ỏi để phá hỏng những giá trị to lớn n
* Xin cảm ơn anh
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG thực hiện